Theo báo cáo, Trung Quốc đã xuất khẩu 500 triệu liều vaccine sang khoảng 112 quốc gia trong nửa đầu năm nay. Dù việc chống đại dịch COVID-19 có thể là một mục tiêu quan trọng, song chính sách "ngoại giao vaccine" của Trung Quốc là nhằm đạt được 4 mục tiêu khác.
Đầu tiên, đã có sự thất vọng đáng kể và thậm chí là tức giận ở một số quốc gia về cách xử lý đại dịch một cách kém minh bạch của Trung Quốc. Hơn nữa, ý kiến cho rằng virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 có thể đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán gần đây đã tạo được tiếng vang lớn trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Trong bối cảnh này, thông qua chính sách "ngoại giao vaccine", Trung Quốc đang cố gắng làm trệch hướng những bất bình của cộng đồng quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, hướng thế giới tập trung vào vai trò của Bắc Kinh trong việc chống lại đại dịch. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc, việc tìm kiếm nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục được thực hiện.
Thứ hai, Trung Quốc đang tìm cách truyền đạt rằng các khuôn khổ quản trị toàn cầu hiện tại và các cường quốc khác đã không thể cung cấp các loại vaccine cần thiết cho thế giới đang phát triển.
Năm ngoái, phát biểu tại kỳ họp thứ 73 của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng "việc phát triển và triển khai vaccine ngừa COVID-19 ở Trung Quốc sẽ tạo ra một thứ hàng hóa công toàn cầu, đó sẽ là sự đóng góp của Trung Quốc để đảm bảo khả năng tiếp cận và khả năng mua được vaccine ở các nước đang phát triển”.
Sau đó, phát biểu tại hội nghị thường niên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao ngày 20/4/2021, Tập Cận Bình đã nhắc lại rằng Trung Quốc “cam kết biến vaccine ngừa COVID-19 thành hàng hóa công toàn cầu”. Thông qua chính sách "ngoại giao vaccine", Trung Quốc đang tìm cách thể hiện hình ảnh là một cường quốc sẵn sàng chia sẻ.
Thứ ba, "ngoại giao vaccine" của Trung Quốc mang tính tư tưởng. Khả năng xuất khẩu của Trung Quốc phụ thuộc vào khả năng đáp ứng các yêu cầu trong nước. Trong tháng này, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đưa tin rằng khoảng 1,4 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm và nước này đã gần đạt được “khả năng miễn dịch cộng đồng với 50% dân số đã được tiêm chủng”.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng sự thành công của chương trình tiêm chủng trong nước là do “năng lực tổ chức và điều hành mạnh mẽ của các chính quyền địa phương Trung Quốc và sự sẵn sàng tiêm chủng ngày càng tăng của người dân”.
Vì Trung Quốc được cho là đã đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc đáp ứng các yêu cầu trong nước, chính sách "ngoại giao vaccine" của họ cũng cung cấp một nền tảng để truyền đạt tính hiệu quả của các khuôn khổ quản trị của Trung Quốc.
Thứ tư, Trung Quốc đang sử dụng chính sách "ngoại giao vaccine" để thiết lập và mở rộng quan hệ thương mại với các quốc gia khác trong lĩnh vực dược phẩm. Sự hiện diện tăng cường trên thị trường dược phẩm toàn cầu đòi hỏi sự tin tưởng nhiều hơn vào các sản phẩm của Trung Quốc và thói quen hợp tác.
Theo hướng này, Trung Quốc đã và đang nỗ lực để có được sự chứng thực cao cấp cho các sản phẩm của mình. Ví dụ, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tiêm đủ 2 liều vaccine của Sinovac và được các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, ví “đây giống như một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với vaccine của Trung Quốc”.
Tương tự, trong chương trình “vaccine mầm xuân”, tính đến đầu tháng 6/2021, khoảng “1,18 triệu Hoa kiều tại hơn 150 quốc gia đã được tiêm vaccine của Trung Quốc hoặc nước ngoài”. Sáng kiến này là nhằm mục đích tạo niềm tin lớn hơn vào vaccine Trung Quốc ở các quốc gia.
Ngoài ra, cuối tháng 5/2021, Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ cung cấp “thêm 3 tỷ USD viện trợ quốc tế trong 3 năm tới để hỗ trợ đối phó COVID-19 và phục hồi kinh tế cũng như xã hội ở các nước đang phát triển”. Mặc dù khoản viện trợ này không gắn liền với việc phải sử dụng vaccine của Trung Quốc, nhưng nó có thể tạo ra các khuôn khổ cam kết mà sẽ giúp ích cho các công ty dược phẩm của Trung Quốc về lâu dài.
Trung Quốc cũng đã ký các thỏa thuận sản xuất vaccine với nhiều nước như Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Maroc. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang sản xuất vaccine của Nga, giúp Moskva đáp ứng các cam kết phân phối toàn cầu. Sự hợp tác như vậy có thể giúp các công ty Trung Quốc làm quen với các mạng lưới sản xuất và phân phối liên quan đến dược phẩm ở các quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên, chính sách "ngoại giao vaccine" của Trung Quốc cũng đang gặp phải một số thách thức đáng kể. Ví dụ, tờ Wall Street Journal cho biết các loại vaccine mà các nhà chức trách Trung Quốc đang sử dụng “không hiệu quả bằng các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA hiện có ở phương Tây”.
Đã có báo cáo rằng ở các quốc gia như Bahrain, Chile, Mông Cổ và quốc đảo Seychelles, mặc dù một tỷ lệ lớn dân số đã được tiêm chủng nhưng các quốc gia này vẫn chứng kiến các đợt bùng phát COVID nghiêm trọng.
Điều này đã đặt ra câu hỏi về chất lượng của vaccine Trung Quốc. Hơn nữa, có "những lo ngại mới về hiệu quả của vaccine Trung Quốc" chống lại các biến thể COVID mới. Một số quốc gia, chẳng hạn như UAE, đang thử nghiệm liều thứ ba của vaccine Trung Quốc để tăng cường kháng thể.
Mặc dù các quan chức Trung Quốc thường tuyên bố rằng giá vaccine sẽ “công bằng và hợp lý”, song nhiều báo cáo cho thấy sự thất vọng của các quốc gia đối với các thỏa thuận về giá cả và không được tiết lộ. Mặt khác, có ý kiến ở Trung Quốc coi những lời chỉ trích trên là một phần của "cuộc chiến vaccine", là “một bài kiểm tra toàn diện về khả năng phối hợp của các công ty dược phẩm và xã hội Trung Quốc”.
Nhìn chung, xuất khẩu các sản phẩm dược phẩm của Trung Quốc đã tăng lên. Trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu dược phẩm của Trung Quốc đã đạt tổng trị giá 13,96 tỷ USD, thể hiện một bước nhảy vọt so với xuất khẩu của những năm trước. Tất cả những điều này cho thấy chính sách "ngoại giao vaccine" của Trung Quốc là một phần của chiến lược lớn hơn nhằm tạo điều kiện cho sự thành công của ngành dược phẩm Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.
Đối với các quốc gia như Ấn Độ, với xuất khẩu dược phẩm đóng vai trò quan trọng trong tổng thể thương mại, việc Trung Quốc nỗ lực trở thành một nhà cung cấp dược phẩm quan trọng trên thị trường toàn cầu cần được chú ý theo dõi. Dược phẩm Ấn Độ, từ trước đến nay phải đối mặt với các hàng rào phi thuế quan đối với các sản phẩm của mình tại Trung Quốc, giờ đây sẽ phải cạnh tranh với các công ty Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.
(Nguồn: TTX/asiatimes)