• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

'Lục địa đen' và nỗi ám ảnh COVID-19

Với hơn 30.300 ca nhiễm và khoảng 1.400 ca tử vong tính đến sáng 27/4, châu Phi vẫn được xem là...

Hiện ở châu Phi chỉ còn hai quốc gia nhỏ bé là Comoros và Lesotho chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19, trong khi Nam Phi cùng 3 nước ở khu vực Bắc Phi như Ai Cập, Maroc và Algeria đang đứng đầu châu lục về số ca mắc và tỷ lệ tử vong do căn bệnh này. Nhiều nước châu Phi hiện có số ca nhiễm COVID-19 không đáng kể và thực sự thấp hơn rất nhiều nếu so với các tâm dịch như Mỹ, các nước châu Âu hay Trung Quốc.

Tuy nhiên, những con số trên không mô tả được hết bức tranh thực tế về nỗi ám ảnh COVID-19 ở “lục địa Đen”. Nói cách khác, sự bùng phát của dịch COVID-19 ở châu Phi diễn ra chậm hơn so với các châu lục khác, nhưng không có nghĩa là không nghiêm trọng và vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã sớm đưa ra cảnh báo rằng hệ thống y tế ở châu Phi không được trang bị đầy đủ để đối phó với virus SARS-CoV-2 gây chết người nếu dịch COVID-19 lan rộng tại đây.

Với điều kiện y tế nghèo nàn, lạc hậu và nguồn lực tài chính của châu Phi như hiện nay, dịch COVID-19 được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài dai dẳng và khó có thể sớm chấm dứt, thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng sau châu Âu và Mỹ, châu Phi sẽ là “điểm nóng” tiếp theo trên bản đồ dịch COVID-19 của thế giới.

'Lục địa đen' và nỗi ám ảnh COVID-19

Có thể hình dung rằng các nước phát triển như Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Pháp… với các hệ thống y tế được xem là hiện đại hàng đầu thế giới, nhưng vẫn đang bị tổn thương sâu sắc và lao đao vì dịch COVID-19.

Trong khi đó, châu Phi, vốn là nơi tập trung đa số các nước nghèo hoặc đang phát triển và hằng năm vẫn phải dựa vào nguồn viện trợ nước ngoài, hầu như không có khả năng chống đỡ nếu dịch COVID-19 bùng phát. Chưa kể châu Phi cũng là nơi đi kèm với mạng lưới y tế lạc hậu, phương tiện vệ sinh thiếu thốn.

Hậu quả của một ổ dịch với quy mô tương tự như ở Mỹ và châu Âu, khi xảy ra tại châu Phi, chắc chắn sẽ tàn khốc hơn nhiều. Đơn cử như tại Nigeria - đất nước có khoảng 200 triệu dân, bằng khoảng 2/3 dân số nước Mỹ - nhưng hiện có chưa đến 500 máy thở , so với khoảng 172.000 máy thở của Mỹ.

Hay ở thủ đô Mogadishu của Somalia, bệnh viện Martini hiện là cơ sở y tế duy nhất của nước này được dành cho việc điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19, trong khi số ca nhiễm mới đang tăng lên từng ngày.

Theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), châu lục với 1,3 tỷ dân này hiện cần tới 74 triệu bộ kit xét nghiệm COVID-19 và 30.000 máy thở chỉ trong năm nay để chống dịch. Tuy nhiên, 41 nước ở châu Phi mới chỉ có gần 2.000 máy thở và có tới 10 nước hiện hoàn toàn không có máy thở.

Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế ở châu Phi thiếu cả giường bệnh chuyên dụng với các thiết bị dùng cho bệnh nhân mắc COVID-19, cũng như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ cho đội ngũ y, bác sĩ… WHO cho biết tỉ lệ giường bệnh ở châu Phi là gần 5 giường/1 triệu người, chênh lệch rất xa so với mức gần 4.000 giường bệnh/1 triệu người ở các nước châu Âu.

Do tình hình dịch bệnh hoành hành, hơn 70 nước trên thế giới đã ban hành các quy định hạn chế xuất khẩu vật tư, thiết bị y tế. Trong khi đó, châu Phi nhập khẩu trên 90% các loại thuốc men và thiết bị y tế.

'Lục địa đen' và nỗi ám ảnh COVID-19

Bên cạnh đó, hiện nhiều nước đã đóng cửa biên giới hoặc tạm dừng hoạt động giao thông đường không. Thực trạng này đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến cho cơ hội tiếp cận và nhập khẩu thiết bị y tế trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí đối với nhiều nước châu Phi là “bất khả thi”. Nhiều nước chỉ còn cách trông chờ vào sự giúp đỡ của WHO hay một số tổ chức cứu trợ quốc tế.   

Không chỉ hạ tầng y tế  yếu kém, tại các nước nghèo và đang phát triển ở châu Phi, đội ngũ nhân viên y tế cũng thiếu hụt trầm trọng và chưa được đào tạo bài bản. Tỷ lệ bác sĩ ở châu Phi thuộc hàng thấp nhất thế giới, trung bình 1 bác sĩ/1.000 người dân, trong khi tỉ lệ này của Liên minh châu Âu (EU) là 37 bác sĩ/1.000 người dân.

Tại một số nước như Malawi, cứ 100.000 bệnh nhân mới có 2 bác sĩ, Mozambique là 2,6/100.000 bệnh nhân, trong khi theo tiêu chuẩn của WHO, phải có tối thiểu 20 bác sĩ trên 100.000 bệnh nhân.

Đối với châu Phi, tình trạng còn nghiêm trọng hơn nhiều ở những nơi mà giao tranh và xung đột vẫn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ; những nơi mà tình trạng thiếu thốn lương thực và trẻ em suy dinh dưỡng là “căn bệnh kinh niên”; những nơi quanh năm cần cứu trợ khẩn cấp của quốc tế để ngăn chặn nạn đói; những nơi ngay cả khi không có dại dịch COVID-19 thì cũng vẫn phải chống chọi triền miên với nhiều loại dịch bệnh thông thường khác.  

Số người nhiễm HIV tại “lục địa Đen” chiếm hơn 2/3 tổng số gần 38 triệu ca nhiễm trên thế giới, tức là cứ 25 người trưởng thành tại châu Phi thì có một người nhiễm HIV. Hơn 90% số ca mắc và tử vong do sốt rét là ở châu Phi. Mỗi năm, khoảng 2,7 triệu người châu Phi mắc bệnh tả và 95 nghìn người tử vong…

Hơn nữa, có một thực tế là biên giới trên bộ giữa một số nước châu Phi rất mờ nhạt, một số nơi chỉ có điểm thông quan hay cửa khẩu ở những trục đường chính. Điều này có nghĩa là virus SARS-CoV-2 có thể tiếp tục lây lan từ nước này sang nước khác một cách dễ dàng, và khó có thể xác định được nguồn gốc lây nhiễm hoặc khả năng cao nhiều trường hợp bị bỏ sót.

Nhiều khu vực ở châu Phi gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh không đảm bảo cũng sẽ khiến những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 bị hạn chế. Các khu tập trung đông lao động nghèo, các khu ổ chuột chật chội ở châu Phi đang là điểm nóng đáng lo ngại.

'Lục địa đen' và nỗi ám ảnh COVID-19

Đối mặt với một đại dịch có sức tàn phá khủng khiếp như COVID-19, châu Phi sẽ dễ bị tổn thương hơn so với các nước phát triển, không chỉ là những hậu quả về y tế mà còn cả tình trạng mất an ninh, bất ổn xã hội xuất phát từ dịch COVID-19.

Châu Phi vốn đã chứng kiến rất nhiều cuộc xung đột, bạo lực hay dịch bệnh, và sẽ không quá lời khi cho rằng COVID-19 là một nguy cơ thực sự có thể dẫn đến những thảm họa nhân đạo đặc biệt nghiêm trọng, khi xung đột và dịch bệnh xảy ra cùng lúc.

Những bất ổn về kinh tế, tình trạng thất nghiệp tăng cao đột biến do dịch COVID-19 gây ra có thể làm nảy sinh sự thất vọng hay bất mãn trong dân chúng, làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội, kéo dài các cuộc nội chiến, xung đột sắc tộc và thậm chí có thể dẫn tới các cuộc đảo chính - hiện tượng phổ biến ở nhiều nước châu Phi.

Những người lao động nghèo ở châu Phi đang là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Họ không chỉ có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh do thiếu khả năng phòng chống COVID-19 mà còn có nguy cơ mất việc làm và thu nhập.

Thậm chí, với những đối tượng nghèo cùng cực, mối đe dọa đang thực sự đối mặt là có thể chết vì đói trước khi chết vì bệnh tật, bởi ngay cả khi chưa có COVID-19, khoảng 45 triệu người châu Phi đã phải trông chờ vào viện trợ lương thực khẩn cấp.

Hiện các nước châu Phi đã áp dụng nhiều biện pháp như giãn cách xã hội, hạn chế đi lại hay phong tỏa hoàn toàn. Tuy nhiên, vấn đề thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang là một khó khăn mang tính đặc thù của châu Phi.

Đối với người lao động nghèo, ở nhà chống dịch là điều gần như không thể thực hiện được khi nó đồng nghĩa với không có thu nhập, không có bữa ăn hằng ngày. Hàng triệu người hằng ngày vẫn phải ra đường để mưu sinh và sử dụng các phương tiện công cộng. Ngoài ra, tại rất nhiều nước châu Phi - nơi công nghệ thông tin chưa phát triển bằng các châu lục khác, đại đa số người lao động vẫn phải đến công sở làm việc chứ không thể làm việc từ xa.

'Lục địa đen' và nỗi ám ảnh COVID-19

Chiếc khẩu trang – vật dụng tưởng chừng đơn giản và rẻ tiền được giới chức y tế khuyến cáo sử dụng, cũng là thứ xa xỉ và khó kiếm đối với nhiều người lao động nghèo. Có những nơi, giá tiền của một chiếc khẩu trang y tế dùng một lần tương đương, thậm chí còn đắt hơn một bữa ăn.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) cảnh báo dịch COVID-19 có thể gây ra cuộc khủng hoảng kép ở châu lục này, bao hàm cả lĩnh vực y tế, kinh tế cũng như an ninh. Theo ACDC, cộng đồng quốc tế vẫn chưa có hành động đầy đủ như mong đợi để hỗ trợ các quốc gia châu Phi đối phó với mối đe dọa của dịch COVID-19. Điều này được lý giải một phần là do vấn đề hạn chế nguồn lực khi đại dịch “không chừa một ai”.

Trong giai đoạn hiện nay, nguồn ngân quỹ từ WHO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đều phải chia sẻ và phân phối cho rất nhiều nơi bởi COVID-19 đã lây lan tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.

WHO ước tính nếu không sớm tìm mọi cách ngăn chặn tốc độ lây lan của COVID-19, số ca nhiễm ở châu Phi có thể tăng vọt lên 10 triệu người trong vòng từ 3 - 6 tháng tới, và ít nhất 300.000 người sẽ tử vong. Thêm hàng chục triệu người sẽ bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, với những hậu quả thảm khốc kéo dài.

Điều này đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ, hành động nhanh chóng của chính phủ các nước khu vực trước khi quá muộn. Bên cạnh đó, một lần nữa châu Phi lại cần đến sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để  “lục địa Đen” không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống lại “kẻ thù vô hình” của cả thế giới.

Dữ liệu đang được cập nhật.
(Nguồn: TTXVN)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật