Tỉ lệ nhiễm của Nam Phi tăng 400%
"Dữ liệu sơ bộ cho thấy rằng, mặc dù tỷ lệ nhập viện do biến thể Omicron ngày càng tăng nhưng đó chỉ là con số và có vẻ nó không cho thấy bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào”, Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla nói trong một bài phát biểu vào hôm thứ Sáu.
Trên thực tế, dữ liệu bệnh viện ban đầu của quốc gia này cho thấy, chưa đến 1/3 số bệnh nhân nhập viện trong đợt bùng phát mới nhất này liên quan đến biến thể Omicron diễn biến nặng, so với con số 2/3 trong 2 đợt bùng phát trước đó.
Trong vài ngày qua, một đợt bùng phát trên toàn quốc liên quan đến Omicron đã lây nhiễm cho khoảng 20.000 người mỗi ngày.
Tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đất nước bao gồm tỉnh Gauteng, Johannesburg và Pretoria - số ca mắc tăng lên 400% so với tuần trước.
Các xét nghiệm cho thấy, biến thể Omicron là nguyên nhân lây nhiễm cho khoảng 70% các trường hợp.
Nam Phi đã thông báo cho thế giới về Omicron vào cuối tháng trước, đưa ra cảnh báo rằng, biến thể này có đột biến cao và có thể gây ra một đợt lây nhiễm lớn trên toàn cầu.
Một nghiên cứu trong phạm vi nhỏ từ một viện nghiên cứu ở Nam Phi trong tuần này cho thấy, biến thể Omicron có thể lây nhiễm đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine BioNTech-Pfizer.
Trong khi đó, công ty này nói rằng, thí nghiệm cho thấy mũi tiêm thứ 3 của vaccine này có thể vô hiệu hóa Omicron.
Một nghiên cứu tương tự ở Anh cũng cho thấy mũi tiêm tăng cường thứ ba giảm tới 75% khả năng gặp nhiễm Covid-19. Các nhà nghiên cứu Israel cũng cho biết vào hôm thứ Bảy rằng, họ đã phát hiện ra mũi tiêm thứ 3 của vaccine BioNTech-Pfizer cung cấp khả năng bảo vệ đáng kể chống lại biến thể Omicron.
Hà Lan bắt giữ một người mua virus qua mạng
Đơn vị chống gian lận của Bộ Tài chính (FIOD) Hà Lan cho biết, cơ quan này đã bắt giữ một người đàn ông được cho là đã đề nghị mua virus Covid-19 trên internet.
Tờ báo Hà Lan De Telegraaf đưa tin rằng, một bộ bao gồm một một ống chứa virus và một thiết bị tự kiểm tra được chào bán qua đường bưu điện với giá là 37,91 USD.
Người cung cấp cho biết, các virus này có thời hạn thu thập không quá ba tháng và người mua "chắc chắn rằng các đột biến và biến thể mới nhất đều có trong đó”.
Trang web này đã ngừng hoạt động khi cơ quan chức năng điều tra vụ việc.
Trong bối cảnh lo ngại rằng biến thể Omicron có thể sớm chiếm ưu thế, các chuyên gia ở Đức đang kêu gọi khoảng thời gian tiêm chủng giữ 2 mũi nên được rút ngắn hơn và nên tiêm mũi thứ 4.
Hiệp hội y học chăm sóc đặc biệt của Đức (DIVI) cho rằng, biến thể Omicron có thể sẽ trở thành biến thể thống trị vào cuối tháng Giêng năm sau.
Trong khi đó, ngành logistics của Đức đã cảnh báo không nên vội vàng áp dụng áp dụng quy định tiêm chủng bắt buộc đối với các tài xế vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc lưu chuyển hàng hóa.
Frank Huster, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Giao nhận và Hậu cần Đức (DSLV), cho biết nhiều tài xế nước ngoài đã tiêm vaccine như Sputnik V của Nga, loại vaccine không được chấp thuận sử dụng ở Liên minh châu Âu.
