• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thạc sỹ người Khmer Thạch Thị Chal Thi và hành trình đưa mật hoa dừa Việt Nam lên Amazon, Alibaba

Nhờ kinh doanh mật hoa dừa, chị Chal Thi giúp người nông dân nâng giá trị vườn dừa lên gấp 4,...

Leo lên cây dừa lấy mật từ hoa, nghe lạ tai nhưng đang là hướng đi rất thành công của Công ty TNHH Trà Vinh Farm ( Sokfarm ). Đây là mô hình chế biến mật hoa dừa được chị Thạch Thị Chal Thi cùng chồng Phạm Đình Ngãi sáng lập.

Vừa ru con ngủ xong, chị Chal Thi chỉ kịp diện bộ trang phục giản dị để tiếp chuyện chúng tôi.

Thạc sỹ người Khmer Thạch Thị Chal Thi và hành trình đưa mật hoa dừa Việt Nam lên Amazon, Alibaba

Thị trường tỉnh vẫn đủ sức vươn ra thế giới

- Xu hướng “bỏ phố về quê” đã thịnh hành nhiều năm qua, chị về quê cũng theo xu hướng này hay vì lý do khác?

Ngay khi còn học cao học, tôi đã lên sẵn kế hoạch đến khoảng 40 tuổi sẽ về quê để chế biến giấm dừa xuất khẩu. Cho nên tôi mới chọn theo học ngành chế biến thực phẩm . Để làm về chế biến, thứ nhất bạn phải có kinh nghiệm, thứ hai là kết nối rộng, quan trọng nhất là phải có tài chính. Vì thế, tôi nghĩ phải đến năm 40 tuổi tôi mới có đủ “vốn liếng” trên để về quê.

Nhưng đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, giá dừa xuống thấp trầm trọng. Thu nhập người nông dân cứ bấp bênh. Nhà tôi cũng trồng dừa nên lúc đó tôi buồn lắm! Trong đầu chợt nghĩ: Cơ duyên đến rồi, không cần đợi đến 40 tuổi đâu!

- Nhiều người hay nói các tỉnh lẻ là thị trường ngõ cụt. Chị nghĩ sao?

Với tôi, Trà Vinh của tôi rất đẹp! Người ta hay nói Trà Vinh, hay các tỉnh lẻ khác, là ngõ cụt. Nhưng tôi cho rằng không phải. Thị trường nông thôn hoàn toàn có đủ tiềm năng để đầu tư một cơ nghiệp lớn, thậm chí đủ sức vươn ra thế giới.

Thú thật khi mới bắt tay vào làm Sokfarm, trung bình 10 người khách ghé thăm, đã có đến 8-9 người chưa bao giờ đặt chân đến Trà Vinh. Nhưng khi mình đầu tư, bỏ sức làm một điều gì đó mới và hấp dẫn, những người này vẫn sẵn sàng xuống tận nơi. Rõ ràng tiềm năng của môi trường kinh doanh nông thôn vẫn rất tốt.

Thạc sỹ người Khmer Thạch Thị Chal Thi và hành trình đưa mật hoa dừa Việt Nam lên Amazon, Alibaba

- Theo chị, thế khó khi khởi nghiệp ở nông thôn là gì? Nhưng điểm lợi thế ra sao so với làm ăn ở phố thị?

Xét về môi trường kinh doanh, riêng tôi thấy ở nông thôn lại dễ khởi nghiệp hơn thành thị. Ví dụ, ở TP.HCM hiện có quá nhiều doanh nghiệp. Thành thử ra, để khách hàng biết tới doanh nghiệp của mình sẽ rất khó. Còn khi về Trà Vinh, chuyện này lại dễ hơn. Chưa kể, phía chính quyền địa phương cũng rất ưu ái và hỗ trợ doanh nghiệp hết sức có thể. Thật ra thế giới hiện tại đã phẳng. Bạn ngồi ở Trà Vinh vẫn có thể bán hàng qua nước ngoài như khi bạn ngồi ở Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng.

Điểm khó là ở khâu đào tạo nguồn nhân lực. Để tuyển dụng lao động chuyên môn như nhân viên bán hàng, nhân viên marketing… ở vùng quê sẽ khó hơn TP.HCM. Nhưng một khi tuyển được nhân viên tại quê nhà và đào tạo tốt, người đó có khả năng cao sẽ “chiến” với mình lâu dài. Ở TP.HCM, các bạn có quá nhiều sự lựa chọn, sự kiên định với chỗ làm cũng giảm đi.

