Các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra ở Mỹ và nhiều thành phố trên khắp thế giới nhằm phản đối tệ phân biệt chủng tộc và sự tàn nhẫn của cảnh sát Mỹ trong cái chết của công dân da màu George Floyd. Ở các nước, biểu tình có thể “biến tướng” thành sự phản đối bất công xã hội, bất bình đẳng giới….. trong khi tại Mỹ có thể dẫn tới những thay đổi, cải cách trong hệ thống tư pháp.
Ảnh: Reuters |
Chia sẻ lý do tham gia biểu tình, một số người biểu tình ở Đức cho biết, họ từng chứng kiến, hoặc bản thân là nạn nhân của những hành động tàn nhẫn của cảnh sát ngay ở đất nước họ, chứ không riêng gì nước Mỹ.Các cuộc biểu tình mang biểu ngữ “tôi không thể thở”, “Mạng sống của người da màu là quan trọng”, và các biểu ngữ kêu gọi công lý cho George Floyd đã diễn ra ở nhiều thành phố như Athen (Hi Lạp), London (Anh), Frankfurt (Đức), Amsterdam (Hà Lan), Stockholm (Thụy Điển), Cape Town (Nam Phi)….
“Tại sao tôi có mặt ở đây ư? Vì tôi nhiều lần chứng kiến cảnh sát nhắm vào người da màu. Tôi có 2 con gái da màu và hơn nữa chúng lại là con gái, nên rất dễ bị tổn thương trong xã hội này. Sẽ rất tối tệ nếu những gì từng xảy ra với tôi lại xảy ra ở đối với các con tôi. Đó là điều kinh khủng và là sự sỉ nhục, không thể chấp nhận”, một người biểu tình cho biết.
“Tôi đã sống trong những giai đoạn kinh khủng của tệ phân biệt chủng tộc và tình trạng đó có thể lặp lại. Vấn đề đặt ra là liệu con cháu chúng tôi sẽ an toàn hay không. Tôi không muốn chúng sợ cảnh sát. Tôi không muốn thấy con cháu chúng tôi phải bỏ chạy khi nhìn thấy cảnh sát”, một người khác bày tỏ.
Biểu tình ở một số nước còn tiến triển thành biểu tình chống bất công xã hội, kêu gọi những thay đổi trong nước như phản đối tình trạng bất đình giới ở Mexico, phản đối việc sử dụng vũ lực thái quá của cảnh sát trong thời gian phong tỏa ở Nam Phi, kêu gọi xem xét lại cách đối xử với người thổ dân ở Australia…
Biểu tình bạo loạn, cướp phá dĩ nhiên bị lên án nhưng đại đa số cộng đồng quốc tế bày tỏ sự cảm thông và đoàn kết với các cuộc biểu tình ôn hòa và tuân thủ giãn cách vì dịch Covid-19. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên tiếng ủng hộ quyền được biểu tình, bày tỏ quan điểm, khẳng định sự coi trọng đối với mạng sống của người dân bất kể màu da, nhưng theo cách tuân thủ luật pháp và giãn cách xã hội.
Cựu Tổng thống Obama, tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ cũng phá vỡ im lặng, cho rằng, các cuộc biểu tình trên toàn nước Mỹ là cơ hội để người dân “thức tỉnh” và đến lúc cần “thay đổi nước Mỹ”, cần có cải cách để chặn đứng nạn bạo lực của cảnh sát và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vốn bám rễ trong các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.
“Ở một khía cạnh nào đó, từ những đau thương và bất ổn như chúng ta chứng kiến trong những tuần qua, thì cũng xuất hiện cơ hội lớn để người dân bừng tỉnh trước các vấn đề cấp bách. Những gì diễn ra tạo cơ hội cho người dân phải phối hợp giải quyết các vấn đề. Cần thay đổi nước Mỹ và thực hiện những lý tưởng cao đẹp nhất”, ông Obama nói.
Hiện tại chưa thể biết, nước Mỹ sẽ có thay đổi gì sau làn sóng biểu tình chống lại sự nhẫn tâm của cảnh sát. Tuy nhiên, tại một số bang, người đứng đầu ngành cảnh sát đã kêu gọi cải cách. Cái chết của công dân da màu George Floyd chắc chắn cũng sẽ châm ngòi cho cuộc tranh cãi về vấn đề phân biệt chủng tộc trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden sau khi giành chiến thắng tại nhiều bang “chiến địa” trong các cuộc bầu cử sơ bộ ngày 3/6 nhấn mạnh nước Mỹ đang cần một sự lãnh đạo có thể mang lại đoàn kết, đồng thời khẳng định ông sẽ tìm cách chữa lành vết thương về phân biệt chủng tộc tồn tại lâu nay trong xã hội Mỹ và không sử dụng điều này cho mục đích chính trị.
Theo khảo sát của Reuters và công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, 64% số người trưởng thành Mỹ tỏ ra cảm thông với người tham gia biểu tình, trong khi 27% phản đối. Hơn 55% cho biết không hài lòng với cách xử lý với các cuộc biểu tình của Tổng thống, trong đó 40% phản đối mạnh mẽ, chỉ có 1/3 ủng hộ./.