Huster cho biết thêm, tiêm vaccine bắt buộc có thể dẫn đến việc hàng nghìn tài xế bị từ chối nhập cảnh vào Đức.
Ông cho biết lĩnh vực vận tải hàng hóa đang gặp phải tình trạng thiếu hụt tài xế trầm trọng.
Chính phủ mới của Đức có kế hoạch bắt buộc tiêm chủng từ đầu năm tới. Trước đó, nước này đã thông qua luật buộc nhân viên y tế và chăm sóc phải được chủng ngừa đầy đủ.
Theo hãng tin DPA của Đức cho biết, có khoảng 10.000 người đã tham gia một cuộc biểu tình chống lại các hạn chế về đi lại ở Hamburg.
Truyền thông Đức trước đó cũng đưa tin về một số cuộc biểu tình ở các thành phố miền Nam nước Đức, bao gồm Munich, Trier, Fuerth và Neumarkt.
Tại Áo, hàng chục nghìn người biểu tình đã xuống đường để phản đối các hạn chế do COVID gây ra, bao gồm việc tiêm chủng bắt buộc và lệnh không được ra đường với những người chưa được tiêm chủng. Cảnh sát cho biết, ước tính có khoảng 44.000 người đã tham dự các cuộc biểu tình này.
Ba người đã bị bắt vì các tội danh bao gồm sử dụng pháo hoa và không tuân thủ yêu cầu đeo khẩu trang, cảnh sát cho biết. Các nhà báo đưa tin về sự kiện này đã bị tấn công bằng bóng tuyết và băng, nhà chức trách cho biết thêm.
Tại Vương quốc Anh, biến thể Omicron là nguyên nhân gây ra 30% ca nhiễm COVID mới ở London, Bộ trưởng Cộng đồng Michael Gove cho biết hôm thứ Sáu.
Sau khi chủ trì một cuộc họp của các bộ trưởng và các nhà khoa học, Gove cho biết, London và Scotland là những điểm nóng về Omicron và tình hình là "đáng lo ngại sâu sắc".
Dữ liệu mới cho thấy, biến thể Omicron sẽ trở thành biến thể chủ chốt vào đầu tuần tới, ông nói thêm.
Ông Gove cho biết, chính phủ Vương quốc Anh hiện đang xem xét các hạn chế cứng rắn hơn sau khi Thủ tướng Boris Johnson đưa ra Kế hoạch B của ông vào thứ Tư, bao gồm việc đeo khẩu trang bắt buộc và người lao động nên làm việc tại nhà bất cứ khi nào có thể.
Mỹ sa thải sĩ quan Hải quân do từ chối tiêm vaccine COVID-19
Thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil Luis Roberto Barroso đã ra phán quyết rằng, tất cả du khách đến Brazil phải xuất trình hộ chiếu vaccine chứng minh rằng họ đã được tiêm vaccine COVID-19.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã nhiều lần từ chối yêu cầu của cơ quan quản lý y tế bang Anvisa về việc yêu cầu đưa ra bằng chứng tiêm chủng từ du khách.
Thẩm phán Barroso cho biết, yêu cầu về bằng chứng đã tiêm phòng chỉ có thể được miễn khi khách du lịch đến từ một quốc gia không có vaccine hoặc cá nhân bị ngăn cản tiêm chủng vì lý do sức khỏe
Tuy nhiên, phán quyết của Barroso phải được xem xét lại bởi tất cả 11 thẩm phán của Tòa án Tối cao vào tuần tới.
Tại Hoa Kỳ, một chỉ huy Hải quân đã bị sa thải khỏi vị trí sĩ quan điều hành tàu chiến vì từ chối tiêm tiêm vaccine cũng như xét nghiệm COVID-19.
Người bị sa thải là Lucian Kins, là phó chỉ huy của tàu khu trục USS Winston Churchill và ông trở thành sĩ quan đầu tiên bị sa thải vì từ chối tiêm vaccine.
Lầu Năm Góc đã quy định tiêm vaccine bắt buộc đối với tất cả các thành viên trong lực lượng Hải quân hoặc bị sa thải.
Trong khi đó, nhà điều hành đường sắt Mỹ Amtrak cho biết, họ sẽ giảm các chuyến tàu vào tháng Giêng trừ khi có nhiều nhân viên hơn đi tiêm chủng hơn.
Chủ tịch Amtrak Stephen Gardner cho biết, 95% nhân viên của công ty này đã được tiêm chủng mũi 1.
Ông cảnh báo rằng, đợt cắt giảm các chuyến tàu này sẽ kết thúc vào tháng 3 hoặc ngay sau khi các nhân viên hoàn thành tiêm chủng.
Trong khi đó, Bang New York sẽ áp dụng lại việc đeo khẩu trang bắt buộc do lo ngại thời tiết lạnh giá có thể gây lây nhiễm virus.
Từ thứ Hai, đeo khẩu trang sẽ được yêu cầu ở tất cả các nơi công cộng lẫn trong không gian hẹp trừ khi các cơ sở kinh doanh hoặc địa điểm thực hiện yêu cầu về việc tiêm vaccine bắt buộc.
Một số bang đã áp dụng lại các quy định tương tự về việc đeo khẩu trang nơi làm việc bao gồm Washington, Oregon, Illinois, New Mexico, Nevada và Hawaii.
Gần 3.500 người phải nhập viện vì COVID-19 ở New York, tăng gần gấp đôi so với 1.794 người vào ngày 7/11.
Trên toàn nước Mỹ, trung bình trong bảy ngày qua, các trường hợp COVID-19 đã tăng 37% và tỉ lệ tử vong trung bình mỗi ngày tăng 28%, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Rochelle Walensky cho biết hôm thứ Sáu.
Ấn Độ đóng cửa nhà máy sản xuất kim tiêm
Tại Ấn Độ, nhà sản xuất bơm và kim tiêm lớn nhất đã thúc giục Thủ tướng Narendra Modi thu hồi lệnh đình chỉ sản xuất các sản phẩm của hãng này.
Quyết định này làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng cho chương trình tiêm chủng COVID-19 của đất nước.
Rajiv Nath, Giám đốc điều hành của Hindustan Syringes and Medical Devices (HMD) cho biết, việc đóng cửa "có thể ảnh hưởng đến ... chương trình tiêm chủng COVID-19 nói riêng và tình trạng thiếu hụt ống bơm và kim tiêm nói chung".
Lệnh cấm sản xuất là một phần của nỗ lực chống ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí.
Trong khi đó, Đài Loan đã xác nhận ba trường hợp đầu tiên của biến thể Omicron.
Ba người bị nhiễm đều là du khách trong nước - hai người Đài Loan và một người Mỹ, đã đến hòn đảo này trong tuần này.
Một trong những công dân Đài Loan đã trở về từ Eswatini ở miền nam châu Phi (trước đây là Swaziland).
Giám đốc Trung tâm Chỉ huy Dịch bệnh Trung ương Đài Loan (CECC), Chen Shih-chung,nói trong một cuộc họp báo rằng, biến thể Omicron có thể gây ra rủi ro tương đối thấp cho người dân trong cộng đồng do sự kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của Đài Loan.
Một người đàn ông New Zealand tiêm 10 mũi vaccine trong một ngày
Một người đàn ông New Zealand đã bị gắn mác "ích kỷ không thể tin được" sau khi anh ta nhận tới 10 mũi vaccine COVID-19 trong một ngày.
Trang tin Stuff cho biết, người đàn ông này, hiện chưa được nêu tên và đang bị điều tra, đã đến một số trung tâm tiêm chủng để tiêm vaccine thuê.
Truyền thông địa phương đưa tin rằng, người đàn ông này được trả tiền để làm việc này nhằm giúp những người cần giấy chứng nhận đã tiêm vaccine.
Bộ Y tế nước này đang xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, Giám đốc chương trình tiêm chủng và vaccine COVID-19 của New Zealand, Astrid Koornneef nói với Stuff.