• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bakhtin: Kẻ đạo văn thế kỷ?

Mikhail Bakhtin là nhà nhà phê bình Nga lớn nhất thế kỷ 20. Ông cũng là đề tài gây tranh cãi liên...

Ở lĩnh vực nghiên cứu văn họa và mỹ học, Bakhtin được biết đến nhiều nhất trong giới nghiên cứu về sau là hai tác phẩm “Sáng tác của François Rabelais và nền văn hóa dân gian thời Trung cổ - Phục hưng” và “Thi pháp tiểu thuyết Dostoevski”.

Đặc biệt, với những công trình kiệt xuất được xuất bản vào những năm 1920, đặc biệt là “Học thuyết Freud”, “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” và “Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ” đã làm nên tên tuổi của Bakhtin ở lĩnh vực triết học và ngôn ngữ.

Những tác phẩm này không được đứng tên Bahktin mà xuất bản dưới những cái tên  khác. “Học thuyết Freud”. Học thuyết Freud” và “Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ” đứng tên V.N.Voloshinov, “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” đứng tên P.N. Medvedev. Đây là hai người bạn, hai nhà nghiên cứu và cùng hoạt động trong nhóm với Bahktin. Voloshinov đã chết năm 1936 còn P.N.Medvedev bị  Stalin xử tử năm 1938. Tuy đứng tên hai tác giả này nhưng theo Bakhtin, trong các   cuộc nói chuyện có ghi âm với Duvakin và các học trò của ông thì đó cơ bản là của Bakhtin. Với những tác phẩm này, Bakhtin đã trở thành một nhà tư tưởng lớn của khoa học nhân văn thế kỷ 20.

Cuộc đời Bakhtin không mấy may mắn và thuận lợi khi cả đời gắn với chiếc xe lăn do bệnh bại liệt và số phận những tác phẩm của ông cũng chịu những thăng trầm do định kiến chính trị và nhận thức thời đại. Tên tuổi Bakhtin hoàn toàn bị quên lãng ở Liên Xô cho đến tận cuối năm 1963, từ một bức thư ngỏ thống thiết của một nhóm nhà văn và nhà khoa học có tên tuổi, công trình của ông về Dostoevski được tái bản và sau đó hai năm, sáng tác của François Rabelais với văn hóa dân gian Trung đại và Phục hưng ra mắt độc giả.

Mikhail Bakhtin
Mikhail Bakhtin

Ngay sau sự trở lại của những tác phẩm này, tên tuổi Bakhtin mau chóng trở nên lừng lẫy, không chỉ ở Liên Xô mà cả trên thế giới. Có thể nói rằng, đây là những tác phẩm với tư tưởng vượt quá xa thời đại, và những người theo chủ nghĩa Marxist giáo điều hồi đầu những năm 1930 phê phán dữ dội. Chính vì lẽ đó, suốt mấy chục năm, những cuốn sách này bị chìm vào quên lãng. Cho đến tận những năm 1960, khi những tác phẩm này được dịch tại các nước phương Tây, nó mới được chú ý và ngay lập tức trở thành một hiện tượng có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn đối với khoa học nhân văn trên thế giới.

Rất nhiều nhà khoa học xã hội nhân văn đã coi Bakhtin và những tác phẩm của ông là bậc thầy và chịu nhiều ảnh hưởng của tên tuổi này. Cả thế giới tôn sùng Bakhtin và ngợi ca những tác phẩm cũng như tên tuổi của ông.

Một thời gian dài, Bakhtin sừng sững như một tượng đài, được cả nhân loại coi là một tác giả vĩ đại nhất trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, các khoa học nhân văn và triết học. Dường như không gì có thể làm lu mờ vị trí và tên tuổi của Bakhtin. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, tên tuổi của Bakhtin càng được khẳng định ở vị trí hàng đầu.

Tuy nhiên, rất nhiều học giả sau này đã dành thời gian nghiên cứu những tác phẩm của Bakhtin và nhiều ý kiến cho rằng, những công trình làm nên tên tuổi của ông  chẳng qua là đạo văn, đạo ý tưởng của những người khác. Cụ thể, các học giả đã chỉ ra rằng trong cuốn sách về Rabelais cũng như những tác phẩm khác, Bakhtin thường xuyên đạo văn của Scheler, Lukas, Spitzer, Cassirer, Broder Christiansen... và nhiều nhất là đạo ý tưởng của Voloshinov và Medvedev.

 Một tác phẩm của Bakhtin.
 Một tác phẩm của Bakhtin.

Con trai của P.N. Medvedev là Iu.P. Medvedev cũng từng cáo buộc những người thừa kế bản quyền tác giả của Bakhtin là S.G. Bocharov và Kozinov, rằng họ đã chiếm đoạt các quyền của Voloshinov và Medvedev.

Trong hàng chục năm, những tác phẩm của Bahktin đã trở thành chủ đề của biết bao nhiêu khảo sát, giả định và bút chiến nhưng vẫn không hề làm suy suyển vinh quang  của tác giả này.

Năm 2011, Jean-Paul Bronckart và Cristian Bota - hai nhà nghiên cứu của Trường Đại học Tổng hợp Geneve, Thụy Sĩ xuất bản cuốn chuyên khảo đồ sộ dày 630 trang có tên “Lột mặt nạ Bakhtin. Câu chuyện về một kẻ lừa dối, một chuyên  bịp bợm và một cơn mê sảng tập thể”. Mục đích của cuốn sách này là tước bỏ những di sản của Bahktin.

 Với 12 chương, chia làm hai phần, chuyên khảo này đưa ra những lập luận để từ đó đi đến kết luận, các công trình mang tên Boloshinov và Medvedev không có dính dáng gì đến Bakhtin. Không những thế, bản thảo đầu tiên của cuốn sách về Dostoievski (1929) cũng chủ yếu do Voloshinov viết, và có thể, với sự trợ giúp của Medvedev.

Trong phần đầu tiên, “Những yêu tố lịch sử Bahktin”, các tác giả nói đến những sai lầm, giả mạo hoặc lừa đảo trong suốt ba, bốn thập niên dẫn đến những tác phẩm ký tên những tác giả nổi tiếng trở thành khuyết danh và từ đó Bahktin tự nhận hoặc  được coi là tác giả duy nhất.

Phần thứ hai của cuốn sách của Bronckart và Bota đã đưa ra những các tác phẩm của Bakhtin, Voloshinov và Medvedev. Mỗi văn bản được kiểm tra theo kiểu tuyến tính “nói chung và trong sự gắn kết chung”. Khác xa với sự chắp vá của các trích đoạn mà Todorov đã tập hợp lại, đây là một nghiên cứu về các tác phẩm của Bakhtin một cách tổng thể về quan niệm về ngôn ngữ và tác phẩm ngôn từ. Khảo sát cho thấy quan niệm về ngôn ngữ và triết học trong Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ của Voloshinov và “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” của Medvedev, đều in trước cuốn sách của Bakhtin, còn các công trình khác của Medvedev và Voloshinov thì “nằm trên một bình diện khác và không phản ánh quan niệm chung”, và ông “hoàn toàn không tham gia vào quá trình viết nên chúng”.

Cuốn sách của Jean-Paul Bronckart và Cristian Bota.
Cuốn sách của Jean-Paul Bronckart và Cristian Bota.

 Ngược lại, những tác phẩm ký tên Bahktin trong thời kỳ đó như: “Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong tác phẩm văn chương” (đã được chấp nhận đăng trên năm 1924 nhưng tạp chí bị đình bản) hay “Tiến tới một triết học về hành vi” và “Tác giả và nhân vật” (hai công trình này chưa hoàn thiện), cho thấy quan điểm của Bakhtin hoàn toàn khác: Sùng đạo, Slavophile (đề cao văn hóa Slav) và có quan niệm độc thoại về ngôn ngữ và văn chương, khác hẳn quan điểm duy vật biện chứng và đối thoại về văn hóa xuyên suốt các tác phẩm “tranh cãi” ký tên Voloshinov và Medvedev.

