Theo Chương trình nghiên cứu Núi lửa toàn cầu của Viện Smithsonian (Mỹ), hiện nay đang có 47 ngọn núi lửa đang trong tình trạng "tiếp tục phun trào", trong đó có khoảng 20 vụ phun trào tích cực vào bất kỳ ngày nào.
Ngày 3-12-2022, Đài quan sát núi lửa Hawaii, một bộ phận của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), thông báo họ đã bổ sung các webcam cho thấy dòng dung nham phun trào trực tiếp từ khe nứt 3 trên khu vực rạn nứt phía đông bắc của núi lửa Mauna Loa.
Núi lửa Mauna Loa ở Hawaii - Ảnh: USGS |
Núi lửa Semeru của Indonesia phun trào hôm 4-12-2022, phun tro cao 1,5km vào không khí và buộc gần 2.000 người phải sơ tán.
Tại Ý, một ngọn núi lửa đã phun trào trên hòn đảo nhỏ Stromboli vào tháng 10. Núi lửa tung tro bụi lên không trung và trào dung nham xuống biển. Núi lửa Etna, một núi lửa khác đang hoạt động nằm trên đất liền Sicilia, cũng phun trào vào tháng 2 và tháng 5-2022.
Vào ngày 3-12-2022, núi lửa Sakurajima ở Kyushu, Nhật Bản đã phun trào với sét, dung nham và tro bụi phun ra ở độ cao 1,83km so với mực nước biển. Ngoài ra còn có núi lửa Suwanosejima (phun trào vào tháng 11) và núi lửa Aira (đã thải ra 700 tấn sulfur dioxide mỗi ngày kể từ ngày 21-11).
Núi lửa Villarrica, núi lửa hoạt động mạnh nhất của Chile, đã phun trào vào ngày 4-12 với hai vụ nổ và một loạt dung nham bắn ra khỏi miệng núi lửa.
Tại Nga, núi lửa Sheveluch trên bán đảo Kamchatka phun trào hôm 20-11, mỗi giờ có tới 10 tiếng nổ. Ngoài ra, ở Nga còn bốn núi lửa Alaid, Ebeko, Chikurachki và Bezymianny cũng đang hoạt động.
Các núi lửa khác hiện cũng đang phun trào ở Philippines, quần đảo Solomon, Costa Rica, Nicaragua, Ecuador, Tanzania, Peru, Tonga, Úc, Mexico, Guatemala và Ecuador, theo Chương trình Núi lửa toàn cầu của Viện Smithsonian.