- Nhiều người vẫn nghĩ chuyện thành công khi “bỏ phố về quê” là do may mắn. Chị thấy có đúng không?

Tôi là một người tin vào luật nhân quả. Tôi và chồng trước khi khởi nghiệp Sokfarm, thường tham gia vào các hội từ thiện, đối xử chu đáo nhất có thể với mọi người, nên đi đâu cũng được người ta thương. Nói khởi nghiệp, dù ở quê hay phố, thành công do may mắn là đúng, nhưng may mắn đó không phải tự nhiên mà có. May mắn là do mình tạo ra.

Gần đây, xưởng của tôi cần mua một loại máy trị giá 150 triệu đồng, tôi không muốn vay vì như thế lại kéo thêm gánh nặng về tiền lãi. Tôi đành liên hệ một chị đang là nhà phân phối Sokfarm ở Hà Nội. Tôi trình bày nguyện vọng và mong chị có thể giúp đỡ bằng cách trả tiền hàng trước cho chúng tôi đúng 150 triệu, sau đó Sokfarm sẽ gửi hàng từ từ cho đủ số tiền đó. Dù chưa một lần ghé xưởng nhưng chị vẫn đồng ý chuyển tiền ngay vì nhờ vào chất lượng và sự minh bạch trong sản phẩm, chị tin vào chúng tôi.

Điều thành công nhất là hạnh phúc

- Việc khởi nghiệp không còn xa lạ với người trẻ, nhưng người ta thường chọn khởi nghiệp về công nghệ, du lịch, F&B hay các ngành dịch vụ khác. Vì sao chị lại chọn làm nông?

Thật ra tôi cho rằng, khởi nghiệp về nông nghiệp rất cực. Nó là một con đường rất dài. Nhưng khi bạn yêu chính mảnh đất và con người nơi đây, khi bạn buồn vì biết 1.200 trái dừa chỉ đem lại cho cha mẹ mình và những người nông dân khác vỏn vẹn 2 triệu đồng, thì những khó khăn không thành vấn đề. Với tôi, khi chọn nông nghiệp, tôi không chỉ khởi nghiệp cho bản thân mà còn làm vì gia đình, vì những người xung quanh và vì quê hương.

Sokfarm từng gặp khó khăn không ít. Nhưng mọi thứ đều không hề hấn gì khi biết được những người nông dân với 0,1 ha dừa có thể thu nhập trên 6 triệu, những lao động khó tìm việc làm vùng quê kiếm được trên 5 triệu với việc leo cây dừa thu mật hoa,… Mọi người ở Sokfarm đều làm việc rất hạnh phúc, họ truyền năng lượng tích cực cho tôi, từ đó tôi có động lực vượt qua khó khăn và kiên định với khởi nghiệp làm nông.

Thạc sỹ người Khmer Thạch Thị Chal Thi và hành trình đưa mật hoa dừa Việt Nam lên Amazon, Alibaba

- Làm kinh doanh khác nhiều so với việc làm nghiên cứu, chị gặp phải khó khăn gì khi bắt đầu gầy dựng sự nghiệp?

Nhờ việc xác định trước sẽ về quê khởi nghiệp nên tôi đã chuẩn bị từ đầu. Khi tốt nghiệp đại học, tôi chọn làm nhân viên bán hàng kỹ thuật (sale technical) chuyên đi dự án, tham gia cùng phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) của các công ty thực phẩm. Nhờ công việc này, tôi được học thêm kỹ năng tìm kiếm, tiếp xúc và chăm sóc khách hàng.

Trước khi về Trà Vinh, tôi và chồng đã chủ động tìm và hỗ trợ các công ty mới bắt đầu khởi nghiệp để lấy kinh nghiệm. Đó đều là những công ty bắt đầu từ con số không, hai vợ chồng tham gia và làm việc hết khả năng như chính công ty của mình. Sau khoảng thời gian đó, cả hai mới bước ra và thành lập Sokfarm.

Tuy đã chuẩn bị trước nhưng khi đến với Sokfarm, tôi cũng có nhiều bỡ ngỡ với các “biến số” như quản lý nhân sự, quản lý nguồn nguyên liệu, kiểm soát chất lượng sản phẩm, giấy tờ pháp lý,… Tôi phải vừa làm vừa học. Bên cạnh đó, người ta có câu “buôn có bạn, bán có phường”, tôi tích cực tham gia vào các cộng đồng khởi nghiệp. Tại đây, các anh chị em giúp đỡ, liên kết với nhau để cùng phát triển.

- Được biết chị học hỏi nước bạn để nghiên cứu ra mô hình kinh doanh này, vậy đâu là điểm khác biệt của Sokfarm?

Khi tìm hiểu về ngành mật hoa dừa ở Thái Lan, Sri Lanka, Philippines, Nam Ấn Độ…, tôi mới biết được, thật ra việc lấy mật từ hoa dừa là nghề truyền thống của người Khmer ở Trà Vinh. Về sau, ngành mía đường phát triển quá tốt nên nghề này bị mai một.

Ở các nước phát triển mạnh về mật hoa dừa, ngành này đều là ngành truyền thống. Vì lẽ đó, ngành mật hoa dừa ở các nước khác tuy đã phát triển mạnh hơn Việt Nam nhưng lại ít đưa công nghệ vào ứng dụng. Ở Philippines, người nông dân tự thu mật và đem nấu với củi, rồi đem bán lại cho các công ty chế biến.

Vì thế, thành phần dinh dưỡng trong mật hoa dừa đã bị bay hơi rất nhiều, màu sắc cũng đen đi, mùi vị lại nặng. Còn ở Thái Lan, do là nghề truyền thống nên lượng mật hoa dừa rất ít, đến tay các thương buôn, bắt buộc họ phải pha thêm đường mía với tỷ lệ 1 kg mật : 7-8 kg đường, để giảm giá thành và bán được nhiều hơn.

Nhận thấy điều này, Sokfarm quyết định làm cầu nối giữa nghề truyền thống với công nghệ hiện đại. Chúng tôi nghiên cứu thành công việc nấu mật hoa dừa bằng công nghệ cô đặc chân không, chỉ cần với nhiệt độ 55 độ C đã đủ để làm sôi mật hoa dừa mà chất dinh dưỡng vẫn được giữ lại đầy đủ, màu sắc và mùi vị tối ưu hơn. Đó là điểm khác biệt của Sokfarm so với các đất nước khác.

Thạc sỹ người Khmer Thạch Thị Chal Thi và hành trình đưa mật hoa dừa Việt Nam lên Amazon, Alibaba

- Các sản phẩm của Sokfarm có kén người mua không? Độ trung thành của khách hàng ra sao?

Sản phẩm có kén hay không phụ thuộc vào việc xác định phân khúc khách hàng, không được bán lan man. Với Sokfarm, đó là những người bị tiểu đường tuýp II và đường huyết cao, những người quan tâm đến tiêu dùng xanh và chú trọng sức khoẻ, những người chơi thể thao và vận động nhiều. Đến thời điểm hiện tại, khách hàng của Sokfarm có độ trung thành rất ổn định. 

- Làm về nông nghiệp nói chung thường khó ở đầu ra. Chị tìm kênh phân phối ra sao?

Trước khi bắt đầu khởi nghiệp với Sokfarm, cả hai vợ chồng đều tích góp rất nhiều mối quan hệ. Với các cửa hàng, chúng tôi gửi sản phẩm dùng thử và bàn chuyện hợp tác phân phối. Ngoài ra, chúng tôi còn gửi sản phẩm dùng thử cho các bạn bè, ai cảm thấy ngon thì nhờ họ đăng những bài đánh giá trên các nhóm Facebook về thuần chay, tiêu dùng xanh, bà nội trợ,…

Quan trọng hơn hết, tôi và chồng tin rằng, làm về thực phẩm là mình đang lấy sức khoẻ người thân của mình đi vay. Nếu bạn làm tốt, sản phẩm chất lượng, chuẩn mực thì người thân xung quanh luôn bình an. Ngược lại, khi làm ăn gian dối, chính những người thân xung quanh bạn là người sẽ chịu hậu quả. Việc chúng tôi luôn đảm bảo tính minh bạch cũng khiến sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm dễ tìm được kênh phân phối.

