Nỗi đau giá dầu
Theo nội dung bài viết, ngân sách của một loạt các quốc gia Arab phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ đang trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Ước tính, Oman cần giá “vàng đen” tăng lên ít nhất 87 USD/thùng để cân bằng cán cân ngân sách, trong khi con số cần thiết của Algeria lên tới hơn 100 USD/thùng. Trên thực tế, không có nhà sản xuất dầu mỏ Arab nào có thể cân bằng ngân sách trong dài hạn với mức giá khoảng 40 USD/thùng như hiện nay.
Vì vậy, một số quốc gia Arab đang triển khai các bước đi quyết liệt để vượt qua những thách thức đó. Trong tháng Năm vừa qua, Chính phủ Algeria thông báo sẽ cắt giảm một nửa chi ngân sách quốc gia. Chính phủ Iraq thì muốn cắt giảm lương nhân viên nhà nước. Trong khi đó, Oman đang phải vật lộn trên thị trường cho vay quốc tế sau khi nhiều hãng xếp hạng tín nhiệm coi các khoản nợ của nước này là “bỏ đi”. Còn tại Kuwait, thâm hụt ngân sách có thể lên tới ngưỡng 40% GDP, một trong những mức cao nhất trên thế giới.
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến giá dầu thô giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục mọi thời đại, khi con người buộc phải tạm ngừng đi lại để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Chỉ khi dòng chảy thương mại phục hồi, giá dầu mới có cơ hội tăng trở lại, mặc dù mức đỉnh nhu cầu tiêu thụ có thể phải mất vài năm mới có thể phục hồi.
Trong kịch bản dài hạn, các nền kinh tế thế giới sẽ dần tránh xa nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, tình trạng cung vượt nhu cầu và khả năng cạnh tranh ngày càng lớn của các nguồn năng lượng sạch hơn đồng nghĩa là giá dầu có thể sẽ trở nên rẻ hơn trong tương lai gần. Những bất ổn gần đây trên thị trường dầu mỏ không phải là một hiện tượng lạ mà hơn hết nó như một “điềm báo” thoáng qua về viễn cảnh tương lai. Thế giới đã bước vào kỷ nguyên giá dầu thấp, và không khu vực nào trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều hơn Trung Đông và Bắc Phi.
Các nhà lãnh đạo Arab thừa hiểu rằng giá dầu cao sẽ không thể kéo dài mãi mãi. Bốn năm trước, Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman đã đưa ra một kế hoạch có tên gọi “Tầm nhìn 2030”, nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế nước này vào dầu mỏ. Một số quốc gia láng giềng Saudi Arabia ở vùng Vịnh cũng có những phiên bản “tầm nhìn” của riêng mình. Tuy nhiên, kịch bản cho năm 2030 đang xảy đến quá nhanh ngay trong năm 2020 này.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, doanh thu từ dầu mỏ ở Trung Đông và Bắc Phi, nơi sản xuất nhiều “vàng đen” hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, đã giảm từ hơn 1.000 tỷ USD năm 2012 xuống chỉ còn 575 tỷ USD trong năm 2019. Năm nay, các nước Arab dự kiến sẽ chỉ thu được khoảng 300 tỷ USD từ xuất khẩu dầu, gần như không đủ để trang trải chi tiêu nội địa. Kể từ tháng Ba đến nay, nhiều nước Arab đã áp dụng các chính sách “thắt lưng buộc bụng”, tăng thuế giá trị gia tăng, tích cực đi vay hoặc sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối của mình để đối phó với những khó khăn kinh tế.
Trên thực tế, nỗi đau giá dầu thấp cũng được cảm nhận ở các nước phi dầu mỏ trong khu vực, khi họ từ lâu đã dựa vào những “người hàng xóm” giàu có để xuất khẩu lao động. Nguồn kiều hối đóng góp tới 10% GDP ở một số quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, so với các khu vực khác, Trung Đông lại ghi nhận tỷ lệ thanh niên thất nghiệp thuộc hàng cao nhất thế giới.
Dầu mỏ là nguồn sống của các nền kinh tế, động lực duy trì chế độ, thậm chí là nguồn cơn gây ra những can thiệp từ bên ngoài. Vì vậy, sự kết thúc của kỷ nguyên dầu mỏ sẽ không trở thành thảm họa nếu nó thực sự thúc đẩy các cải cách để tạo ra những nền kinh tế năng động hơn.
