Theo đó, các khu vực của Ấn Độ đã chứng kiến nhiệt độ trên 44 độ C vào giữa tháng 4, với ít nhất 11 trường hợp tử vong gần Mumbai do sốc nhiệt chỉ trong một ngày.
Ở Bangladesh, Dhaka cũng trải qua những ngày nóng nhất lịch sử trong gần 60 năm trở lại đây. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ cũng đã ra cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng nắng nóng cực đoan ở các bang Bihar, Jharkhand, Odisha, Andhra Pradesh và West Bengal.
Thành phố Tak ở Thái Lan có nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay là 45,4 độ C, trong khi tỉnh Sainyabuli của Lào cũng báo cáo mức nhiệt độ cao nhất kỷ lục đạt 42,9 độ C trong lịch sử đo đạc thời tiết của đất nước này.
Hai trường hợp tử vong do sốc nhiệt đã được ghi nhận ở Thái Lan, nhưng con số thực tế có thể cao hơn do nắng nóng gay gắt khiến nhiều người phải nhập viện, trong đó người nghèo và những người dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đánh giá trung bình nhiệt độ tối đa và chỉ số nhiệt tối đa bao gồm độ ẩm.
WWA cho biết trong một tuyên bố: “Ở cả hai lãnh vực đánh giá trên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu khiến sóng nhiệt làm tăng 30 lần khả năng xảy ra sóng nhiệt, với nhiệt độ tăng ít nhất 2 độ C so với khi không có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Chừng nào khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa được hạn chế, nhiệt độ toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng, các hình thái thời tiết cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.""
Phân tích trên cũng cho thấy những sự kiện như vậy đang xảy ra ở Ấn Độ và Bangladesh. Nếu trước đây sóng nhiệt chỉ xảy ra một lần vào mỗi thế kỷ thì giờ đây nó đã rút lại chỉ khoảng 5 năm một lần do biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Đối với Lào và Thái Lan, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C (kịch bản sẽ xảy ra trong 30 năm tới nếu khí thải nhà kính không được cắt giảm nhanh chóng), thì những đợt thời tiết khắc nghiệt như nêu ở trên sẽ lặp lại sau mỗi 20 năm, so với mức 2 thế kỷ như hiện nay.
Friederike Otto thuộc Viện Môi trường và Biến đổi khí hậu Grantham, người tham gia nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi thấy đi thấy lại rằng ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra biến đổi khí hậu làm gia tăng đáng kể tần suất và cường độ của các đợt sóng nhiệt, một trong những hình thái thời tiết cực đoan gây hậu quả nghiêm trọng nhất."
"Tuy nhiên, các kế hoạch ứng phó với tình huống này được tiến hành rất chậm trên toàn cầu. Chúng ta cần phải là hành động nhanh chóng hơn để ưu tiên kế hoạch ứng phó ở mọi nơi, đặc biệt là những nơi độ ẩm cao làm tăng tác động của các đợt sóng nhiệt.", bà nói thêm.
GS David Karoly thuộc ĐH Melbourne (Úc) khuyến nghị các chính phủ cần suy nghĩ và hành động nhằm thích ứng với tình trạng nắng nóng bằng cách cung cấp nhiều biện pháp bảo vệ hơn trong môi trường đô thị, chẳng hạn như tăng số lượng cây cối và thảm thực vật.
Năm nóng nhất thế giới từng ghi nhận cho đến nay là năm 2016, trùng với thời điểm xuất hiện El Nino, bên cạnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Sau đó, thế giới trải qua tám năm nóng chưa từng thấy, cho thấy xu hướng ấm lên toàn cầu về dài hạn do phát thải khí nhà kính.
(Nguồn: AFP)