Sống tại một khu nhà tạm trên đảo Wards (một khu vực thuộc quận Mahattan nhưng tách biệt với phần còn lại của New York, Mỹ), người đàn ông 69 tuổi Roy Coleman đã được đưa đi sau khi xuất hiện các dấu hiệu của Covid-19. Những “hàng xóm” của ông đã thở phào nhẹ nhõm cho đến khi ông này được phép quay trở lại “nhà” của mình vào tuần trước dù có kết quả dương tính với dịch bệnh.
Khi ở nhà còn dễ lây nhiễm hơn ra đường
Tại một khu nhà tạm khác, Alphonso Syville 45 tuổi dù cố gắng hết sức nhưng không thể ngăn nổi những tiếng ho liên hồi của một người đàn ông chỉ cách ông vài mét.
Trong một khu lều tạm tại quận Bronx (một vùng ngoại ô New York), Christian Cascone không nhớ nổi đã bao nhiêu lần bạn cùng phòng của mình tranh cãi về thói kém vệ sinh và lười rửa tay của người hàng xóm
“Nếu Chúa đã quyết định chọn tôi đi theo người, thì tôi sẽ theo”, người hàng xóm lý sự.
“Và Chúa cũng muốn những người còn lại như chúng tôi được khỏe mạnh”, bạn cùng phòng của Cascone tức giận.
Mặc dù gần như cả thành phố New York đang ẩn náu trong nhà thì cuộc khủng hoảng này đang làm chao đảo những đối tượng mà khái niệm “giữ khoảng cách xã hội” gần như là điều không thể. Hơn 17.000 phụ nữ lẫn nam giới, trong đó nhiều người có sức khỏe yếu và ngủ theo nhóm. Hầu hết họ sống trong những căn phòng lý tưởng cho virus sinh sôi, với những chiếc giường sát nhau đến mức họ có thể nắm tay nhau khi ngủ.
Christian Cascone dành gần như cả ngày trong một tủ chứa đồ anh thuê do lo ngại nguy cơ nhiễm bệnh tại khu nhà tạm của người vô gia cư ở Bronx mà anh chỉ ở vào ban đêm (Ảnh:Jonah Markowitz/NYT). |
Và thay vì giãn cách xã hội theo cách lý tưởng, dịch bệnh khiến những khu nhà tạm lại càng đông hơn.
Một số tù nhân sau khi được thả ra từ nhà tù trung tâm New York ở Rikers Island, nhằm giãn cách trong trại giam, cuối cùng lại tìm đến những khu lều tạm. Thời điểm này, hệ thống nhà tắm công cộng đóng cửa, nhiều khu bếp phải dừng do thiếu đồ ăn và người tình nguyện, lượng người tìm đến những khu nhà tạm ban đêm này thường đạt tới mức vốn chỉ xuất hiện trong những đêm đông giá buốt.
Theo một nhân viên trong hội trợ giúp pháp lý, đây là tình trạng phổ biến khi các hệ thống an sinh xã hội sụp đổ cùng một lúc, “Nó là một trái bom hẹn giờ” – nhân viên này cho biết.
Hôm chủ nhật vừa qua, 23 thành viên trong khu nhà tạm đã qua đời tại bệnh viện, trong đó có 14 nam giới và 2 phụ nữ đến từ những trung tâm và khu nhà tạm có nhiều người cùng sinh sống trong những căn phòng chỉ phù hợp cho một người lớn.
Đã có 371 người tại các lán tạm trú này dương tính với virus, 80% trong số đó sống tại các cơ sở chỉ dành cho một người lớn. Phần còn lại chủ yếu là các gia đình ở trong các căn hộ studio.
Với nỗ lực giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh, thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã quyết định sẽ đưa 2.500 người từ các khu nhà tạm tới các khách sạn vắng khách vào cuối tháng 4, với giá tối thiểu 174 đô la một đêm nhằm cách ly những người có kết quả dương tính với virus, cũng như những người có triệu chứng hay nguy cơ cao mắc bệnh. Hiện đã có 3.500 người chia nhau các phòng trong các khách sạn trước khi đại dịch bùng phát do hết chỗ tại các trại tạm trú.
Những cư dân từ 70 tuổi trở lên hay một số người trong 10 khu tạm trú đông đúc nhất sẽ được chuyển tới các khách sạn trên, dù có triệu chứng hay không. Một số từ khách sạn sẽ được chuyển đi để lấy chỗ cho những người này.
Bên cạnh đó, thành phố cũng lắp đặt thêm 24 trạm rửa tay và 36 nhà vệ sinh di động tại 12 vị trí trên phố cho những người vô gia cư không muốn quay lại các khu tạm trú. Đồng thời bố trí lại thời gian ăn uống, tạm thời bỏ các quy tắc yêu cầu người dân rời các khu ký túc trong lúc lau dọn để giảm khả năng người dân phải ra ngoài và trở về sau khi tiếp xúc. Cho đóng cửa các khu tạm trú này không phải là một lựa chọn phù hợp.
Alfonzo Forney và Roberto Mangual hiện đang ở trong một khu nhà cho người vô gia cư mà những người nhiễm virus vẫn được tự do ra vào (Ảnh:Jonah Markowitz/NYT) |
Số ca nhiễm bệnh tại các khu nhà tạm ở New York không phản ánh được hết phạm vi của sự nguy hiểm. Con số chỉ thống kê được những cá nhân quá ốm yếu đến mức cần đưa đến bệnh viện kiểm tra và chữa trị, mà không kiểm soát được những người hiện vẫn đang sinh sống ở trong các khu tạm trú chủ yếu tồn tại nhờ các cơ quan bảo trợ xã hội hay quyên góp từ cộng đồng.
Đây là một vấn đề chung đối với các thành phố có lượng lớn người vô gia cư sinh sống. Tại San Francisco, một cuộc kiểm tra đã phát hiện 81 người dân cùng 10 công nhân dương tính với virus, khiến thành phố buộc phải dỡ bỏ lệnh cấm dựng lều nếu chúng cách nhau chưa đủ 2 mét.
Người ho, nôn mửa, hắt xì khắp nơi
Vô gia cư vốn đã là vấn đề khó giải quyết ngay cả trước khi xuất hiện đại dịch. Lượng người vô gia cư năm 2014 đã tăng lên con số 79.000 người do tiền thuê nhà tăng vượt quá tầm với của nhiều gia đình có thu nhập thấp. Theo văn phòng quản lý thành phố New York, ngân sách cho các dịch vụ cho người vô gia cư đã tăng gấp đôi lên 3,2 tỷ USD từ năm 2014.
Hệ thống nhà tạm là một sự chắp vá của 450 tòa nhà, gồm các studio cho các gia đình có trẻ nhỏ, các phòng khách sạn với giường đôi, những căn hộ tồi tàn của các cá nhân cùng những không gian chật hẹp với nhiều giường tầng.
Bên cạnh đó, nhiều người ở đây cũng thờ ơ với những phương pháp ngăn ngừa dịch bệnh. Một số người e ngại rằng bản thân không có cơ hội tự bảo vệ khi sống cùng với nhiều người thiếu ý thức khác.
“Quanh tôi có rất nhiều người ho, nôn mửa và hắt xì”, ông Cole tâm sự qua điện thoại hôm thứ bảy khi tin rằng bản thân đã bị nhiễm virus từ khu tạm trú. Ông vui vẻ khi bản thân được chuyển tới ở một mình trong phòng khách sạn, được quan tâm y tế và nhận thuốc nếu cần.
“Chúng ta đang phải đối mặt với một thứ to lớn. Những thứ chúng ta thường bỏ qua giờ đã không thể lờ đi được nữa”, Chánh văn phòng của tổ chức HELP USA cho biết.
Một đội ngũ dọn dẹp chuẩn bị vào khu nhà của những người vô gia cư trên đảo Wards (Ảnh Jonah Markowitz NYT) |
Tại một khu nhà tạm ở khu hạ lưu Manhattan, nơi sinh sống của 100 phụ nữ, nhiều cư dân ở đây không hề có ý thức đề phòng như rửa tay hay đứng cách nhau 2 mét. Những chiếc cầu thang hẹp khiến họ thường cọ vào nhau khi lên xuống. Tại khu vực nhà ăn, cho dù nhân viên đã sắp xếp 2 ghế một bàn nhưng nhiều người di chuyển ghế để được ngồi cùng nhau. Một số người e ngại nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị tấn công.
Theo Derek Jackson, Giám đốc Ban luật pháp của một hiệp hội nhân viên thành phố, có khoảng 550 nhân viên làm việc trong hệ thống khu nhà tạm, và đã có có 26 người dương tính với virus đầu tuần trước và mới đây thành phố thông báo có thêm 41 nhân viên khác bị lây nhiễm. Ông cho biết thành phố khá chậm chạp trong việc cung cấp khẩu trang, găng tay cũng như các dụng cụ bảo hộ khác cho cán bộ nhân viên.
Theo Steven Banks, ủy viên dịch vụ xã hội của thành phố, vấn đề thiếu thốn trang thiết bị không phải là vấn đề của riêng cơ quan dịch vụ cho người vô gia cư. Tuần trước, cơ quan này đã phân phát 100.000 khẩu trang tới các khu nhà tạm cho nhân viên, và giờ là gửi tiếp 500.000 khẩu trang cùng với dung dịch khử khuẩn và găng tay cho các cán bộ. Ông Banks thậm chí phải sử dụng quỹ để tiếp tục ủng hộ khẩu trang cho các cư dân trong khu nhà và cả sống ở trên phố.
Tuy nhiên việc cư dân các khu tạm trú không thể tự cách ly tại nhà đang gây trở ngại lớn bởi họ thậm chí còn không có nhà để ở.
Tại khu tạm trú từ thiện Opportunity House ở Brooklyn, người dân tại đây chủ yếu là những người cao tuổi và có những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, họ thậm chí còn không thể đọc được báo hay tài liệu.
“Chúng tôi hiểu rõ những lo lắng mà mọi người đang phải trải qua”, người điều hành Opportunity House tâm sự và cho biết đang thực hiện một số cách thức để bảo đảm an toàn cho cư dân tại đây.