Con số trên nhấn mạnh rằng, các cá nhân sau khi được tiêm chủng vẫn cần phải tiếp tục tự bảo vệ mình trong nhiều tuần, vì những người tiêm vaccine của Pfizer cần có thời gian để phát triển kháng thể chống lại SARS-CoV-2 và cần được tiêm đủ hai liều. Liều thứ hai được tiêm sau liều đầu tiên 21 ngày, người tiêm một liều vẫn có nguy cơ nhiễm COVID-19.
Trường hợp một người bị nhiễm bệnh trước khi tiêm, họ vẫn có nguy cơ phát triển các triệu chứng COVID ngay cả sau khi tiêm vaccine.
Theo dữ liệu của chính phủ Israel, đa số những người được tiêm vaccine cho biết không gặp phải tác dụng phụ. Khoảng một trong 1.000 người đã báo cáo bị các phản ứng phụ nhẹ, trong đó, dưới 100 người phải đến bệnh viện khám.
Cụ thể, các tác dụng phụ phổ biến nhất là suy nhược, chóng mặt và sốt. 5 người bị tiêu chảy. 293 người khác có triệu chứng cục bộ nơi tiêm như đau nhức, sưng, tấy đỏ và gặp khó khăn khi cử động. 14 người dị ứng nhẹ, bị ngứa, sưng lưỡi và cổ họng.
Nhiều người Israel vẫn nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng vaccine. Nguồn: tbcnews |
Thông tin về những người này và địa điểm tiêm chủng chưa được công bố chính thức. Đây không phải hiện tượng quá bất ngờ đối với các nhà khoa học. Nó một lần nữa nhấn mạnh người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng tránh virus trong thời gian liều tiêm vaccine kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch.
Đầu tuần này, truyền thông Israel đưa tin, 4 người đã thiệt mạng sau khi tiêm vaccine. 3 trường hợp tử vong được khẳng định là không liên quan đến việc tiêm vaccine. Trường hợp thứ tư, một người đàn ông 88 tuổi có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng từ trước, đang được điều tra.
Trước đó, theo Sputnik, ngày 20/12/2020, Israel đã chính thức bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vaccine chống lại COVID-19 sau khi nước này phê duyệt vaccine Pfizer /BioNTech. Các nhóm ưu tiên được tiêm bao gồm nhân viên y tế, sinh viên tại các trường y tế, nhân viên của các cơ sở lão khoa và các quan chức chính phủ.
Ngày 1/1, Chính phủ Israel cho biết, nước này đã tiêm chủng cho khoảng một triệu người, chiếm hơn 10% trong tổng số 9,2 triệu cư dân của mình.
Ngoài vaccine của Pfizer/BioNTech, Israel còn ký hợp đồng với công ty Moderna của Mỹ. Có thông tin cho rằng Trung tâm Y tế Hadassah có trụ sở tại Jerusalem đã đặt hàng 1,5 triệu liều vaccine Sputnik V do Nga sản xuất và đang chờ Bộ Y tế phê duyệt để sử dụng.