Chắc chắn sẽ có những ý kiến phản đối con đường cải cách đó. Một số nhà sản xuất “vàng đen” giàu có nhất trong khu vực có thể đối phó với mức giá dầu thấp trong ngắn hạn. Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sở hữu nhiều quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ. Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, thì có khối dự trữ ngoại tệ trị giá 444 tỷ USD, đủ để trang trải cho 2 năm chi ngân sách quốc gia ở mức hiện tại. Nhưng tất cả các nước này đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và giá dầu thấp.
Trong tháng 2/2020, thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát ở vùng Vịnh, IMF dự đoán các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC – gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE) sẽ cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ 2.000 tỷ USD vào năm 2034. Kể từ đó, Saudi Arabia đã chi ít nhất 45 tỷ USD tiền mặt để đối phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nếu quốc gia này tiếp tục chi tiền với tốc độ đó trong 6 tháng tới, sức ép sẽ đè nặng lên đồng nội tệ riyal của Saudi Arabia.
Giới chức Saudi Arabia hẳn có lý do để lo lắng. Muhammad al-Jadaan, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia từng nói “Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến trong lịch sử hiện đại”. Trong nỗ lực cân bằng ngân sách, Saudi Arabia đã quyết định ngừng trợ cấp sinh hoạt phí cho công nhân nhà nước, tăng giá xăng dầu nội địa và tăng gấp ba lần thuế giá trị gia tăng (VAT).
Mặc dù vậy, thâm hụt ngân sách ở nước này có thể vượt ngưỡng 110 tỷ USD trong năm nay (tương đương 16% GDP của Saudi Arabia). Trong bối cảnh đó, Saudi Arabia cũng có thể cân nhắc tăng thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế đất đai. Tuy nhiên, kế hoạch tăng thuế có nguy cơ đe dọa hoạt động giao thương, vốn đã trong tình trạng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Saudi Arabia hy vọng sự gia tăng du lịch tôn giáo và du lịch giải trí ít nhất sẽ bù đắp một phần cho sụt giảm doanh thu dầu mỏ, song điều đó có vẻ là ảo tưởng tại thời điểm này. Thành phố thánh địa Mecca đã bị đóng cửa đối với người nước ngoài kể từ tháng Hai.
Năm ngoái, lễ hành hương tới vùng thánh địa này thu hút khoảng 2,6 triệu lượt người; song năm nay con số này bị giới hạn chỉ ở mức 1.000 người. Chuyên gia Farouk Soussa tại Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho rằng Saudi Arabia đang bị mắc kẹt trong sự phụ thuộc dầu mỏ và cần phải sớm vượt qua rào cản đó để tồn tại.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại nhìn thấy vài “điểm sáng” đối với những quốc gia sản xuất dầu mỏ trong khu vực. Các nước vùng Vịnh sản xuất dầu rẻ nhất thế giới, vì vậy họ sẽ giành được thị phần nhiều hơn nếu giá vẫn thấp. Bên cạnh đó, khi người nước ngoài phải hồi hương do dịch COVID-19, người dân bản địa có thể có nhiều cơ hội việc làm hơn. Cuộc đấu tranh sinh tồn trong khu vực cũng có thể tạo động lực để các quốc gia đẩy nhanh tiến trình cải cách.
Một số hãng xếp hạng tín nhiệm đã ca ngợi động thái tăng thuế của Saud Arabia như một bước đi chuyển đổi từ nền kinh tế tồn tại bằng tiền lợi tức thành nền kinh tế sản xuất. Để tăng nguồn thu ngân sách mới, các nhà lãnh đạo tại Riyadh đã nhắc tới làn sóng tư nhân hóa. Vương quốc này gần đây tuyên bố cổ phần hóa nhà máy khử mặn lớn nhất thế giới tại Ras al-Khair, song tại thời điểm này giới đầu tư dường như có xu hướng rút tiền ra khỏi khu vực để tránh rủi ro.
Trong khi đó, sự bất bình của dân chúng đang tăng lên. Không ít người Saudi Arabia cảm thấy không hài lòng về các loại thuế mới, trong đó những người nghèo là đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Tại Iraq, các quan chức nhà nước tức giận vì bị cắt giảm lương đã ngầm ủng hộ một phong trào phản kháng đang tìm cách lật đổ toàn bộ hệ thống chính trị. Tại Algeria, nơi thu nhập bình quân đầu người giảm mạnh, những người biểu tình đã đổ ra đường phố kêu gọi cải cách.
Nơi “vàng đen” không chảy
Tại Liban, nhiều cuộc biểu tình bắt đầu quay trở lại sau khi đại dịch COVID-19 khiến phong trào phản đối tham nhũng phải tạm thời ngưng lại. Liban không phải nhà sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông. Cuộc khủng hoảng tài chính tại nước này có thể khiến GDP giảm hơn 13% trong năm nay, bắt nguồn từ một trật tự kinh tế thiếu hiệu quả sau thời kỳ nội chiến, vốn quá phụ thuộc vào các dịch vụ và khu vực tài chính cồng kềnh.
Sự suy giảm ở các nền kinh tế vùng Vịnh cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với Liban. Có thể nói, giá dầu giảm trong dài hạn sẽ mang lại nhiều “đau đớn” ngay cả với các nước Arab không xuất khẩu dầu mỏ. Nguồn kiều hối từ các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ là huyết mạch cho toàn bộ khu vực Trung Đông.
Hơn 2,5 triệu người Ai Cập, tương đương gần 3% dân số của quốc gia Bắc Phi này, làm việc ở các nước Arab xuất khẩu dầu mỏ. Con số này thậm chí còn lớn hơn đối với các quốc gia khác, như 5% từ Liban và Jordan, hay 9% từ các vùng lãnh thổ Palestine. Số tiền họ gửi về nước chiếm phần lớn trong cán cân nền kinh tế của quê hương. Khi doanh thu dầu mỏ giảm, nguồn kiều hối cũng giảm theo. Số việc làm cho người nước ngoài và tiền lương đối với những người có mong muốn tìm việc đều giảm.
Với Liban, khoảng 35.000 sinh viên nước này tốt nghiệp đại học mỗi năm, song kinh tế Liban chỉ sử dụng 5.000 người trong số họ. Hầu hết sinh viên phải ra nước ngoài để tìm việc. Cuộc di cư đã làm tăng tốc độ “chảy máu” chất xám. Ai Cập từng cung cấp rất nhiều lao động phổ thông cho vùng Vịnh. Trong những năm 1980, hơn 1/5 số lao động Ai Cập ở Saudi Arabia không biết chữ.
Ngày nay hầu hết đều có trình độ trung học; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học đã tăng gấp đôi. Ai Cập hiện đang vật lộn với COVID-19 một phần vì thiếu đội ngũ y bác sĩ chất lượng, khi hơn 10.000 người đã ra nước ngoài di cư từ năm 2016, phần lớn đến các nước vùng Vịnh có điều kiện sống tốt hơn.
Một khi cơ hội việc làm ở các quốc gia sản xuất dầu mỏ ít đi, sinh viên tốt nghiệp có thể không còn mặn mà với việc di cư ra nước ngoài tìm việc. Tuy nhiên, họ cũng không thể có một cuộc sống tốt ở quê nhà. Các bác sĩ ở Ai Cập kiếm được ít nhất 3.000 bảng Ai Cập (185 USD)/ háng, con số ít hơn nhiều so với những gì họ kiếm được ở Saudi Arabia hay Kuwait. Hàng loạt sinh viên tốt nghiệp không có việc làm cũng là hồi chuông báo động cho tình trạng bất ổn xã hội.
Thêm vào đó, nhiều người di cư buộc phải hồi hương khi hợp đồng lao động hết hạn. Họ không muốn điều này xảy ra, vì các tiểu vương quốc như Dubai của UAE hay Qatar không chỉ cung cấp những công việc được trả lương cao mà còn có cả các dịch vụ hạng nhất và hệ thống quản trị trung thực. Một cuộc thăm dò do Gallup thực hiện được công bố vào tháng 1/2020 cho thấy chỉ 10% người di cư Ai Cập ở khu vực vùng Vịnh giàu có muốn quay trở lại quê hương.
Trong khi đó, khối doanh nghiệp cũng sẽ là đối tượng bị tổn thương. Các nhà sản xuất dầu mỏ ở vùng Vịnh là thị trường lớn cho các nước Arab khác. Họ chiếm tới 28% xuất khẩu từ Ai Cập trong năm 2018, 32% từ Jordan và 38% từ Liban. Tất nhiên, các công ty có thể tìm kiếm những đối tác thương mại khác khi môi trường kinh doanh thay đổi. Thời gian gần đây, Ai Cập đã xuất khẩu nhiều hơn sang Italy so với bất kỳ quốc gia Arab nào.