Hiện tại, Sokfarm đã tiếp cận được các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba và có được đại lý tại Nhật Bản. Với tôi, đây không những là đầu ra mới cho sản phẩm mà còn là cơ hội tốt để Sokfarm tiếp cận được các doanh nghiệp nước ngoài. Mặc dù chúng tôi xác định khoảng 2-3 năm nữa mới đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng không phải đến thời điểm đó mới đi tìm đối tác.

- Đến nay, với chị, điều gì là thành công nhất của Sokfarm?

Điều thành công nhất của Sokfarm đến thời điểm hiện tại là giống như tên gọi của nó. Sok trong tiếng Khmer có nghĩa là hạnh phúc.

Có lần, tôi hỏi chú Srây, người công nhân thu mật ở Sokfarm, rằng hạnh phúc là gì. Chú trả lời: Hạnh phúc là được leo cây dừa mỗi ngày! Một công nhân thu mật khác thì nói với tôi, anh ấy hay trông tới trời sáng để leo lên cây dừa xem hôm nay mật nhiều không. Hôm nào mật say, anh liền cảm ơn một tiếng. Khi hỏi thăm các nữ công nhân ở xưởng, có người cho tôi biết, nhờ làm ở Sokfarm mà bản thân tự nuôi được cả gia đình.

Làm gì cũng vậy, mình phải đưa tình yêu thương vào. Và hiện tại, điều Sokfarm thành công nhất đó chính là tất cả mọi người, ai cũng yêu công việc, ai cũng đồng lòng đi theo một hướng.

Thạc sỹ người Khmer Thạch Thị Chal Thi và hành trình đưa mật hoa dừa Việt Nam lên Amazon, Alibaba

Có âm có dương mới cân bằng doanh nghiệp

- Đã bao giờ chị nghe phải câu “Là nữ, lại là người có chồng, thì đi kinh doanh làm gì”? Chị nghĩ thế nào về định kiến này?

Thật ra vấn đề này cũng tuỳ thuộc vào mỗi người. Có người xác định tầm nhìn của họ là có một người chồng, có một đứa con, có một cuộc sống êm ả. Còn có người lại muốn làm một điều gì đó, trước hết là cho bản thân, thứ hai là giúp ích cho mọi người xung quanh, cho quê hương của mình. Không quan trọng là bạn muốn gì, quan trọng là mình cảm thấy sống hạnh phúc, vui vẻ và ý nghĩa. 

- Việc phân công công việc và quyền hạn giữa chị và chồng ra sao? Chị có sợ người ta nói rằng mình “dựa hơi” chồng không?

Tại Sokfarm, tôi quản lý bên sản xuất, chồng tôi quản lý bên thị trường. Cả hai đều có khu vực sở hữu quyền hạn riêng của mỗi người. Khi gặp một điểm giao nhau nào đó ảnh hưởng đến quyền hạn hai bên, cả hai sẽ ngồi lại và họp bàn cách giải quyết. Lúc đó, tôi và chồng đều tâm niệm phải điều hoà lại tính nóng của mỗi người. Không chỉ có vợ chồng, mà kể cả đồng nghiệp với nhau cũng nên tập điều này.

Thạc sỹ người Khmer Thạch Thị Chal Thi và hành trình đưa mật hoa dừa Việt Nam lên Amazon, Alibaba

Nhiều người từng hỏi tôi: “Hai đứa bây làm chung, rồi một ngày nọ cãi cọ, tranh giành đến chia tay như nhiều cặp vợ chồng khác thì sao?”. Tôi trả lời thẳng: “Tại họ chưa tu!”.

Trước lúc khởi nghiệp, cả tôi và chồng đều là người khá nóng tính. Nhưng khi mở Sokfarm, cả hai đều xác định sẽ đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Hai vợ chồng bắt đầu ăn chay, ngồi thiền, làm từ thiện để tạo tình thương yêu nhiều hơn, giúp tâm an hơn.

Trong thực phẩm, nguyên liệu được chia thành âm và dương. Có âm, có dương mới cân bằng sức khoẻ. Trong doanh nghiệp cũng thế, nếu biết cân bằng âm - dương và biết sử dụng thế mạnh của từng người thì công việc sẽ rất phát triển. Tôi có nhiều ưu điểm nhưng khuyết điểm cũng không ít. Có những lúc tôi phải dựa vào chồng để bù đắp vào điểm yếu đó. Chồng tôi cũng thế, có lúc anh ấy phải dựa vào tôi trong những lĩnh vực anh còn chưa rõ. Đó mới là lý do hai vợ chồng đến với nhau.

- Người ta thường nói phụ nữ khi kinh doanh hay điều hành doanh nghiệp sẽ thiên về cảm xúc. Còn chị?

Tôi cũng là một người sống và làm việc đặt nặng cảm xúc. Chồng tôi thì lại đề cao lý tính. Nhưng tôi nghĩ rằng: Lý quá nhiều thì tình nhạt, tình nhạt rồi thì việc khó thành.

Có lần một anh công nhân lấy mật vì đi nhậu mà nghỉ việc, cả mấy ngày sau anh ấy cũng không đến làm. Chồng tôi thì muốn xử lý nghiêm nhưng tôi khuyên chồng nên nhẫn nại. Tôi đến nhà anh công nhân này và biết được nhờ làm ở Sokfarm mà anh ấy gồng gánh được cả gia đình. Tôi quyết định ngồi khuyên nhủ anh và nhờ người nhà động viên anh đi làm trở lại. Chồng tôi cũng có ý kiến, nhưng tôi nói rằng: “Con người anh ấy đó giờ đã vậy, thôi thì mình hãy cố gắng rèn thêm. Chừng nào mình rèn đến cơ hội thứ 6, thứ 7 gì đó mà anh ấy vẫn không chịu thay đổi, thì lúc đó mới cho nghỉ”.

Thạc sỹ người Khmer Thạch Thị Chal Thi và hành trình đưa mật hoa dừa Việt Nam lên Amazon, Alibaba

- Bản thân ít nhiều đã gặt hái thành công nhất định, chị có dự định gì để giúp đỡ cộng đồng phụ nữ tại quê nhà?

Ở Sokfarm, tôi phân công công việc rất rõ ràng theo giới. Những công nhân thu mật ở vườn dừa sẽ là nam giới, làm tại xưởng sẽ là nữ. Nữ giới thường kỹ tính và rất siêng năng, chỉ cần có một sự thay đổi nhỏ thôi thì họ sẽ nhận ra và báo cáo với tôi ngay.

Nhờ công nghiệp hoá đã về đến nông thôn từ trước nên phần nhiều lao động nữ đều rất kỹ luật. Họ không bao giờ đi làm trễ và thường về sau cả giờ được nghỉ. Tôi hầu như không mất sức nhiều trong khâu đào tạo và thật sự rất yên tâm với các chị em.

Tôi mong rằng doanh nghiệp của mình sẽ lớn thêm để tạo ra được nhiều việc làm cho lao động nữ quê nhà. Ở nông thôn, người nữ sau khi có con thường nghỉ việc hẳn để chăm con và lo cho gia đình. Nhưng nếu Sokfarm liên kết được với các vườn dừa của họ, ít nhiều phụ nữ cũng được tham gia vào quá trình thu mật hoa dừa để bán lại cho chúng tôi, từ đó có được thu nhập nhờ chính sức lao động của mình.

Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) được thành lập vào tháng 7/2019 với vốn điều lệ 800 triệu đồng. Chị Chal Thi (sinh năm 1989, dân tộc Khmer) làm giám đốc và người đại diện theo pháp luật.

Đây được xem là doanh nghiệp đầu tiên trên thị trường Việt Nam sản xuất và chế biến các sản phẩm từ mật hoa dừa, hoàn toàn tự nhiên và giữ bản sắc địa phương. Đến nay, Sokfarm đã có hệ thống phân phối trên 20 tỉnh, thành và và có mặt trên sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba và đại lý tại Nhật Bản.

Hiện tại, doanh nghiệp này đang có 5 sản phẩm trên thị trường gồm mật hoa dừa cô đặc, mật hoa dừa tươi, hạt cacao mật hoa dừa, đường hoa dừa, mứt dứa mật hoa dừa. Tới cuối năm nay, Sokfarm sẽ tung ra thêm 3 sản phẩm mới. Đến năm 2021, Sokfarm sẽ phát triển các sản phẩm từ mật hoa dừa lên đến 20 sản phẩm.


Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật