Việc phát hiện ra bãi cọc ở Hải Phòng đang thu hút sự chú ý của dư luận và các nhà khảo cổ, nghiên cứu. Nhiều người cho rằng rất có thể đây là vết tích liên quan trận đánh quân Nguyên Mông của nhà Trần năm 1288.
Theo báo cáo của Viện Khảo cổ học Việt Nam, cuộc khai quật ở Cao Quỳ (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) đã phát hiện 9 đầu cọc gãy phần đầu, màu đỏ sẫm không thẳng hàng, cách nhau theo chiều Đông Tây khoảng 5m, chiều Bắc Nam 3,5 -5m, dự đoán "có thể thuộc bãi cọc được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII". Đây là kết quả sau 2 tháng khai quật các hố với diện tích gần 1.000m2.
Những chiếc cọc được dự đoán là dấu tích của trận đánh quân Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288 - Ảnh: T.Đ. |
Nhiều nhà nghiên cứu cho biết cần đề xuất Cục Di sản công nhận đây di tích, có thể kết hợp cùng với di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng của Quảng Ninh để trở thành khu phức hợp di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên cẩn trọng và khách quan hơn nữa trong việc đánh giá đây có phải di tích của nhà Trần năm 1288 hay không.
Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS Phạm Hồng Tung đưa ra kiến nghị cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trước khi khẳng định di tích. Theo ông, vị trí khai quật phù hợp với giả thuyết về trận chiến lịch sử. Nhiều trận đánh xảy ra trên sông Bạch Đằng và kế đóng cọc trên sông cũng được sử dụng nhiều lần, vì vậy khó có thể xác định chính xác bãi cọc này thuộc về trận chiến nào bởi trong lịch sử có 3 trận đánh do Lê Hoàn, Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn chỉ huy và ngay cả nhà Hồ cũng từng phải chiến đấu với giặc Minh sau đó.
Ông Tung nêu rõ: "Có tài liệu ghi chép rằng cha con Hồ Quý Ly đã đề nghị các địa phương cung cấp cọc gỗ, xích sắt để đóng cọc, khóa các cửa sông, đề phòng nguy cơ xâm lược của quân Minh. Chưa kể trước đó, Chế Bồng Nga từng dẫn quân Chăm-pa đánh thẳng vào kinh thành Thăng Long bằng đường thủy, nên cũng có thể quân dân nhà Trần có một trận địa cọc để chống lại quân Chăm-pa”.
GS Tung cũng nhận định, các tài liệu lịch sử không ghi hướng của quân Minh đi theo đường biển nên hầu hết đều nghiêng về ý kiến trận địa cọc của quân dân nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Mông - Nguyên năm 1288.
Các nhà nghiên cứu thực địa bãi cọc được phát hiện ở cánh đồng xã Cao Quỳ (Hải Phòng). Ảnh: Nguyễn Dương. |
Nguyên giảng viên bộ môn phương pháp luận sử học tại khoa lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội Lê Văn Sinh cho biết còn quá sớm để khẳng định đây là bãi cọc thuộc về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288. Cho dù bản thân rất mong muốn suy đoán thành sự thật, tuy nhiên ông Sinh cho rằng cần có sự khách quan, cẩn trọng hơn nữa. “Sử liệu phải được phê khảo đúng phép tắc, trả lời hàng loạt câu hỏi về tính xác thực và độ tin cậy của thông tin do sử liệu cung cấp" - ông Lê Văn Sinh nói.
Ông cũng dẫn chứng cách đây nhiều năm, Việt Nam từng gửi mẫu nghiên cứu nhờ các nhà khoa học Cộng hòa dân chủ Đức và Trung Quốc giám định niên đại các cọc gỗ Bạch Đằng bằng phương pháp C14 và kết quả là không trùng khớp với sự kiện lịch sử.
Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng di sản Văn hóa quốc gia, GS-TSKH Vũ Minh Giang cho biết các cọc gỗ Hải Phòng đã được giám định niên đại bằng phương pháp đồng vị carbon C14 và cho kết quả là cuối thế kỷ XIII, đầu thế XIV. Tuy nhiên phương pháp này có độ sai số cộng trừ 100 năm, cho nên bãi cọc này có thể cũng là trận địa của cha con nhà Hồ chống quân xâm lược Minh.
Ông Vũ Minh Giang, người trực tiếp có mặt tại bãi cọc trong những ngày qua cho hay, hiện không ai khẳng định đây là vết tích của trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288. Khi khai quật, đưa cọc gỗ đi giám định, kết quả cho phép suy đoán nhà Trần, trong khi đó các tài liệu lịch sử nghiên cứu trước đây cũng có giả thuyết tương tự. Thế tất cả đều dừng ở suy đoán, không thể đưa ra kết luận chính xác.
Theo ông, từ vị trí đến hình dáng, hướng chôn cọc có nhiều điểm phù hợp với các nghiên cứu về cách đánh, lối đánh của quân dân nhà Trần. "Tuy nhiên, để khẳng định được điều này thì vẫn cần phải nghiên cứu, làm thêm rất nhiều việc và chắc chắn là chúng ta phải rất thận trọng, nghiêm túc, tỉ mỉ. Đó là công việc bắt buộc, không ai có thể vội vàng cả. Đến nay vẫn chưa ai vội vàng khẳng định bãi cọc ở Hải Phòng là bãi cọc trong trận đánh quân Nguyên - Mông năm 1288”, ông Giang nhấn mạnh.
Hiện tại việc quan trọng nhất là thành phố Hải Phòng cần xây dựng cơ chế bảo tồn khu bãi cọc để phục vụ nghiên cứu. Từ thời điểm bãi cọc được phát hiện có khá nhiều người tò mò đến xem vì vậy nên ưu tiên việc giữ nguyên vẹn trước. Sau đó mới tiến hành mở rộng phạm vi khai quật và bàn bạc phương án xác định chính xác nhất.
"Dù bãi cọc ở Hải Phòng thuộc về trận chiến nào, đây cũng là phát hiện rất có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử dân tộc. Nếu đây là trận địa kết liễu quân Nguyên Mông của nhà Trần năm 1288 thì từ đây sẽ cho chúng ta những phát hiện mới về quy mô, tầm vóc và ý nghĩa của trận chiến này", GS Giang nhận định.
TS Mai Thanh Sơn (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng đồng tình với quan điểm cần có thời gian để đưa ra kết luận về bãi cọc mới này. Bên cạnh việc dùng phương pháp xác định bằng các bon phóng xạ cần phải mời các chuyên gia về địa chất vào khoan thăm dò vị trí có bị dịch chuyển biến động đường bờ, sự dịch chuyển các dòng sông xem trước đây có phải là dòng sông hay không.
TS Nguyễn Gia Đối, quyền viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam - cho biết ngay cả trong lịch sử cũng có nhiều quan điểm khác nhau về trận chiến chống quân Nguyên Mông, tuy nhiên khi phát hiện bãi cọc và đã được giám định niên đại phóng xạ, Viện cho rằng bước đầu xác định đây là bãi cọc có liên quan đến trận thắng quân Nguyên Mông lần 3 năm 1288.
Theo ông Đối, lịch sử ghi chép nhiều trận diễn ra ở các vùng khác nhau, cho nên việc xác định cụ thể là vùng nào cần có thời gian và nghiên cứu sâu hơn nữa. Các phát hiện có khả năng sẽ điều chỉnh về quan niệm về cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược của triều Trần.