Khoảnh khắc cuối cùng của Floyd đã được quay lại từ điện thoại của một người đi đường. Người đàn ông da đen xấu số liên tục cầu xin. Lời nói cuối cùng của anh ta, “Tôi không thể thở được”, đã biến thành những cuộc biểu tình bạo loạn trên khắp các thành phố ở nước Mỹ.
Trên thực tế, những vụ việc như vậy trước đây đã xảy ra rất nhiều lần ở Mỹ nhưng vẫn không làm giảm bớt nỗi kinh hoàng của tội ác này cũng như giảm nhẹ các hành động tàn bạo của cảnh sát. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Tất cả 4 sỹ quan cảnh sát liên quan đến vụ việc bị sa thải là việc làm đúng đắn.
Một đài tưởng niệm vinh danh George Floyd ở Minneapolis, Minnesota, vào ngày 1/6. Ảnh: Reuters |
Viên cảnh sát tì đầu ngối vào cổ của Floyd khi tay anh này bị còng đã bị buộc tội giết người. Cơn thịnh nộ lan rộng trước vụ việc này không phải là chưa từng có. Những vụ việc tương tự liên quan đến cảnh sát sát hại những người da đen phải kể đến là Michael Brown ở Ferguson thuộc bang Missouri và Eric Garner ở thành phố New York, cả hai vụ đều xảy ra vào năm 2014.
Gần 30 năm trước, bạo loạn ở Los Angeles bắt nguồn từ việc cảnh sát đánh đập Rodney King khiến 63 người biểu tình thiệt mạng. Vụ việc mới nhất lần này đem đến cảm giác nguy hiểm khác biệt, vì ba lí do.
Thứ nhất, các lực lượng cảnh sát Mỹ ngày càng được quân sự hóa đã không chịu rút ra những bài học từ quá khứ, bất chấp những chiến dịch vận động của các nhóm như Black Lives Matter (tạm dịch: Mạng người da đen cũng đáng giá) và những đóng góp nổi bật của người da đen trong đời sống xã hội. Đây là một cuộc biểu tình đa chủng tộc đại diện cho những gì là tốt nhất ở nước Mỹ trong bối cảnh người Mỹ gốc Phi chiếm 12% dân số Mỹ.
Theo dữ liệu từ năm 2015-2019, họ chiếm 26,4% số người bị cảnh sát giết trong mọi hoàn cảnh. Nói cách khác, người da đen có khả năng bị cảnh sát giết cao gấp ba lần so với người da trắng vốn chiếm 61% dân số. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng sự thất bại có hệ thống trong việc điều chỉnh thực tế này lại trở thành vấn đề nghiêm trọng.
Yếu tố nghiêm trọng thứ hai chính là Donald Trump và cách suy nghĩ ấu trĩ về người da trắng là thượng đẳng mà ông là hiện thân. Di sản tệ hại này có nguồn gốc sâu xa trong một hiến pháp đầu tiên ủng hộ nô lệ, những câu chuyện hoang đường đẫm máu về hình thành liên bang, chủ nghĩa Bắc Âu cuối thế kỷ 19, thuyết ưu sinh, chính sách ưu đãi dân bản xứ hơn người nhập cư và hiện nay là khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”.
Người biểu tình ở thành phố Minneapolis. Ảnh: AP |
Khi Trump tweets một cách đầy hăm dọa về “cướp bóc và bắn giết”, như ông ta đã làm hồi tuần trước, hay chễ giếu “các nước có nhiều khu nhà ổ chuột” ở châu Phi, mong muốn những người nhập cư từ Na Uy và miêu tả những người theo chủ nghĩa phát xít mới ở Charlottesville (thị trấn miền trung Virginia) là những “người rất tốt”, ông ta đã có một tư duy ấu trĩ coi người da trắng là thượng đẳng, còn người da đen là thấp kém.
Hành vi của Trump bị coi là vô trách nhiệm và dễ bị tiêm nhiễm. Trong khi các thị trưởng từ Minneapolis cho tới Atlanta và Portland cố gắng duy trì trật tự, ngăn chặn những kẻ lợi dụng bi kịch của Floyd để cướp bóc và đốt phá, Trump lại tỏ ra lo lắng cho những cử tri da trắng của mình. Giờ đây, ông có thể “hôn tạm biệt” cử tri da đen trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Nhiều nhóm cử tri khác, bao gồm các cộng đồng châu Á và Mỹ Latinh, cũng có thể bị xa lánh. Những người biểu tình, hầu hết trong số họ hành động hợp pháp, xuất thân từ các chủng tộc và sắc tộc khác nhau, bao gồm cả người da trắng. Sự bùng nổ cơn giận dữ cũng là một sự phản ứng trước những căng thẳng xã hội do đại dịch COVID-19, lý do thứ ba giải thích tại sao chương mới trong các cuộc xung đột sắc tộc không ngừng ở Mỹ rất khác biệt.
Tác động không cân xứng của virus đối với người da đen, cả về tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong, đã làm cho sự bất bình đẳng vốn gặm nhấm xã hội Mỹ trở nên nghiêm trọng. Những cuộc biểu tình cuối cùng sẽ chấm dứt. Nhưng sự bất công, cố chấp và bất ổn xã hội thì không, cho dù tất cả người Mỹ muốn điều đó.
(Nguồn: TTXVN/theguardian)