Hãng hàng không Pháp nói rằng họ sẽ hủy các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Kiev vào thứ Ba (22/2) như một "biện pháp phòng ngừa" những tình huống liên quan đến vấn đề tình an ninh.
"Air France sẽ thường xuyên đánh giá lại tình hình và coi ssự an toàn, an ninh của các chuyến bay, khách hàng và phi hành đoàn của hãng là ưu tiên hàng đầu", Hãng hàng không Air France cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai.
Hãng hàng không Lufthansa của Đức hôm thứ Bảy cũng cho biết họ sẽ tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Kiev và Odessa, một thành phố cảng phía Nam Ukraina, cho đến cuối tháng Hai.
Các hãng hàng không thuộc Tập đoàn Lufthansa như Swiss International Air Lines, Eurowings và Austrian Airlines cũng đã tạm ngừng các chuyến bay cho đến cuối tháng. "Sự an toàn của hành khách và thành viên phi hành đoàn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi mọi lúc mọi nơi. Do tình hình hiện tại ở Ukraina, các hãng hàng không thuộc Tập đoàn Lufthansa đang tạm dừng các chuyến bay thường lệ đến Kiev và Odessa", Tập đoàn Lufthansa cho biết trong một tuyên bố.
Các chuyến bay của Lufthansa Group đến Lviv, nằm ở phía tây Ukraina, sẽ tiếp tục hoạt động như thường lệ.
Hoa Kỳ đã chuyển đại sứ quán của mình từ Kyiv đến Lviv vào tuần trước. Lufthansa Group, thường điều hành 94 chuyến bay đến và đi từ Ukraina mỗi tuần, cho biết họ sẽ sắp xếp lại các chuyến bay thay thế cho những hành khách bị ảnh hưởng.
Hãng hàng không Hà Lan KLM là hãng hàng không quốc tế lớn đầu tiên đình chỉ các chuyến bay đến Ukraina vào đầu tháng này.
Các quan chức Mỹ ước tính có khoảng 190.000 quân Nga và quân ly khai đang đóng gần biên giới Ukraina và sẵn sàng tấn công vào nước láng giềng.
Nga sáp nhập Crimea, từng là một phần của Ukraina độc lập, vào năm 2014, bất chấp sự phản đối của phương Tây. Các cuộc giao tranh ác liệt cũng khiến các khu vực phía Đông Luhansk và Donetsk của khu vực Donbas rơi vào tay lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn.
Năm 2014, 298 người trên chuyến bay của Malaysia Airlines từ Amsterdam đến Kuala Lumpur đã thiệt mạng khi bị bắn rơi ở miền Đông Ukraina. Một cuộc điều tra của nhà chức trách Hà Lan đã kết luận rằng một bệ phóng tên lửa thuộc quân đội Nga đã được sử dụng trong vụ tấn công. Nga đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào.
Liên quan đến tình hình Ukraina, ngày 21/2, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh công nhận 2 nước cộng hòa nằm trong khu vục Donbas thuộc miền Đông Ukraina bất chấp sự phản ứng quyết liệt từ các nước phương Tây và Liên hiệp quốc.
Ngoài ra, TT Putin còn ký lệnh đưa quân Nga vào vùng đất này là nhiệm vụ “gìn giữ hòa bình”.