Gánh nặng
Theo Dân Việt, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV diễn ra trong các ngày từ 4 đến 6/6 với 4 nhóm vấn đề, dự kiến, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời phiên chất vấn về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. |
Ngoài nhóm vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém, dự kiến Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng sẽ trả lời về quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới...
Đáng chú ý, đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đang nổi cộm lên hàng loạt vấn đề “nóng” có thể sẽ là nội dung trong phiên chất vấn đang chờ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời dư luận.
Trong đó, cần phải kể đến hàng loạt các dự án thuộc ngành giao thông vận tải gồm dự án xây dựng cảng hàng không Quốc tế Long Thành-Đồng Nai là một trong những dự án trọng điểm Quốc gia, đây là một trong những dự án đang bị chậm so với tiến độ chung đang khiến dư luận bức.
Cùng với đó, là dự án xây dựng nhà ga T3 cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua. Đây là dự án, đã được Thủ tướng Chính phủ cùng với các Bộ ngành, địa phương đã thống nhất phương án điều chỉnh quy hoạch mở rộng Tân Sơn Nhất theo phương án của ADP-I nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn chậm trễ thực hiện.
Có ý kiến cho rằng Bộ Giao thông Vận tải đang vi phạm chủ trương của cấp trên, có dấu hiệu chống đối, coi thường chỉ thị của Thủ tướng.
Một vấn đề nổi cộm hơn nữa là việc cổ phần hoá các Tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã dẫn tới sai phạm nghiêm trọng. Trong đó, phải kể đến là việc cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn đã được Thanh tra Chính phủ kết luận việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) từ giai đoạn cuối năm 2010, đầu năm 2011 đến nay.
Kết luận chỉ ra, việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, Bộ Giao thông Vận tải, Vinalines, Ban chỉ đạo cổ phần hóa, tổ giúp việc, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là vấn đề đang được quan tâm. |
Theo kết luận, tổng số tiền Vinalines thu được từ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và thoái hết 75,01% vốn đầu tư tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn là gần 537 tỷ đồng.
Tại Kỳ họp 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc bộ.
Đồng thời quy trách nhiệm của cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, các thứ trưởng đương chức Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Nhật.
Dù không nêu rõ những sai phạm trên tại doanh nghiệp nào, nhưng kết luận nêu rõ: “Vi phạm của Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải và các đồng chí nêu trên đã gây thất thoát lớn tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Giao thông vận tải, gây bức xúc trong xã hội đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.
Lùm xùm BOT
Ngoài ra, dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 cũng là một vấn đề đang được cử tri cả nước và nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ Giao thông Vận tải sẽ đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654km, đi qua 13 tỉnh thành, gồm 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 8 dự án theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.
Ngoài những vấn đề nêu trên, giải quyết các vấn đề bất cập trong BOT giao thông đang đặt nặng lên vai Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khi vừa xử lý được lùm xùm tại trạm thu phí BOT nào đó vừa lắng thì lại có trạm khác nổi lên.
Điển hình là một số trạm thu phí BOT đường bộ đang trở thành điểm nóng về mất an ninh, trật tự và an toàn giao thông như trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, Hòa Lạc - Hòa Bình, Ninh Lộc, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18, Cai Lậy, T2 Quốc lộ 91…
Trong khi đó, một số trạm thu phí thu vượt số tiền đầu tư và lợi nhuận, phải dừng thu khẩn cấp như trạm thu phí BOT Tào Xuyên (sau di dời ra Dốc Xây, Thanh Hóa), Cầu Rác (Hà Tĩnh), hầm Đèo Ngang…
Mặc dù, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói để hết năm 2019 tất cả cac trạm thu phí phải lắp đặt thu phí không dừng. Tuy nhiên, đến nay dường như việc lắp đặt thu phí tự động không dừng vẫn dậm chân tại chỗ.
Trước đó, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải triển khai thu phí tự động không dừng. Với giai đoạn 1, triển khai xong trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) trong năm 2018. Giai đoạn 2 áp dụng thu phí tự động với các trạm thu phí còn lại trong năm 2019.
Những lùm xùm tại các dự án BOT cần Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xử lý. |
Đặc biệt, là những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý. Trong đó, việc chỉ định cho Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng là Công ty liên quan đến Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”.
Thanh tra Chính phủ đã kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng liên quan đến Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc” có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu như báo cáo tài chính, xác nhận của đơn vị kiểm toán, năng lực máy móc, thiết bị, nhân công, kinh nghiệm…
Việc làm trên của Công ty Thái Sơn nhằm để xin vay vốn ngân hàng, tham gia dự thầu tại các dự án được thanh tra như cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20… nhưng vẫn được các chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền trình, thẩm định, phê duyệt chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, trúng thầu thi công xây lắp nhiều gói thầu, dự án với giá trị lớn.
Sau khi được lựa chọn là nhà thầu, Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng đã chuyển nhượng thầu trái quy định cho các doanh nghiệp khác để hưởng lợi.
Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng thiếu năng lực cả về tài chính, máy móc, thiết bị, kinh nghiệm nhưng vẫn được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận giao thầu xây lắp Gói thầu số 23 thuộc Dự án Quốc lộ 20.
Sau đó, Công ty đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc cho các doanh nghiệp khác, vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu. Tính giá trị quyền thu phí Trạm Bảo Lộc đưa vào Tổng vốn đầu tư không đúng giá trị 284.705,3 triệu đồng.
Lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu thanh toán các gói thầu còn nhiều sai sót, vi phạm nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, các Ban Quản lý dự án, Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.