Cụ thể, JPMorgan đã báo cáo khoản lợi nhuận 9,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu giảm nhẹ và đạt 29,9 tỷ USD. Trong khi đó, khoản lợi nhuận Citigroup thu về có phần khiêm tốn hơn - 3,2 tỷ USD và doanh thu giảm 7% xuống còn 17,3 tỷ USD. Đây là những số liệu tích cực hơn so với hai quý trước đó của cả hai ngân hàng này.
Các nhà quản lý hàng đầu của hai ngân hàng lớn này cho rằng chính phủ liên bang cần phải nhanh chóng kích hoạt các gói kích thích lớn, tiếp đà thắng lợi của chương trình chi tiêu quy mô lớn đã thực hiện trong thời gian qua. Giám đốc tài chính (CFO) của Citigroup Mark Mason đánh giá chương trình trên đã phát huy hiệu quả ngăn chặn làn sóng bùng phát nợ quá hạn.
Ngân hàng JP Morgan Chase là Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính đến thời điểm hiện tại. Nguồn: Wall Street Journal |
Trong khi đó, Giám đốc điều hành (CEO) của JPMorgan Jamie Dimon cũng cảnh báo về một đợt suy thoái kép nếu chính phủ không tung ra gói hỗ trợ tiếp theo. Điều này xảy ra khi kinh tế Mỹ bước sang giai đoạn suy thoái thứ hai sau giai đoạn phục hồi ban đầu. CEO của JPMorgan cho biết thêm các doanh nghiệp nhỏ và người mất việc làm là những đối tượng cần được hỗ trợ nhất. Hành động của chính phủ lúc này sẽ quyết định liệu trong tương lai các ngân hàng có phải nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giải quyết nợ xấu hay không. Theo CEO này, trong trường hợp khả quan khi chính phủ tung ra gói kích thích hiệu quả, các ngân hàng sẽ có khoản dự trữ dôi dư là 10 tỷ USD thay vì mức âm 20 tỷ USD nếu xảy ra suy thoái kép.
Nhận định của những người đứng đầu Citigroup và JPMorgan Chase được đưa ra khi cả hai "đại gia" ngân hàng Mỹ công bố báo cáo thu nhập khả quan, cho thấy sự cải thiện đáng kể so với hai quý đầu năm 2020 khi cả hai phải dành ra những khoản dự trữ nợ xấu hàng tỷ USD trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến hàng loạt hoạt động kinh tế đình trệ.
(Nguồn: TTXVN)