Đây là ngày thứ 2 Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới vượt 300.000 ca/ngày, sau chuỗi 8 ngày liên tiếp có số ca nhiễm mới trên 200.000 ca/ngày. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp số ca tử vong vượt 2.000 ca/ngày.
Trong bài phát biểu phát sóng trên toàn quốc tối 20/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố Ấn Độ "một lần nữa chiến đấu trong một trận chiến lớn". Ông nêu rõ: "Tình hình (dịch bệnh) nằm trong tầm kiểm soát cho tới một vài tuần trước và sau đó làn sóng dịch bệnh thứ hai ào đến như một cơn bão".
Thực trạng này làm gia tăng áp lực vốn đã nặng nề đối với hệ thống y tế của Ấn Độ hiện đang trong tình trạng thiếu thốn vật tư y tế nghiêm trọng, đặc biệt là thiết bị cung cấp oxy cho các ca bệnh nặng.
Theo giới chức thành phố Nashik, cách thành phố Mumbai lớn nhất của Ấn Độ 167 km, số ca tử vong do thiếu thiết bị cung cấp oxy sau vụ rò rỉ khí oxy trong một bể chứa đã lên tới 29 người. Hiện giới chức Ấn Độ đã mở cuộc điều tra sự cố này. Trong khi đó, thủ đô New Delhi đã cảnh báo nhiều bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ tử vong nếu các nguồn cung oxy tại các bệnh viện không được bảo đảm.
Giới chuyên gia y tế đang đặc biệt quan ngại về tình hình dịch bệnh COVID-19 và chưa thể xác định nguyên nhân số ca nhiễm mới tại Ấn Độ tăng đột biến trong thời gian gần đây do sự xuất hiện biến thể kép của SARS-CoV-2 hay thói quen sinh hoạt của người dân, đặc biệt trong các dịp lễ hội tập trung đông người thời gian gần đây.
Trước tình hình dịch bùng phát mạnh tại Ấn Độ, một số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới gần đây đã công bố các quy định chặt chẽ hơn đối với việc đi lại từ quốc gia Nam Á này.
Hôm 19/4, Mỹ và Anh đã đưa ra các hạn chế đi lại đối với Ấn Độ, trong đó Mỹ khuyến cáo du khách không nên đến nước này ngay cả khi họ đã được tiêm phòng đầy đủ.
Vùng lãnh thổ Hong Kong (Trung Quốc) đã cấm các chuyến bay chở khách từ Ấn Độ trong hai tuần kể từ ngày 19/4. New Zealand đã đình chỉ đi lại với Ấn Độ, kể cả đối với công dân của mình, từ ngày 11-28/4.
Ngày 22/4, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã quyết định đình chỉ mọi chuyến bay từ Ấn Độ.
Hành lang hàng không giữa Ấn Độ và UAE là một trong những tuyến đường đông đúc nhất thế giới, ước tính khoảng 300 chuyến bay/tuần.
'Bước đường cùng' bên trong cuộc chiến giành oxy tại bệnh viện Ấn Độ
Theo tờ India Today, trong hai tối 19-20/4, người thân của các bệnh nhân mắc COVID-19 đã lấy cắp bình oxy tại kho dự trữ của bệnh viện quận Damoh bang Madhya Pradesh miền Trung Ấn Độ. Bệnh viện đã báo sự việc cho cảnh sát song chưa có vụ bắt giữ nào được tiến hành.
“Với tình hình như vậy, ngày càng khó khăn cho đội ngũ y bác sĩ làm nhiệm vụ”, bác sĩ Mamta Timoti làm việc tại bệnh viện cho hay. Nhiều khu vực của Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy trầm trọng trong bối cảnh đất nước này phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai thảm khốc.
Các bệnh viện đều hết giường điều trị và báo cáo tình trạng thiếu hụt lớn vật tư y tế. Trong 7 ngày liên tiếp, Ấn Độ ghi nhận trên 220.000 ca mắc mới mỗi ngày. Đây là tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Các bệnh viện đều hết giường điều trị và báo cáo tình trạng thiếu hụt lớn vật tư y tế. Trong 7 ngày liên tiếp, Ấn Độ ghi nhận trên 220.000 ca mắc mới mỗi ngày. Đây là tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Tính đến hết ngày 23/4, Ấn Độ đã ghi nhận trên 15,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 182.533 trường hợp tử vong.
Theo Cơ quan Theo dõi Vaccine của Bloomberg, cho đến nay, Ấn Độ mới chỉ phân phối tới người dân khoảng 132 triệu liều vaccine, có nghĩa là chỉ có khoảng 1,4% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Các chuyên gia nhận định số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số chính thức được đưa ra do có những thi thể còn lưu trữ tại lò hỏa táng hay có những người tử vong tại nhà trước khi đưa đến bệnh viện xét nghiệm COVID-19.
Kanwal Jeet Singh, người dân tại tại bang đông dân nhất Ấn Độ Uttar Pradesh, cho biết cha anh đã qua đời ngay trên xe cấp cứu sau khi đi 4 bệnh viện song không bệnh viện nào tiếp nhận vì thiếu giường.
Một số bệnh viện cũng buộc phải cho bệnh nhân về nhà hoặc chuyển sang bệnh viện lớn hơn với cơ sở y tế đầy đủ hơn do thiếu oxy. Kulwinder Singh - Giám đốc y tế tại bệnh viện Shanti Mukund – cho hay họ đang yêu cầu gia đình của 85 bệnh nhân có nhu cầu oxy cao cân nhắc một kế hoạch khác do bệnh viện chỉ còn đúng lượng oxy để cung cấp cho bệnh nhân trong 2 giờ.
Tình trạng thiếu oxy đã dẫn đến những động thái tuyệt vọng không chỉ của dân thường mà còn của các quan chức chính phủ.
The Times of India đưa tin ngày 21/4, một quan chức cấp cao của bang Haryana, miền Bắc Ấn Độ cho biết một xe chở oxy trên đường đến các bệnh viện ở thành phố lớn nhất bang đã bị các quan chức chính phủ ở Delhi "cướp phá".
Người đứng đầu Sở Y tế và Nội vụ Haryana Anil Vij bức xúc: “Nếu mà các quan chức chính phủ còn như thế thì điều này sẽ dẫn đến tình cảnh hỗn loạn”.
Sự việc đã khiến cho giới chức bang này ra quy định tất cả các xe chở bình dưỡng khí của bang khi di chuyển phải có cảnh sát hộ tống.
Đứng trước nhu cầu về oxy tăng cao từ các bệnh viện, dưới sự kêu gọi của chính phủ, các nhà sản xuất kim loại của Ấn Độ đã chuyển oxy cấp công nghiệp cho chính quyền các bang.
Công ty Anil Agarwal chuyên cung cấp oxy cho các nhà máy sản xuất kẽm và thép đã khởi động cơ sở oxy tại khu liên hợp Tamil Nadu.
Nhà máy được cho là có thể cung cấp 1.000 tấn oxy mỗi ngày. Các nhà máy thép của Ấn Độ, bao gồm Tata Steel, JSW Steel và Jindal Steel cũng đang chuyển oxy công nghiệp dự trữ sang sử dụng cho mục đích y tế khi nhu cầu leo thang.