Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, đây là trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận trong nhiều chương trình thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân tử vong của tình nguyện viên này là do vaccine hay giả dược.
Tình nguyện viên trên là một bác sỹ 28 tuổi làm việc ở tuyến đầu trong chiến dịch phòng chống đại dịch COVID-19 tại Brazil . Nhật báo O`Globo và Bloomberg tiết lộ bác sỹ này nằm trong nhóm đối chứng (những người dùng giả dược) trong quá trình thử nghiệm.
Mặc dù vậy, thông báo của trường Đại học Oxford cho biết “tất cả các sự cố y tế lớn, cho dù những người tham gia nằm trong nhóm đối chứng (những người dùng giả dược) hay trong nhóm được tiêm vaccine ngừa COVID-19, đều được xem xét một cách độc lập”. Thông cáo cũng nhấn mạnh, sau khi đánh giá một cách kỹ lưỡng trường hợp tại Brazil nói trên, cơ quan chức năng kết luận không có sự lo ngại nào về tính an toàn trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và đánh giá độc lập của cơ quan giám sát Brazil cũng khuyến nghị có thể tiếp tục quá trình thử nghiệm.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Hollywood, Florida, Mỹ, ngày 13/8/2020. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố nước này sẽ không mua loại vaccine ngừa COVID-19 do công ty dược Sinovac của Trung Quốc nghiên cứu và sản xuất mặc dù trước đó một ngày, Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello thông báo sẽ mua 46 triệu liều để sử dụng rộng rãi sau khi thử nghiệm lâm sàng thành công và được cấp phép tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trong một thông điệp trên mạng xã hội, Tổng thống Bolsonaro khẳng định Chính phủ Brazil không thể cam kết mua một loại vaccine mà hiệu quả và tính an toàn chưa được Bộ Y tế nước này kiểm chứng, cũng như chưa được Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia cấp phép.
Loại vaccine mang tên CoronaVac đang được tập đoàn Sinovac hợp tác với Viện Butantan thuộc bang Sao Paolo thử nghiệm lâm sàng tại Brazil theo thỏa thuận với Thống đốc Joao Doria, một đối thủ chính trị của ông Bolsonaro. Chính vì vậy, dư luận cho rằng quyết định của Tổng thống Bolsonaro còn mang yếu tố chính trị.
Cùng ngày, Bộ Y tế Brazil thông báo người đứng đầu cơ quan này Eduardo Pazuello đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và trở thành quan chức mới nhất trong chính quyền nước này mắc bệnh.
Trước đó, ngày 20/10, Chính phủ Brazil thông báo sẽ sử dụng rộng rãi loại vaccine ngừa COVID-19 do phòng thí nghiệm Sinovac của Trung Quốc phát triển, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho các tình nguyện viên tại Brazil và dự kiến sẽ được Viện Butantan của Brazil đưa vào sản xuất từ tháng 12 tới.
Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello cho biết, ngay sau khi được Cơ quan Giám sát Dịch tễ Quốc gia cấp giấy phép, loại vaccine này sẽ được đưa vào Hệ thống Y tế duy nhất thông qua chương trình miễn dịch quốc gia. Chính phủ Brazil cũng dự kiến sẽ mua khoảng 46 triệu liệu vaccine mang tên CoronaVac này với tổng giá trị khoảng 427 triệu USD.
Chính phủ Brazil có ý định bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân từ đầu năm 2021. Trước đó, Chính phủ Brazil cũng đã thỏa thuận về hợp đồng cung cấp 100 triệu liều vaccine do công ty AstraZeneca của Anh và trường Đại học Oxford phát triển và sản xuất. Ngoài ra, tại Brazil hiện cũng đang tiến hành thử nghiệm các loại vaccine ngừa COVID-19 của phòng thí nghiệm Johnson & Johnson, cũng như của liên doanh BioNTech của Đức và Wyeth/Pfizer của Mỹ. Chính quyền các bang Bahia và Parana cũng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác để tiến hành thử nghiệm vaccine Sputnik-V của Nga.
Về tình hình dịch bệnh COVID-19, Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Theo số liệu thống kê, đến nay nước này đã ghi nhận trên 5,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 155.000 trường hợp tử vong.
(Nguồn: TTXVN)