Tuy nhiên, các mặt hàng như sản phẩm dầu mỏ, kim loại và hóa chất có xu hướng tạo ra ít việc làm hơn cho người Ai Cập. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực vùng Vịnh nhập khẩu nhiều hàng hóa phụ thuộc vào sức lao động hơn như sản phẩm nông nghiệp, dệt may và các sản phẩm tiêu dùng. Theo số liệu thống kê, hơn một nửa số tivi được xuất khẩu từ Ai Cập hướng tới thị trường các nước GCC. Ngành công nghiệp dược phẩm của Jordan, nơi tạo ra hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu và hỗ trợ hàng chục nghìn việc làm, cũng xuất khẩu gần 3/4 sản phẩm của mình tới các nhà sản xuất dầu mỏ Arab.
Khó khăn kinh tế-chính trị
Khó khăn kinh tế cũng sẽ khiến khách du lịch vùng Vịnh ít đi lại hơn. Tại Liban, khách du lịch từ 3 nước Kuwait, Saudi Arabia và UAE, chiếm khoảng 1/3 tổng chi tiêu du lịch. Hầu hết du khách đến Ai Cập là châu Âu, song khách du lịch vùng Vịnh có xu hướng lưu lại lâu hơn và chi nhiều tiền hơn tại các nhà hàng, quán cà phê và trung tâm thương mại.
Những quốc gia này có thể tìm kiếm doanh thu ở nơi khác, nhưng sẽ khó thay thế khách du lịch giàu có ở những thị trường truyền thống. Người Saudi Arabia sẵn sàng dành cả mùa Hè ở Cairo hoặc Beirut vì những thành phố này gần gũi, quen thuộc về văn hóa và nói cùng một ngôn ngữ. Người Slovenia hay người Singapore không có khả năng thực hiện điều tương tự.
Trên bình diện khu vực, sự thay đổi lớn hơn trong môi trường chính trị đã được báo trước. Trong bốn thập kỷ qua, nước Mỹ đã theo đuổi “Học thuyết Carter”, vốn ưu tiên sử dụng sức mạnh quân sự để duy trì dòng chảy dầu mỏ tự do qua Vịnh Persian. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, học thuyết này đã bị lãng quên.
Khi tên lửa hành trình và máy bay không người lái do Iran sản xuất tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia hồi tháng 9 năm ngoái, Mỹ hầu như không có bất kỳ động thái nào đáng kể. Bên ngoài vùng Vịnh, ông Trump thậm chí còn ít can dự hơn, bất chấp sự trỗi dậy của Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ đang tranh giành quyền kiểm soát Libya và Syria.
Một Trung Đông nếu không còn là trung tâm nguồn cung năng lượng của thế giới sẽ là một Trung Đông ít quan trọng hơn đối với Mỹ. Mặc dù Nga có thể lấp đầy khoảng trống quyền lực này, song lợi ích khu vực của họ còn tương đối hạn chế. Moskva không mong muốn và không thể mở rộng “chiếc ô an ninh” của mình trên khắp bán đảo Arab. Trung Quốc thì cố gắng đứng ngoài chính trị của khu vực, khi chỉ theo đuổi lợi ích kinh tế thông qua các hợp đồng xây dựng ở Algeria, cảng biển ở Ai Cập và một loạt các thỏa thuận thương mại ở vùng Vịnh.
Tuy nhiên, khi các quốc gia Arab trở nên nghèo hơn, bản chất mối quan hệ của họ với Trung Quốc có thể thay đổi. Điều này đã xảy ra ở Iran, nơi các lệnh trừng phạt của Mỹ đã bóp nghẹt doanh thu từ dầu mỏ của Tehran. Giới chức Iran đang thảo luận về một thỏa thuận đầu tư dài hạn tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc phát triển từ cảng biển đến viễn thông.
Trung Quốc được đóng khung như một đối tác chiến lược của người Hồi giáo, nhưng các nhà phân tích lo ngại rằng lợi thế đó có thể khiến Trung Quốc kiểm soát cơ sở hạ tầng mà họ xây dựng, như những gì đã xảy ra ở một số nước châu Á và châu Phi, đẩy các nước này vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Doanh thu từ dầu mỏ giảm có thể thúc đẩy mô hình hợp tác với Trung Quốc tại các quốc gia Arab, và có lẽ sẽ làm phức tạp hơn những gì còn sót lại trong mối quan hệ của họ với Mỹ.
Gần 10 năm sau khi một người bán trái cây ở Tunisia tự thiêu và khởi đầu cho làn sóng “mùa xuân Arab”, sự thất vọng gây nên những bất mãn vẫn tồn tại ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi này. Trong bối cảnh đó, sự kết thúc của “kỷ nguyên dầu mỏ” có thể mang lại những thay đổi, nhưng đi cùng với đó sẽ là những "nỗi đau".
(Nguồn: TTXVN/The Economist)