Nhiều ngày qua, tin tức về dịch bệnh nghiêm trọng tại Ấn Độ được cập nhật thường xuyên trên báo chí, không tránh khỏi có thông tin chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Hình ảnh những người dân Ấn Độ đeo khẩu trang lá cây làm dấy lên dư luận tại Việt Nam về việc Ấn Độ thiếu khẩu trang nghiêm trọng, người dân phải dùng lá cây để bảo vệ bản thân.
Trong khi đó, tin tức và hình ảnh này đã xuất hiện trên trang tin Indian Express của Ấn Độ từ tháng 3.2020, đưa tin về bộ tộc thiểu số Mulugu ở Telangana, một bang thuộc miền Nam Ấn. Người dân nơi này sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền về dịch bệnh đã dùng lá cây gỗ tếch (teak tree) - một loại thảo dược thiêng trong truyền thống của họ để làm khẩu trang, vừa phòng tránh dịch bệnh, vừa cầu mong thần linh phù hộ.
Hình chụp tin về người Mulugu ở Telangana, Ấn Độ đeo khẩu trang lá đăng trên Indian Express vào tháng 3.2020 |
Làn sóng Covid 19 thứ hai vẫn hoành hành dữ dội ở vùng Nam Á. Ấn Độ đã và đang nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế qua việc gửi máy thở, máy tạo oxy, bình oxy, thiết bị y tế, đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay... Và một vấn đề được đặt ra là nhu cầu băng vệ sinh cho phụ nữ, trẻ em gái nghèo nhiễm dịch bệnh vào lúc này.
Ở Ấn Độ, ca bệnh được chia làm 2 nhóm: điều trị tại nhà với những trường hợp nhẹ và đưa tới bệnh viện điều trị với những trường hợp nặng. Rất nhiều phụ nữ đến kì kinh nguyệt gặp khó khăn khi bản thân họ không thể tự đi mua băng vệ sinh, cũng không thể nhờ người khác đi mua giúp họ. Vệ sinh phụ nữ là một đề tài nhạy cảm, thường bị né tránh, đặc biệt là đối với phụ nữ nông thôn. Theo thống kê tại Ấn Độ vào năm 2019 khi dịch bệnh còn chưa diễn ra, chỉ có 48,2% phụ nữ nông thôn Ấn Độ sử dụng băng vệ sinh. Số còn lại vẫn dùng vải để thấm khi đến kì và tình trạng thiếu nước sạch, thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức vệ sinh cá nhân... là nguyên nhân gây nên nhiều loại bệnh tật ở các làng quê nghèo. Sự mất vệ sinh vào kì kinh nguyệt cũng là trở ngại tâm lý và con số 23% trẻ em gái bỏ học khi đến tuổi kinh nguyệt vì lí do không vệ sinh sạch sẽ và không có tài chính để mua băng vệ sinh thật đáng báo động tại quốc gia có dân số xếp thứ 2 thế giới.
Một ngôi đền tại bang Uttarakhand, nơi trẻ em gái phải nghỉ học khi đến kì kinh nguyệt, còn người dân tin rằng phụ nữ vào kì kinh nguyệt đi ngang qua sẽ xúc phạm đến thần linh trong đền (The Times of India) |
Người phụ nữ tộc người thiểu số khi đến kì kinh nguyệt phải dùng vải lót làm từ lá cây Madhuca (họ Hồng xiêm) và sống trong túp lều đắp bằng đất không có cửa sổ, không có điện ở bang Maharashtra (The Times of India) |
Chính phủ Ấn Độ đã có những cuộc điều tra, đánh giá nghiêm túc và đưa ra giải pháp là hạ giá băng vệ sinh tại vùng nông thôn, nơi mà những phụ nữ có Thẻ Khẩu phần (Ration Card) có thể mua băng vệ sinh với giá 1 rupee tương đương với 330 đồng Việt Nam tại hệ thống cửa hàng của "Jan Aushadhi" - chiến dịch của Chính phủ Ấn Độ nhằm cung cấp các mặt hàng dược phẩm, thuốc men với giá phải chăng cho công chúng.
Nhưng đối với không ít phụ nữ, trẻ em gái nghèo Ấn Độ, những người sống phụ thuộc vào thu nhập ít ỏi từ người chồng, người cha làm thuê trên thành phố gửi về, chi phí mua băng vệ sinh hàng tháng dường như vẫn là cao. Mỗi kì kinh nguyệt, 1 phụ nữ cần dùng ít nhất 10 chiếc băng vệ sinh. Không phải ai cũng có thể đến mua băng vệ sinh giá 1 rupee tại cửa hàng cung cấp mặt hàng y tế của Chính phủ. Giá băng vệ sinh bình thường dao động trong khoảng 3 - 5 rupees (1.000 - 1.600 đồng Việt Nam). Cùng mức giá đó, theo Đạo luật An ninh lương thực Quốc gia, người nghèo có Ration Card (thẻ khẩu phần) mỗi tháng được mua 5kg ngũ gốc với giá chỉ 3 rupees/kg gạo, 2 rupees/kg bột mì. Phụ nữ nghèo tại nhiều làng quê Ấn Độ đã chọn mua lương thực cho cả gia đình, thay vì những chiếc băng vệ sinh giúp họ đi qua ngày "đèn đỏ" mỗi tháng.
Phụ nữ biểu tình đề nghị miễn thuế cho băng vệ sinh (The Economic Times) |
"Period. End of Sentence" phim đoạt giải Oscar năm 2019 cho đề mục Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất kể về những người phụ nữ Ấn Độ đang dẫn dắt một cuộc cách mạng thầm lặng về cải thiện vệ sinh phụ nữ bằng cách cung cấp khả năng tiếp cận các sản phẩm cơ bản, trao cho họ quyền loại bỏ những điều cấm kỵ xung quanh chu kì kinh nguyệt ở nhiều làng quê Ấn Độ |
Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề và khắp nơi là câu chuyện về oxy, thuốc men, vaccine, lương thực... Chương trình hỗ trợ băng vệ sinh tại nhiều địa phương trên lãnh thổ Ấn Độ phải tạm dừng vì không có nguồn cung. Việc có đủ tài chính để tiếp cận chiếc băng vệ sinh đối phụ nữ nghèo ở nông thôn Ấn Độ có lẽ càng trở nên xa vời hơn. Đại dịch dù có đi qua, họ vẫn còn cả tương lai phía trước. Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân vào mỗi kì kinh nguyệt vẫn sẽ là trở ngại khiến nhiều nữ sinh phải bỏ học, phụ nữ không dám bước ra nơi công cộng khi đến kì, cùng với những nguy cơ và nỗi ám ảnh về bệnh tật phụ khoa...