• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sai phạm ở Thủ Thiêm do đâu?

Nguyên nhân chính dẫn đến các vi phạm là do việc nhận thức, chấp hành các chủ trương của...

Chiều 26/6, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2, TP.HCM. Theo Thanh tra Chính phủ, sai phạm ở Thủ Thiêm có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo Thanh tra Chính phủ, sai phạm ở Thủ Thiêm có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo Thanh tra Chính phủ, sai phạm ở Thủ Thiêm có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Những nguyên nhân khách quan, có ảnh hưởng đáng kể đó là những khó khăn, biến động khó lường về kinh tế, xã hội trong và ngoài nước.

Nhất là thị trường bất động sản có nhiều diễn biến xấu bất thường, thay đổi liên tục, có lúc có chiều hướng đi xuống, khó thu hút các nhà đầu tư. Cơ chế thực hiện quản lý đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng như cơ chế thanh toán bằng quỹ đất sạch cho các dự án BT không rõ ràng, có nhiều hạn chế, khó thực hiện.

Nguyên nhân chủ quan, là nguyên nhân chính dẫn đến các thiếu sót, vi phạm, chủ yếu là do việc nhận thức, chấp hành các chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ ngành cũng như các quy định của pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ.

Có lúc chưa nghiêm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND TP.HCM và các sở, ngành tham mưu. Sự phối hợp giữa các sở, ngành của Thành phố còn chậm trễ, chưa xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ.

Một số nơi còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhiều vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời. Hậu quả là đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm, gây lãng phí, nguy cơ gây thất thoát tiền của nhà nước với giá trị lớn. Xét tổng thể đến thời điểm thanh tra, việc đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm là chưa có hiệu quả, mất cân đối về tài chính.

Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ và UBND TP.HCM thực hiện một số nội dung sau:

Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ hoặc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền, hoàn thiện các quy định về việc xác định chi phí lãi vay trong phương pháp thặng dư để tính tiền sử dụng đất cho phù hợp, chính xác và khách quan.

Xem xét hướng dẫn phương pháp phân bổ chi phí dự phòng cho khối lượng phát sinh trong tổng mức đầu tư vào chi phí được tính trong phương pháp thặng dư để tính giá trị quyền sử dụng đất, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích nhà nước và doanh nghiệp.

Vì chi phí đó là khoản dự phòng khối lượng phát sinh do không lường trước được trong quá trình thực hiện, có thể sử dụng hết hoặc một phần chi phí này.

Đối với Bộ Tài chính, sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng quỹ đất sạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thực hiện việc thanh toán cho các dự án BT nói chung và Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng.

Đối với Bộ Xây dựng, xem xét, bổ sung hoặc điều chỉnh quy chuẩn xây dựng, đảm bảo đáp ứng kịp thời cho hoạt động xây dựng ngày càng phát triển; xem xét, xử lý việc xây dựng của Công ty Cổ phần Đại Quang Minh không đảm bảo đúng theo quy chuẩn xây dựng mà Thanh tra Bộ Xây dựng đã kết luận.

Xem xét theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định rõ thời gian trực tiếp kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo Điều 32 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ để tránh việc cán bộ kiểm tra kéo dài thời gian trực tiếp kiểm tra, gây lãng phí cho doanh nghiệp khi đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Đối với UBND TP.HCM, cần xem xét và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với khoản thuế VAT trong các hợp đồng BT như tại dự án BT 4 tuyến đường chính…

TP.HCM phải sớm tiến hành tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án lựa chọn nhà đầu tư đối với 55 lô đất còn lại. 
TP.HCM phải sớm tiến hành tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án lựa chọn nhà đầu tư đối với 55 lô đất còn lại. 

UBND TP.HCM chủ trì thành lập Tổ công tác do 1 đồng chí lãnh đạo UBND TP.HCM làm Tổ trưởng để phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Thanh tra Chính phủ thực hiện và xử lý các nội dung chủ yếu sau:

Rà soát việc thay đổi quy hoạch chi tiết tại các dự án đã và đang đầu tư xây dựng, trong đó tập trung rà soát các dự án như Khu dân cư phía Nam đường Mai Chí Thọ... Rà soát các dự án đã có quyết định giao đất để xem xét, xử lý, tính toán lại giá trị quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tiền của Nhà nước.

Kiểm tra, rà soát các dự án đã có chủ trương và ký hợp đồng thực hiện dự án có sử dụng đất với các nhà đầu tư nhưng chưa giao đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định.

Sớm tiến hành tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án lựa chọn nhà đầu tư đối với 55 lô đất còn lại. Trong đó, có bao gồm các lô đất đã được UBND TP.HCM có thông báo dừng chủ trương thanh toán cho các dự án BT trong và ngoài Khu đô thị mới Thủ Thiêm như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Cầu Thủ Thiêm 4, kè bờ sông Sài Gòn...

Rà soát các dự án BT, dự án đối ứng và dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất không đúng quy định của Luật Đất đai để xác định lại giá đất theo giá thị trường và theo quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, nhằm sớm hoàn thành việc đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị giao UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền như Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm, các Sở Giao thông Vận tải, Tài Chính, Tài nguyên Môi trường, Quy hoạch Kiến Trúc, Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư dự án… đã có khuyết điểm, vi phạm đã nêu trong phần Kết quả và Kết luận thanh tra.

DUY QUANG

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật