Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Jonathan Conricus ngày 11/10 xác nhận, Israel đã triển khai khoảng 300.000 binh sĩ thuộc các quân binh chủng, bao gồm lực lượng bộ binh, thiết giáp, pháo binh và dự bị, xung quanh Dải Gaza.
"Tất cả đều sẵn sàng thực hiện sứ mệnh mà chính phủ Israel giao cho chúng tôi. Điều đó nhằm đảm bảo rằng khi cuộc chiến này kết thúc, Hamas sẽ không có bất kỳ năng lực quân sự nào để có thể đe dọa hoặc tấn công dân thường Israel", ông Conricus tuyên bố.
Binh sĩ Israel ngồi trên xe bọc thép ở miền nam Israel gần biên giới với Gaza. Ảnh: AFP |
Tuyên bố của người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel được đưa ra sau khi Tel Aviv tuyên bố tình trạng chiến tranh, tấn công đáp trả các mục tiêu của lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Hamas hôm 7/10 đã phóng hàng nghìn rocket vào Israel trong cuộc tấn công "chưa từng có" trong 75 năm.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 10/10 tuyên bố Israel đang trên đà "tấn công toàn diện" vào Gaza. Ông Gallant thông báo gỡ bỏ các hạn chế trong cuộc chiến với lực lượng Hamas và sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để hạ gục đối phương.
"Tôi đã dỡ bỏ mọi hạn chế, chúng ta đã khôi phục quyền kiểm soát khu vực và đang tiến tới một cuộc tấn công toàn diện", Bộ trưởng Quốc phòng Israel tuyên bố.
Người đứng đầu quân đội Israel cũng thông báo, Israel sẽ khởi động chiến dịch tấn công bằng các cuộc không kích, sau đó sẽ triển khai tấn công trên bộ. Ông khẳng định mức độ tấn công sẽ ngày càng tăng.
'Rủi ro cố hữu'
Alexander Grinberg - chuyên gia thuộc Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem - nhận định: "Các cuộc tấn công trước hết sẽ nhắm vào các trung tâm chỉ huy và chiến binh của Hamas, với hỏa lực từ khắp mọi nơi."
Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng, cuộc chiến đô thị như vậy sẽ buộc các binh sĩ phải chiến đấu tay đôi, giảm tầm nhìn, tăng nguy cơ mắc bẫy, làm mờ ranh giới giữa dân thường và binh lính và khiến xe bọc thép trở nên vô dụng.
Andrew Galer - cựu sĩ quan quân đội Anh, hiện là nhà phân tích của công ty tình báo tư nhân Janes - cho biết, giao tranh trong thành phố là "một chiến trường 360 độ vì các mối đe dọa có thể ở xung quanh bạn".
Việc đi từ tòa nhà này đến tòa nhà kia có thể dẫn đến nguy cơ mắc bẫy bom, đồng nghĩa với việc phải nhờ đến các chuyên gia xử lý bom với các thiết bị cồng kềnh như thang, dây thừng và chất nổ – có thể phải thực hiện tất cả trong khi lửa đang cháy và cả trong bóng tối, ông cho biết thêm.
Và có cả "những rủi ro cố hữu" đến từ hỏa lực của đồng đội do "những khó khăn trong việc nhận định tình huống", Galer nói.
"Việc sử dụng pháo binh có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, vì mặc dù nó có thể giết chết một số quân phòng thủ nhưng đống đổ nát sau đó lại giúp họ ẩn náu", Galer bổ sung.
Những tòa nhà đổ nát có thể trở thành nơi ẩn náu lý tưởng của lực lượng phòng thủ. Ảnh: AP |
'Tàu điện ngầm Gaza'
Theo hãng tin AFP, khoảng 2,3 triệu cư dân Palestine ở Gaza đã sống dưới sự phong tỏa của Israel kể từ năm 2007. Mạng lưới đường phố chật hẹp, đông đúc ở đó được nhân đôi dưới lòng đất bởi một mạng lưới đường hầm dày đặc được quân đội Israel gọi là "Tàu điện ngầm Gaza". Biên giới dài 14 km giữa Gaza với Ai Cập từng có hàng trăm đường hầm được sử dụng để buôn lậu máy bay chiến đấu, vũ khí và các loại hàng lậu khác – mặc dù nhiều đường hầm hiện đã bị phá hủy.
Nhưng kể từ năm 2014, lực lượng Hamas đã đào những con đường ngầm để đi xung quanh lãnh thổ mà họ kiểm soát. Một số đường hầm sâu tới 30 hoặc 40 mét dưới mặt đất, cho phép các chiến binh Hamas thay đổi vị trí để tránh nguy cơ bị tấn công. Các khẩu đội tên lửa ẩn nấp chỉ vài mét dưới mặt đất có thể xuất hiện qua cửa sập chỉ trong khoảng thời gian ngắn để bắn một loạt đạn.
Quân đội và tình báo Israel chắc chắn biết về một phần của mạng lưới đường hầm này và đã bắn phá dữ dội vào năm 2021.
Tuy nhiên, các phần khác vẫn được giữ bí mật và sẽ khiến bất kỳ hoạt động trên bộ nào của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Gaza trở nên khó khăn hơn.
'Dài, khó khăn, nhiều tổn thất'
Colin Clarke - Giám đốc nghiên cứu của tổ chức tư vấn Trung tâm Soufan có trụ sở tại New York - cho biết, Hamas “thuộc nằm lòng các đường hầm của mình”.
Ông nói thêm: "Ai đó có thể mắc bẫy. Việc chuẩn bị chiến đấu ở địa hình như vậy... sẽ cần đến thông tin tình báo sâu rộng... mà người Israel có thể không có."
Theo các chuyên gia, giao tranh ngầm sẽ mang lại lợi thế chiến thuật lớn cho lực lượng phòng thủ Hamas và bộ chỉ huy của họ.
Alexander Grinberg - chuyên gia thuộc Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem - cho biết: “Mọi người đều biết rằng cuộc chiến này sẽ kéo dài và khó khăn với nhiều tổn thất... mặc dù công nghệ như robot có thể có lợi cho lực lượng tấn công."
“Mặt khác, lợi thế về đường hầm của Hamas cũng có thể trở thành một cái bẫy. Khi tìm thấy đường hầm, chúng có thể được đóng lại để nhốt những người bên trong”, ông nói thêm.
Các thành viên của lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam - cánh quân sự của Hamas - tại một đường hầm ở khu Shujaya của thành phố Gaza vào ngày 17/8/2014. Ảnh: Getty Images |
'Vấn đề con tin không phải là ưu tiên hàng đầu'
Các chuyên gia nhận định, hàng chục con tin là dân thường mà Hamas bắt giữ vào cuối tuần qua cũng gây thêm rắc rối cho IDF.
Sylvaine Bulle - nhà xã hội học nghiên cứu về Israel tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) - cho biết: “Xã hội Israel sẽ không tha thứ nếu mạng sống của con tin không phải là ưu tiên hàng đầu.”
Bà dự đoán rằng, thái độ của người dân sẽ là "các bạn đã không đảm bảo an ninh của chúng tôi, hãy đưa các con tin về cho chúng tôi"... dẫn đến "xung đột giữa các chính trị gia và quân đội".
Kobi Michael - nhà nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu INSS có trụ sở tại Tel Aviv - cho biết, chính phủ Israel hiện không thể đàm phán.
Ông nói: “Vấn đề con tin không phải là ưu tiên hàng đầu. Israel sẽ chỉ giải quyết vấn đề con tin khi ở thế thượng phong và khi Hamas bị đánh bại và yếu đi, chứ không phải là một giây trước đó.”
Một thành viên Hamas tại Qatar nói với AFP hôm 9/10 rằng: "Hiện tại không có cơ hội đàm phán về vấn đề tù nhân hay bất cứ điều gì khác."