Đây đúng là một cuộc gặp tự phát, ngẫu hứng, chớp nhoáng hơn là một hội nghị thượng đỉnh có tính toán, có chủ ý giữa các nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, nó lại mang lại lòng tin đúng lúc. Nay không ai lo lắng về một cuộc chiến súng đạn trên Bán đảo Triều Tiên sớm xảy ra vào bất cứ lúc nào như cách đây chưa đầy hai năm, theo TTXVN.
Trên thực tế, Tổng thống Trump đã đạt được nhiều tiến bộ với Triều Tiên hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào khác bởi ông đang khai thác được những thế mạnh của mình như một nhà sản xuất và dẫn chương trình.
Không nằm ngoài dự đoán, những lời chỉ trích từ những người cấp tiến và xây dựng chính sách đối ngoại là mạnh mẽ và nhanh chóng được đưa ra. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một ứng cử viên Tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ, đã viết trên trang Tweeter: "Tổng thống của chúng ta không nên phung phí ảnh hưởng của Mỹ vào các bức ảnh và trao đổi thư với một nhà độc tài. Thay vào đó, chúng ta nên đối phó với Triều Tiên bằng chính sách ngoại giao có nguyên tắc để tăng cường an ninh của Mỹ, bảo vệ các đồng minh của chúng ta và bảo vệ nhân quyền.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders phát biểu: "Tôi không muốn cuộc gặp này chỉ đơn giản là một cơ hội tạo hình ảnh. Truyền thông toàn thế giới đã bị thu hút. Điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai và ngày hôm sau? Ông Trump đã làm suy yếu Bộ Ngoại giao. Nếu chúng ta định mang lại hòa bình cho thế giới này, thì chúng ta cần một Bộ Ngoại giao mạnh mẽ. Chúng ta cần phải tiến lên trên mặt trận ngoại giao, chứ không chỉ là những cơ hội chụp ảnh".
Victor Cha, cố vấn cấp cao và là chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), cũng có nhận xét tương tự. Chuyên gia này nói: "Sự kiện dành cho truyền hình này sẽ chỉ được ghi nhớ là một sự kiện lịch sử nếu nó dẫn đến một thỏa thuận với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, theo đó ông sẽ từ bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Nếu không, cuộc gặp này không có gì khác hơn là một cơ hội tạo hình ảnh và hiệu ứng truyền thông".
Lời bình luận của chuyên gia Cha có phần nực cười khi ông là một trong những kiến trúc sư chủ chốt của thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên đã không đạt được trong suốt những năm Tổng thống Bush con cầm quyền. Các lựa chọn thay thế mà những người chỉ trích này đưa ra để thuyết phục Triều Tiên tự nguyện từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt là gì?
Nếu bạn muốn buộc tội ông Trump là hào hoa và không thực chất, thì ít nhất hãy đưa ra điều chưa được chứng minh là thất bại trong 30 năm qua. Thật kỳ lạ, cuộc gặp này gợi nhớ đến bộ phim Trò chơi Vương quyền (Game of Thrones). Điều làm cho bộ phim này thực sự thú vị là chất lượng kịch bản - các chi tiết phong phú, các nhân vật đa sắc thái và không thể đoán trước của câu chuyện - là nền tảng cho các giá trị của bộ phim và khiến cho bộ phim này vượt lên trên các bộ phim truyền hình khác.
Sản xuất, đạo diễn, diễn xuất và tất cả mọi yếu tố tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh là rất quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là kịch bản. Không có kịch bản tốt, bộ phim sẽ bị ảnh hưởng và không thể hay được. Điều này tương tự như cách Mỹ đối phó với Triều Tiên. Không có ai viết một kịch bản hấp dẫn, thú vị và sáng tạo cả.
Song, chúng ta đều biết rằng ông Trump không phải là một nhà văn. Ông là một nhà sản xuất và là một nhân tài. Và công việc của ông không phải là viết những tình tiết mới mà ông cần để đưa vào một buổi biểu diễn tuyệt vời làm thỏa mãn người xem hay thậm chí để tạo nên lịch sử.
Thay vì xào xáo các tình tiết cũ, nhàm chán, tại sao không mang lại cho ông Trump thứ gì đó ông có thể sử dụng và mang lại hiệu quả tối đa nhờ tài năng tự nhiên của ông? Ông đã làm được nhiều điều hơn với các lời tư vấn “dở ẹc” về Triều Tiên hơn bất kỳ tổng thống tiền nhiệm nào. Hãy tưởng tượng những gì ông có thể làm với một kịch bản tốt trong tay.