Từ những tư liệu khảo sát, hai tác giả này cho rằng, Bahktin là một người có trí tuệ  tầm thường, và năm 1960 bằng cách đạo văn hoặc dối trá đã chiếm đoạt những tác phẩm của hai nhà phê bình lý luận và nhà ký thuyết về diễn ngôn và văn học, cũng là hai người bạn của ông xuất bản từ những năm 1920. Hai người bạn ấy, một người là nhà Marxist - Valentin Volochinov (1895 -1936), tác giả cuốn sách “Học thuyết Freud” (1925) và cuốn “Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ”. Một người nữa là một nhà hình thức chủ nghĩa - Pavel Medvedev (1892 - 1938), bị xử tử trong cuộc Đại Thanh trừng, là tác giả cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” (1928).

Một sự thật được hai tác giả đưa ra là, không phải Bakhtin chia sẻ tác phẩm của mình cho bạn bè, mà ngược lại, họ đã chia sẻ tác phẩm của họ cho Bakhtin. Huyền thoại “tất cả bản quyền thuộc về Bakhtin” (“Fomni-paternitebakhtinienne”) là “bịa đặt và được dựng đứng vào những năm 1960 sau khi các tác giả đích thực của “các văn bản còn tranh cãi” đã qua đời được nhiều năm.

Cuốn chuyên khảo chỉ ra rằng, Bahktin có thể biến những tác phẩm của hai người  bạn là do ông đã bịa ra lý lịch của một nhà nghiên cứu tài ba với quá trình học đại  học và quá trình nghiên cứu dày đặc, trong khi ông chưa từng học địa học. Mặt  khác, để biến những tác phẩm của Valentin Volochinov và Pavel Medvedev thành những tác phẩm của mình bằng trò bịp bợm, Bahktin đã đã được sự ủng hộ của  nhiều nhà nghiên cứu ở nhiều nước khác nhau khi họ cùng nhau hợp lí hoá huyền thoại “đồng tác giả của Bakhtin” và thế là thực sự sa vào cơn điên rồ tập thể.

Cuốn sách của hai nhà nghiên cứu giống như một gáo nước lạnh dội vào giới nghiên cứu, cả những người tôn sùng lẫn những người chống lại Bahktin. Ngay sau khi cuốn sách ra đời, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra.

Những người trước giờ vốn không công nhận những công trình có tầm ảnh hưởng mà Bahktin từ trước tới giờ được coi là tác giả được phen hả hê khi phủ nhận được tên tuổi này. Ngược lại, những người vốn tôn sùng và dành nhiều nghiên cứu về Bahktin cho rằng những nghiên cứu và kết luận trong cuốn chuyên khảo là sai lầm. Tác giả S.Zenkin trong bài viết “Những kẻ lột mặt nạ thiếu hiểu biết” cho rằng, J.-P Bronckart và C. Bota, tất cả những tư liệu họ sử dụng không có gì mới. “Họ không tìm thấy bất kì một chứng cớ hay văn bản nào đó chưa ai biết, không  khảo sát các tài liệu vẫn chưa có ai nghiên cứu”. Tác giả này cho rằng, chính hai nhà nghiên cứu này đã đồng loã với “cơn điên rồ tập thể”.

S.Zenkin còn chỉ ra rằng cả J.-P. Bronkar và C. Bota đã hoàn toàn bỏ qua bối cảnh lịch sử, tiểu sử và thể chế của thời đại lúc Bakhtin và các bạn ông đã nói và viết. Đây  là một sai lầm nghiêm trọng dẫn đến những kết luận thiếu xác đáng và thiếu tính thuyết phục.

Bakhtin thật sự là một kẻ đạo văn? Những tác phẩm làm nên một tượng đài của khoa    học xã hội nhân văn thế giới có thật sự là Bakhtin hay là những tác phẩm chiếm đoạt  của Voloshinov và Medvedev? Có lẽ “vụ đạo văn thế kỷ” này vẫn cần được các nhà  nghiên cứu trên khắp thế giới dành nhiều thời gian và tâm sức để tìm ra sự thật.

Phạm Ngọc

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật