• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

93 người ngộ độc sau khi ăn đám cưới

Theo thông tin Sở Y tế tỉnh Lai Châu, 93 người huyện Sìn Hồ phải cấp cứu do ngộ độc sau khi ăn...

Gia đình ông Lù A Vàng tại bản Háng Lìa 1, xã Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ, tổ chức đám cưới cho con gái vào ngày 14/3, tổng số 420 khách.

Đám cưới có 70 mâm cỗ gồm 11 món, trong đó các món mua ở ngoài là trứng chim cút luộc, nước uống Fanta, Sting (loại chai nhựa 1,5 lít) và quýt ngọt. Các món ăn còn lại được chế biến từ nông sản của gia đình sản xuất như lợn, gà, khoai tây, rượu trắng...

Theo Vnexpress, sau khi ăn khoảng một giờ, chị Sùng Thị Sình, khách tham gia tiệc, là người đầu tiên buồn nôn và nôn ra nhiều thức ăn. Sau đó, lần lượt thêm 92 người khác cùng xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy. 

i1-suckhoe-vnecdn-net_159920235-187830252854296-2763-2641-4480-1615888755(1).jpg
Bác sĩ cấp cứu cho các bệnh nhân đêm 14/3. Ảnh: Việt Bắc

Sở Y tế chỉ đạo điều động 4 bác sĩ, 10 điều dưỡng, một xe cứu thương mang theo thuốc và dịch truyền, thuộc Trung tâm Y tế huyện, đến bản Háng Lìa để cấp cứu, phân loại và điều trị tại chỗ. Một số người bị ngộ độc nặng sau đó được đưa lên Trung tâm y tế huyện cấp cứu.

Đến chiều 16/3, tất cả 93 bệnh nhân sức khỏe ổn định, về nhà.

Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm đang phối hợp kiểm tra để làm rõ. Cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân nhân ban đầu có thể do người dân ăn các món thịt gà luộc, thịt lợn áp chảo không bảo đảm vệ sinh trong quá trình chế biến.

Sở Y tế Lai Châu khuyến cáo người dân tổ chức các lễ hội, đám cưới, ma chay cần lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thực phẩm trôi nổi.

Đặc biệt, hiện trong giai đoạn thời tiết giao mùa, các vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn đường tiêu hóa, phát triển mạnh, cần lưu ý khâu chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?

Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không.. đôi khi có kèm theo hoặc không có các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở chóng mặt. Xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí 1 ngày sau khi ăn.

Trường hợp nặng, người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê. Do vậy, việc sơ cứu nên được tiến hành sớm ngay khi thấy các biểu hiện trên.

Nếu ngộ độc thực phẩm xảy ra trong vòng trước 46 giờ thì lúc đó thức ăn vẫn còn trong dạ dày người bệnh. Vì vậy, nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần kích thích cho bệnh nhân càng ói nhiều càng tốt để tống hết thức ăn ngộ độc ra ngoài và có thể kích thích bằng cách ngoáy nhẹ họng hay cho uống nước muối loãng.

Không nên gây nôn đối với người bị hôn mê hoặc trẻ nhỏ vì dễ bị hít sặc thức ăn và làm tắc đường thở. Trong trường hợp này, cần cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên để tránh bị hít sặc.

Trường hợp nhẹ (chỉ nôn ói, tiêu chảy…) có thể điều trị tại nhà bằng cách bù nước bằng dung dịch điện giải (oresol), cho uống than hoạt tính từ 5-10g (nếu có) để hấp thụ chất độc.

Ngưng việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc nhưng không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy vì làm chậm việc đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể. Đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi, nếu dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy hay xảy ra hội chứng lồng ruột hay liệt ruột rất nguy hiểm.

Nếu tình trạng bệnh nặng, phải chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.

HẢI MY

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật