Trong số gần 1 triệu người Israel được chủng ngừa COVID-19 cho đến cuối năm 2020, khoảng 240 trường hợp được chẩn đoán nhiễm virus vài ngày sau khi tiêm. Điều này cho thấy việc mỗi cá nhân phải tự bảo vệ mình bằng các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng bởi cơ thể cần thời gian để phát triển các kháng thể hiệu quả chống lại SARS-CoV-2.
Vắc xin Pfizer không được sản xuất bằng chính virus SARS-CoV-2, nghĩa là không ai có thể mắc bệnh từ các mũi tiêm chủng. Thay vào đó, vắc xin chứa một đoạn mã di truyền giúp hệ thống miễn dịch nhận ra protein gai bám trên bề mặt của virus và tạo ra kháng thể để tấn công nếu nó gặp phải virus thật. Tuy nhiên quá trình này cần có thời gian.
Các nghiên cứu đều cho thấy khả năng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 sau mũi tiêm đầu tiên là sau 8 -10 ngày nhưng hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%. Vì vậy cần phải tiêm mũi thứ 2 sau 21 ngày tiêm liều đầu tiên để tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với virus, mang lại hiệu quả 95%, đảm bảo khả năng miễn dịch kéo dài. Mức độ miễn dịch này chỉ đạt được khoảng 1 tuần sau liều thứ 2 hoặc 28 ngày sau liều đầu tiên. Dù là ai nhiễm bệnh trước khi tiêm liều đầu tiên hoặc trước khi đạt hiệu quả cả hai liều đều có thể có các triệu chứng.
Pfizer cho biết: “Dựa trên nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả ở giai đoạn 3 của chúng tôi, vắc xin cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại COVID-19 trong vòng khoảng 10 ngày kể từ liều đầu tiên và được tăng cường đáng kể sau liều thứ hai”.
Đặc biệt, các nghiên cứu cũng chưa xác định vắc xin có cho phép một người không phát bệnh nhưng vẫn mang mầm bệnh và có lây lan không. Vì có nhiều khả năng cơ thể được bảo vệ khỏi virus sau tiêm chủng, các lớp niêm mạc trong đường mũi, ngoài tầm hoạt động của kháng thể, vẫn có thể chứa các hạt virus không ngừng nhân lên.
Dù những hạt virus sẽ không gây hại cho người mang mầm bệnh, chúng vẫn có thể bị tống ra ngoài qua đường mũi miệng và lây nhiễm sang người khác.