• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tâm sự nhói lòng từ nạn nhân của Thẩm mỹ viện Kangnam: Sở Y tế TP.HCM nói gì?

Sở Y tế TP.HCM cho biết đã niêm phong hồ sơ bệnh án vụ thẩm mỹ căng da mặt bị liệt dây thần...

Liên quan đến đơn phản ánh của bà H.L (Việt kiều châu Âu), phẫu thuật căng da mặt tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam bị liệt dây thần kinh số 7 khiến khuôn mặt bị biến dạng… Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngày 26/12/2018, Thanh tra Sở đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam (tại địa chỉ 84A Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3, TP.HCM) và niêm phong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân HL.

Hồ sơ bệnh án vụ thẩm mỹ căng da mặt bị liệt dây thần kinh đang được niêm phong.  
Hồ sơ bệnh án vụ thẩm mỹ căng da mặt bị liệt dây thần kinh đang được niêm phong.  

Phóng viên: Theo thông tin phản ánh của bà H.L, sau phẫu thuật căng da mặt, phát hiện dây thần kinh số 7 của bà này bị tổn thương, Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam đã thực hiện tiếp 2 ca phẫu thuật. Cụ thể, trong 1 tháng bà đã phải trải qua 3 ca phẫu thuật, mỗi ca chỉ cách nhau hơn 10 ngày. Với cách làm này, Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam đang làm đúng theo quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế? 

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai: Ngày 26/6/2020, Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam có công văn gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh - Thanh tra Bộ Y tế, đề nghị xem xét thành lập Hội đồng chuyên môn về việc phản ánh của bà H.L và đang chờ phản hồi ý kiến.

Phóng viên: Được biết, đây không phải là trường hợp duy nhất gặp tắc trách sau phẫu thuật căng da mặt tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam. Trước đó, cuối năm 2019, một Việt Kiều tử vong sau khi thực hiện căng da mặt tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam. Với vai trò quản lý, Sở Y tế có ý kiến như thế nào về trường hợp của bà H.L cũng như chuyên môn của các bác sĩ tại bệnh viện này?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai: Đối với vụ việc của bà H.L, Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam có tổ chức Họp hội đồng chuyên môn theo Biên bản Họp hội đồng chuyên môn số 0512/BBHĐCM-2016 ngày 20/5/2016;

Phóng viên: Là đơn vị được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ, những rủi ro mà Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam gây ra cho bà H.L sẽ do đơn vị này chịu trách nhiệm? Cơ quan quản lý và cấp phép có chịu trách nhiệm liên đới? Các bác sĩ trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho bà H.L sẽ chịu trách nhiệm chuyên môn với những biến chứng mà bà này phải gánh chịu?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai: Không trả lời.

Kangnam không trả lời

Sau khi nhận được đơn cầu cứu của nạn nhân phẫu thuật thẩm mỹ căng da mặt bị liệt dây thần kinh số 7 gửi đến Tạp chí Phụ nữ Mới. Ngày 21/7, phóng viên đã đến trực tiếp văn phòng của Kangnam để liên hệ làm việc nhưng không gặp được lãnh đạo của đơn vị này dù đã đặt lịch trước.

Phóng viên đã để lại câu hỏi liên quan đến đơn thư khiếu nại của bà H.L, tuy nhiên đến nay (12/8) bệnh viện thẩm mỹ Kangnam vẫn chưa có bất cứ thông tin phản hồi nào. Phải chăng Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam đang né tránh những vấn đề mà phóng viên đặt ra trong vụ phẩu thuật hỏng, làm liệt dây thần kinh số 7 của bà H.L?

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Luật, Giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, dây thần kinh số 7 thường rất dễ bị tổn thương, bị liệt.

Tỷ lệ tổn thương dây thần kinh số 7 trong phẫu thuật là rất thấp, rất hiếm gặp. Đặc biệt, khi phẫu thuật vùng mặt, các bác sĩ thường rất lưu tâm việc tránh để ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7.

Nếu trong quá trình phẫu thuật đã làm tác động tới dây thần kinh số 7 và khiến nó bị bất hoạt thì cần phải tiền hành đo điện cơ ngay. Đo điện cơ là công việc rất quan trọng để xác định dây thần kinh số 7 bị đứt hay bị chèn ép, tổn thương…

Nếu xác định dây thần kinh số 7 bị chèn ép thì phải phẫu thuật lại để giải ép. Nếu không phải bị chèn ép mà chỉ bị ảnh hưởng do phù nề sau phẫu thuật thì chỉ cần châm cứu, tập vật lý trị liệu và dùng thuốc để giảm phù nề là sẽ khỏi.

Còn trường hợp dây thần kinh số 7 không còn hoạt động, không còn dẫn truyền được thì không còn khả năng phục hồi.

Bác sĩ Lê Minh Luật cho biết thêm, ngay cả khi xác định dây thần kinh số 7 không còn khả năng phục hồi thì bệnh nhân vẫn phải điều trị liên tục bằng phương pháp châm cứu, tập thụ động (hình thức tập được thực hiện bởi lực tác động bên ngoài do người tập hoặc các dụng cụ trợ giúp) để chống teo cơ. Ngoài ra người bệnh cần dùng thuốc để sinh cơ. Bởi nếu dây thần kinh số 7 không hoạt động sẽ dẫn đến teo cơ mặt.

VIÊN VIÊN

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật