Theo các nhà phân tích và các quan chức Afghanistan, chiến thắng trong cuộc chiến đó hóa ra lại là phần dễ dàng, còn việc duy trì hòa bình và quản lý đất nước nghèo đói và đầy xung đột này sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Tờ Al Jazeera xem xét 6 thách thức mà lực lượng Taliban phải đối mặt khi họ chuẩn bị lãnh đạo đất nước 38 triệu dân này lần thứ hai kể từ năm 2001.
Sự chấp nhận
Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani đã không đáp ứng được những nguyện vọng của người dân, khi mức sống của họ hầu như không được cải thiện và các dịch vụ cơ bản như y tế và giáo dục rất yếu kém. Chính phủ sa lầy vào nạn tham nhũng, trong khi tình hình an ninh vẫn bấp bênh, buộc hàng nghìn người Afghanistan phải rời bỏ đất nước.
Nhiều thủ lĩnh dân quân khét tiếng và các tay sai của chúng đã được phục chức, bất chấp hồ sơ nhân quyền và tham nhũng rất tồi tệ. Mọi người đã thất vọng và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, nhưng điều đó không có nghĩa là họ hoan nghênh sự trở lại của Taliban.
Jonathan Schroden, Giám đốc chương trình nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại bang Virginia (Mỹ), nói: “Ở nhiều vùng của Afghanistan, người dân phải đứng trước 'sự lựa chọn của Sophie' (tên một cuốn tiểu thuyết của tác giả William Styron, ở đây ý muốn ám chỉ một quyết định khó khăn mà những lựa chọn được đưa ra đều không có kết quả tốt đẹp) giữa một chế độ đàn áp của Taliban và một chính phủ bòn rút nhiều hơn những gì mà nó có thể mang lại được cho người dân".
Schroden, người đứng đầu Chương trình chống lại các mối đe doạ và thách thức, nói thêm: “Trong khi một số người Afghanistan chắc chắn ưa thích và ủng hộ mạnh mẽ bên này so với bên kia, thì vẫn có rất nhiều người bị mắc kẹt ở giữa vì không đặc biệt nhiệt tình với bên nào”.
Các lực lượng bị dàn mỏng
Trong khoảng thời gian vài tuần, Taliban đã chiếm được hầu hết thủ phủ của các tỉnh, bao gồm cả thủ đô Kabul, trong một cuộc càn quét quân sự chớp nhoáng và hầu như không bị cản trở, làm gợi lại những ký ức về việc quân đội Iraq do Mỹ huấn luyện bỏ chạy khỏi các chiến trường khi phải đối mặt với các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vào năm 2014.
Taliban đã phát động cuộc tấn công quân sự này vào tháng 5 vừa qua, khi các lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu bắt đầu rút khỏi Afghanistan theo một thỏa thuận mà lực lượng này đã ký với Mỹ vào ngày 29/2/2020 tại thủ đô Doha của Qatar.
Các lực lượng an ninh Afghanistan hoặc đầu hàng (sau khi được những người đứng đầu các bộ tộc địa phương đứng ra làm trung gian) hoặc rút lui, giúp các tay súng Taliban chiến thắng một cách dễ dàng ở một số tỉnh phía Bắc và phía Tây.
Các nhà phân tích nhận định rằng, hiện nay, với gần như toàn bộ Afghanistan đang nằm dưới sự kiểm soát của Taliban nhưng lực lượng có chưa tới 100.000 chiến binh, Taliban sẽ bị dàn mỏng.
Nhà nghiên cứu Schroden nói: “Taliban nhận thấy việc chiếm một số lượng lớn các quận là rất dễ dàng, nhưng việc giữ vững các thành phố lớn là vấn đề khác - một vấn đề đòi hỏi lượng nhân lực đáng kể”.
Một cựu bộ trưởng của Afghanistan nói với Al Jazeera rằng quận Shughnan ở tỉnh Badakhshan đang bị kiểm soát chỉ bởi "6 chiến binh Taliban", quận này là nơi sinh sống của khoảng 60.000 người. Và cũng có những trường hợp khác, trong đó chỉ một vài chiến binh cũng có thể tuyên bố kiếm soát một vùng lãnh thổ đáng kể. Điều này đã được Taliban xác nhận.
Taliban đã thông báo một lệnh ân xá chung cho các quan chức chính phủ, bởi dường như lực lượng này muốn càng nhiều người duy trì vai trò hiện tại của họ càng tốt. Trừ phi Taliban tăng cường số lượng nhân viên thực thi pháp luật, nếu không đất nước này sẽ dễ bị rơi vào bất ổn và hỗn loạn.
Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Amrullah Saleh và Ahmad Massoud - con trai của nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng Ahmad Shah Massoud - đã kêu gọi chống lại sự cai trị của Taliban.
Quản trị
Taliban giỏi một thứ, đó là chiến đấu. Họ sẽ điều hành đất nước đa dạng này thế nào với cơ sở hạ tầng hiện đại ít ỏi hiện nay? Nhà nghiên cứu Schroden nói: "Taliban vẫn chưa chứng tỏ được khả năng điều hành hiệu quả của họ. Họ đã không làm được như vậy khi cai trị Afghanistan, và họ đã không thể hiện khả năng như vậy trong các khu vực mà họ đang kiểm soát ở nước này”.
Taliban đôi khi được ghi nhận là lực lượng giỏi về duy trì an ninh - mặc dù là thông qua các biện pháp độc đoán, nhưng họ có rất ít hoặc thậm chí là không có hiểu biết gì về kỹ trị để thực hiện các chức năng khác của chính phủ.
Lực lượng này có thể sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai quản lý hiệu quả cho người dân trong nước vì chính phủ không có nhiều nguồn thu để chi cho các dịch vụ công cộng, và đây là bản chất của các vấn đề hiện nay.
Omar Samad, thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương, phát biểu: "Có những vấn đề liên quan tới việc giữ lại đủ nhân lực, bộ máy quan liêu và công chức để điều hành công việc của chính phủ. Với một làn sóng di cư, vấn đề hiện nay có thể là không có đủ số các chuyên gia và những người có kỹ năng kỹ trị để điều hành các thể chế nhà nước”.
Liên quan tới việc thành lập chính phủ mới, trong cuộc phỏng vấn chính thức đầu tiên của Taliban kể từ khi lực lượng này nắm quyền kiểm soát Kabul một tuần trước, Abdul Qahar Balkhi - thành viên của Ủy ban Văn hóa của lực lượng Taliban - đã nói với Al Jazeera rằng các cuộc tham vấn đang diễn ra, và tất nhiên một chính phủ mới ở Afghanistan sẽ là một chính phủ có tính bao trùm.
Kiểm soát các lực lượng
Cuộc chiến chống lại sự chiếm đóng của nước ngoài đã thống nhất hàng ngũ của Taliban. Giờ đây, khi những chiến binh trở thành thống đốc hay thị trưởng và có quyền tiếp cận các nguồn thu nhập và quyền lực, liệu họ có đi theo con đường của các chính phủ trước đây và cuối cùng bị buộc tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực hay không?
Schroden nói: “Đây sẽ là một vấn đề thú vị để theo dõi. Taliban đã phải vật lộn với điều này sau khi Liên Xô rút quân, khi lực lượng này không còn lời hô hào thống nhất là đánh bại những người cộng sản vô thần và quay lại chĩa vũ khí vào nhau". (Schroden đang nói tới cuộc chiến chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô vào những năm 1980).
Ông nói thêm: “Taliban nhận thức được nguy cơ này và đã dành hơn 7 năm qua để cải thiện các mối liên kết theo chiều dọc và chiều ngang trong nội bộ để tăng cường sự gắn kết. Những nỗ lực đó sẽ ngăn cản các chiến binh Taliban quyết định ngừng chiến ở mức độ nào khi tiếng hò hét của những kẻ xâm lược nước ngoài không còn nữa, đó vẫn là điều cần xem xét".
Quá khứ
Thời kỳ cầm quyền cuối cùng của Taliban, từ năm 1996-2001, đã để lại tiếng xấu vì ngược đãi các sắc tộc thiểu số và hạn chế các quyền của phụ nữ, trong khi đất nước bị cô lập trên trường quốc tế.
Kể từ khi giành lại quyền lực vào ngày 15/8, các quan điểm của Taliban bao gồm tôn trọng vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực công, tôn trọng nhân quyền và quyền của người thiểu số. Tuy nhiên, toàn thế giới và quan trọng hơn là người Afghanistan đang chờ xem những lời nói đó có biến thành hành động hay không.
Mỹ xâm lược Afghanistan vào năm 2001 vì mối liên hệ giữa nước này với Al-Qaeda, tổ chức bị cáo buộc đã gây ra vụ tấn công 11/9, và Taliban sẽ bị theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng lực lượng này giữ lời hứa không cung cấp nơi trú ẩn cho các nhóm vũ trang như Al -Qaeda và IS.
Samad, cựu nhà ngoại giao và cố vấn cho chính phủ Afghanistan, nói với Al Jazeera: "Taliban phải đối mặt với một thách thức to lớn để đảm bảo một mức độ chấp nhận được về các chính sách nhân quyền và quyền phụ nữ, luật truyền thông và xã hội dân sự, quyền của các sắc tộc và dân tộc thiểu số. Ngoài ra, cần cắt đứt một cách rõ ràng mối quan hệ với các nhóm chiến binh và khủng bố. Thời gian sẽ trả lời tất cả nếu họ rút ra được bất kỳ bài nào trong số những bài học kể trên".
Khi được hỏi về vấn đề quyền phụ nữ, Balkhi - thành viên của Ủy ban Văn hóa của lực lượng Taliban - trong cuộc phỏng vấn với Al Jazeera đã phát biểu: "Điểm chính của các cuộc đàm phán trong nội bộ Afghanistan chính là việc chúng tôi sẽ đi đến một thỏa thuận về những quyền đó thực sự đòi hỏi những gì".
Nền kinh tế và sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài
Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới và hơn 20% tổng thu nhập của nước này đến từ viện trợ nước ngoài.
Mỹ đã đóng băng 9,5 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản quyền lực, còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đình chỉ quyền tiếp cận các quỹ của Afghanistan.
Nhiều nhà tài trợ phương Tây khác có thể sẽ làm theo, gây khó khăn cho chính phủ mới trong việc điều hành nền kinh tế ở một quốc gia nơi 75% chi tiêu công đến từ các khoản viện trợ không hoàn lại.
Nguồn khoảng sản đáng kể của Afghanistan vẫn còn nằm dưới lòng đất vì tình trạng bất ổn đã ngăn cản các hoạt động thăm dò lớn và đầu tư quốc tế. Mặc dù Taliban đã thảo luận với Nga và Trung Quốc về các dự án hợp tác kinh tế có thể có trong lương lai, nhưng vẫn phải xem điều đó sẽ được thực hiện như thế nào.
Taliban cũng sẽ cần các cơ quan nhân đạo cung cấp viện trợ khẩn cấp cho những người Afghanistan phải di tản do chiến tranh. Ước tính có hơn 5 triệu người Afghanistan phải đi sơ tán ở trong nước. Tuy nhiên, với việc các cơ quan viện trợ, trong đó bao gồm cả LHQ, đưa các nhân viên của họ ra khỏi Afghanistan, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn đối với những người phải phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
Để "mở khóa" nguồn tài trợ quốc tế, sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với một chính phủ của Taliban sẽ là chìa khóa quan trọng, vì lực lượng này vẫn đang nằm trong danh sách đen của LHQ.
Tuy nhiên, Jonah Blank - một giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore - nhận định: “Tiền không thực sự là một công cụ mạnh mẽ như một số người bên ngoài vẫn nghĩ. Chừng nào Taliban có đủ kinh phí để thực hiện các 'nhiệm vụ' cơ bản của mình thì tôi nghĩ rằng họ sẽ không thực sự quan tâm đến việc có thêm một hoặc hai tỷ bổ sung vào kho bạc".
(Nguồn: TTXVN)