Chuyến bay này đã lập ra kỷ lục thế giới mới về số vệ tinh được phóng đi bởi một tên lửa duy nhất.
Sứ mệnh được đặt tên là Transporter-1, mang theo 10 vệ tinh cho mạng internet Starlink của SpaceX và hơn 130 vệ tinh cho nhiều khách hàng khác nhau bao gồm Planet, công ty vận hành một vệ tinh quan sát hình ảnh Trái đất và ICEYE, công ty phát triển các vệ tinh radar nhỏ để có nhiệm vụ giám sát băng và theo dõi lũ lụt trên trái đất.
Kỷ lục trước đó thuộc về một tên lửa có tên là PSLV của Ấn Độ, tên lửa này mang theo 104 vệ tinh và được phóng lên không gian vào năm 2017.
Transporter-1 là nhiệm vụ đầu tiên trong chương trình phóng vệ tinh theo hình thức chia sẻ mới mà SpaceX công bố vào năm 2019.
Vào thời điểm đó, SpaceX cho biết sẽ thực hiện các vụ phóng tên lửa Falcon 9 "theo lịch trình thường xuyên" của mình để mang theo một loạt lớn vệ tinh nhỏ thay vì tập trung vào các vệ tinh có trọng lượng lớn.
"Smallsats"- các vệ tinh nhỏ đã trở nên phổ biến trong vài năm qua. Chúng có kích thước nhỏ nhất bằng một chiếc điện thoại thông minh hoặc lớn nhất cũng chỉ bằng một chiếc tủ lạnh.
Thông thường, các vệ tinh nhỏ đến quỹ đạo bằng cách gắn vào các vệ tinh lớn và có chi phí đắt đỏ. Chẳng những vậy, chủ nhân của các vệ tinh này thường phải chờ rất lâu trong khi nhu cầu lại rất cao.
Hàng chục công ty tên lửa mới đang ấp ủ kế hoạch sẽ chế tạo các tên lửa nhỏ có thể phóng nhanh và dễ dàng cho các loại vệ tinh cỡ nhỏ.
Hai công ty Rocket Lab và Virgin Orbit là những người tiên phong khi đã phóng thành công tên lửa thu nhỏ của họ lên quỹ đạo và bắt đầu hoạt động thương mại.
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX lớn hơn nhiều so với tên lửa của Rocket Lab và Virgin Orbit, và chúng thường được sử dụng để phóng các phương tiện liên lạc khổng lồ, vệ tinh do thám hoặc tàu vũ trụ Dragon, con tàu chuyên chở các phi hành gia và hàng hóa cho Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.
Quyết định thực hiện các nhiệm vụ được cho là bổ sung của SpaceX cho thấy thấy mức độ quan tâm đến ngành công nghiệp này của tỷ phú Elon Musk.
Tuy nhiên, do số lượng thiết bị trên quỹ đạo ngày càng tăng nên các chuyên gia ngày càng lo ngại về tình trạng tắc nghẽn trong không gian.
Các vệ tinh đã từng va chạm trên quỹ đạo trước đó, và mặc dù những sự cố như vậy không gây ra nhiều mối đe dọa cho con người trên mặt đất nhưng các mảnh vỡ từ vụ va chạm có thể ở lại quỹ đạo trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ.