Một ngày cuối tuần vào tháng 8, tại sân vận động Leipzig, ở Đức đã diễn ra một buổi trình diễn của ca sĩ nhạc pop Tim Bendzko với hơn 1.000 khán giả tham dự. Không khí đêm nhạc khác với thông thường, đó là tiếng hò hét, cổ vũ bị dồn nén trong những chiếc khẩu trang y tế.
Buổi hòa nhạc thực chất là một “phòng thí nghiệm khổng lồ” nhằm quan sát và phân tích sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Số người tham gia thí nghiệm vào khoảng 1.400 tình nguyện viên, được tuyển chọn kỹ càng, đảm bảo xét nghiệm âm tính với Covid-19 và được gắn chip theo dõi.
Người xem vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay sát trùng. Để xác định nguy cơ lây nhiễm Covid-19, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 3 kịch bản cho buổi hòa nhạc: Kịch bản đầu tiên là người tham gia không hề biết về đại dịch và không giãn cách xã hội. Còn các kịch bản khác là khán giả được yêu cầu giãn cách từ mức đơn giản đến nghiêm ngặt.
Các tình nguyện viên cũng phải rửa tay bằng gel huỳnh quang để phục vụ nghiên cứu và xác định những bề mặt có khả năng tiếp xúc và truyền nhiễm cao.
Ca sĩ Bendzko khẳng định sự kiện là nguồn cảm hứng độc đáo, mang đến sự lạc quan giữa thời dịch. Tuy nhiên anh khuyên mọi người nên có cái nhìn thực tế trước đại dịch và cần phải đảm bảo an toàn.
Buổi hòa nhạc diễn ra thành công nhưng đối diện với vô số chỉ trích. Ông Michael Gekle cho biết, ban tổ chức đã mời 4.000 người tham dự song chỉ có khoảng 1.400 người xuất hiện. Dù nhiều người không sợ tham gia buổi hòa nhạc nhưng vẫn lo lắng mình sẽ nhiễm bệnh.
Ông Stefan Moritz, chuyên gia đứng đầu cuộc thử nghiệm, cho biết 3 dự án tương tự đang được lên kế hoạch ở Australia, Bỉ và Đan Mạch để tìm cách duy trì những sự kiện lớn.
Trước đó, câu lạc bộ bóng đá Bundesliga Union Berlin (Đức) thông báo sẽ tổ chức một trận đấu thử nghiệm với sự tham gia của 3.000 người hâm mộ đã được xét nghiệm âm tính.
Tương tự Bundesliga Union Berlin, nhiều tổ chức thể thao khác cũng đang trăn trở với bài toán tổ chức sự kiện đông người trong thời dịch.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các nhà tổ chức sự kiện. Nếu tuân theo quy định phòng dịch sẽ mất lợi nhuận còn nếu cho phép số người tham gia quá đông, nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng.
Thông qua hòa nhạc thử nghiệm, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ giải được bài toán trên, tìm cách cân bằng mục tiêu kinh tế và mức độ an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Tính đến ngày 3/9, Đức ghi nhận hơn 248.000 ca nhiễm và hơn 9.300 trường hợp tử vong vì Covid-19.