Theo tờ Financial Times, nhà kinh tế học người Anh và "cha đẻ của BRICS" Jim O'Neill cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, mặc dù ông không lạc quan về việc liệu các nước BRICS (khối các nền kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) có thể đạt được tiến bộ trong vấn đề thiết lập đồng tiền chung tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của các nhà lãnh đạo BRICS sẽ được tổ chức tại Nam Phi từ ngày 22 đến 24/8 sắp tới hay không.
Tuy nhiên, ông O’Neill cũng thừa nhận rằng, nếu các thành viên BRICS có thể giải quyết được những khác biệt và tranh chấp, cũng như thu hút được nhiều nước hơn tham gia, ưu thế của đồng đô la Mỹ trong hệ thống tiền tệ quốc tế chắc chắn sẽ trở nên “mong manh” hơn.
Ông O'Neill đã từng là nhà kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs và chủ tịch của bộ phận quản lý tài sản Goldman Sachs Asset Management, đồng thời là thư ký kinh doanh của Bộ Tài chính Anh. Năm 2001, ông đặt ra thuật ngữ "BRICS" và dự đoán rằng tỷ trọng của các nước BRICS trong nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng lên đáng kể. Ông được coi là "Cha đẻ của BRICS".
Financial Times từng nhận định rằng, khái niệm này đã tái cấu trúc nhận thức của các nhà đầu tư và hoạch định chính sách, đồng thời báo trước quá trình toàn cầu hóa đang dần chuyển từ giai đoạn do phương Tây thống trị sang giai đoạn trỗi dậy của các nước đang phát triển.
"Cha đẻ của BRICS" Jim O'Neill. Ảnh: Bloomberg |
Tờ Russia Today (RT) đưa tin rằng, ông O'Neill vẫn đánh giá cao sự đóng góp của các nước BRICS đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và lạc quan về các nền kinh tế mới nổi bao gồm cả Trung Quốc. Ông cho rằng sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong hệ thống tài chính quốc tế không tốt cho sự phát triển của các nước mới nổi.
Ông O'Neill nói: "Vai trò của đồng đô la Mỹ (đối với các nước mới nổi) không phải là lý tưởng về cách thế giới phát triển. Bất kể (Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED) quyết định làm gì vì lợi ích của nước Mỹ, tất cả các nền kinh tế này đều sống trong chu kỳ này, trong một vòng xoáy không bao giờ kết thúc."
Sau đó, ông O'Neill đề cập rằng, Tổng thống Brazil Lula da Silva gần đây đã không ngừng kêu gọi thiết lập một đồng tiền chung giữa các nước BRICS để "phi đô la hóa". Tuy nhiên, O'Neill không lạc quan về điều này, ông cho rằng "5 nền kinh tế có sự khác biệt lớn" rất khó tạo ra một đồng tiền chung. "Họ có muốn thành lập ngân hàng trung ương BRICS không? Nếu có thì phải làm như thế nào?"
Ông O'Neill cũng nhắc lại những dự đoán trước đây về việc đồng yên Nhật, đồng euro hoặc đồng nhân dân tệ cuối cùng sẽ vượt qua đồng đô la Mỹ rằng: “Trừ khi các quốc gia này muốn đồng tiền của họ được người dân ở phần còn lại của thế giới sử dụng, còn không thì những điều này sẽ không xảy ra.”
Tuy nhiên, ông O'Neill cũng nói với Financial Times rằng, nếu các nhà lãnh đạo của các nước BRICS muốn lật đổ sự thống trị của đồng đô la Mỹ, thì việc thu hút thêm các nước thành viên, tức là thêm nhiều người dùng tiềm năng của đồng tiền chung, là một trong những điều kiện cần thiết để có được bước tiến.
Nói về điều này, ông O'Neill đặc biệt đề cập đến Ấn Độ và cho rằng nếu Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia mới nổi lớn nhất thế giới, có thể đạt được thỏa thuận để giải quyết những khác biệt giữa họ, điều đó sẽ khiến đồng đô la Mỹ suy yếu hơn nữa.
Theo Financial Times, trong khi Trung Quốc và Nam Phi tích cực quảng bá cơ chế BRICS tới các quốc gia khác ở phía nam bán cầu, thì dường như đang có tiếng phản đối từ Ấn Độ. Tuy nhiên, đầu tháng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi đã phủ nhận điều này, khi tuyên bố rằng, nói "Ấn Độ e ngại về việc mở rộng BRICS" là không đúng sự thật.
Ông O'Neill nói: "Nếu Trung Quốc và Ấn Độ có quan điểm khác biệt, điều đó có lợi cho phương Tây, bởi vì nếu hai nước có thể đạt được thỏa thuận, sự thống trị của đồng đô la Mỹ sẽ trở nên mong manh hơn."
Một quan điểm tương tự cũng được ông O'Neill nêu ra trong một cuộc phỏng vấn với RT vào cuối tháng 5. Vào thời điểm đó, ông nói rằng, mặc dù "phi đô la hóa" chưa thực sự xảy ra, nhưng các nước BRICS bao gồm các nước mới nổi có thể thách thức quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ, đặc biệt là hiện nay ngày càng có nhiều quốc gia đang xem xét tham gia cơ chế này.
Ảnh chụp màn hình cuộc phỏng vấn của ông O'Neill với RT. |
"Trong bối cảnh này, chúng ta có thể suy nghĩ nghiêm túc rằng BRICS có thể trở thành nền tảng của một loại đối thủ cạnh tranh mới - không chỉ là một loại tiền tệ - mà còn là một loại đối thủ cạnh tranh với hệ thống tài chính của Mỹ", ông O’Neill nói.
Ông O’Neill nói thêm rằng, muốn chấm dứt quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ, cần có "những lựa chọn thay thế" và các nhà lãnh đạo của các nước BRICS nên xem xét những gì các thành viên mới có thể mang lại.