Trên khắp châu Âu, các quốc gia đã điều chỉnh lại thế trận an ninh của mình sau khi Mỹ tăng cường cảnh báo về khả năng Nga tấn công Ukraine.
Hôm thứ Sáu (11/2) Washington thông báo rằng, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có một cuộc nói chuyện qua điện thoại vào thứ Bảy (12/2). Một cuộc hội đàm giữa TT Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng được mong đợi sẽ diễn ra trong ngày này.
Mỹ đã nói gì?
Hôm thứ Sáu, nhiều quốc gia phương Tây kêu gọi công dân của mình rời khỏi Ukraine khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có thể bắt đầu bất cứ lúc nào và có khả năng bắt đầu bằng một cuộc không kích.
Trong khi đó, phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, nước này nhận thấy rằng Tổng thống Putin có thể đưa ra quyết định tấn công Ukraine và điều đó sẽ gây khó khăn cho các công dân Mỹ đang sinh sống tại nước này.
Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Antony Blinken hôm thứ Sáu cho biết, các lực lượng Nga có thể tấn công Ukraine "bất cứ lúc nào".
“Chúng ta đang ở trong giai đoạn cận kề với một cuộc xâm lược vá nó có thể bắt đầu bất cứ lúc nào, nó có thể xảy ra trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông", ông Blinken nói trong chuyến thăm Australia.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine, Dmytro Kuelba, ông Blinken đảm bảo rằng Washington sẽ tiếp tục ủng hộ "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Kyiv.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã phản ứng ra sao?
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói chuyện với TT Biden, Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các nhà lãnh đạo tái khẳng định sự cần thiết của các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và nhanh chóng trong trường hợp Nga tấn công Ukraine.
"Các đồng minh quyết tâm cùng thực hiện các biện pháp trừng phạt nhanh và mạnh đối với Nga nếu nước này có thêm hành vi vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine", người phát ngôn chính phủ Đức cho biết trên Twitter.
"Tất cả các nỗ lực ngoại giao đều nhằm thuyết phục Moscow giảm leo thang. Mục đích là ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở châu Âu", Bộ Ngoại giao Đức cho biết thêm.
Ông Scholz sẽ đến Kyiv vào thứ Hai tuần sau "để thảo luận về các hành động chung nhằm chống lại các mối đe dọa", Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết trên Twitter.
TT Macron, người đã đến Moscow và Kyiv trong tuần này với nỗ lực phá vỡ sự bế tắc, nói rằng ông sẽ nói chuyện với Putin một lần nữa vào thứ Bảy.
Các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả TT Macron, đồng ý ưu tiên "ngoại giao, đối thoại và răn đe để đạt được mục đích là giảm leo thang".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các biện pháp trừng phạt trong trường hợp xảy ra xung đột sẽ nhằm vào các lĩnh vực tài chính và năng lượng của Nga.
Vào tối muộn ngày thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Nga đã phản ứng trước các tuyên bố và nói rằng các nước phương Tây đang sử dụng phương tiện truyền thông để lan truyền thông tin sai lệch rằng Moscow có thể đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine. Một tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, các nước phương Tây đang cố gắng đánh lạc hướng hành vi gây hấn của chính họ.
Kyiv kêu gọi sự giúp đỡ từ Berlin
Trong khi đó, đại sứ Ukraine tại Đức, Andriy Melnyk, đã có phản ứng công khai vào hôm thứ Sáu nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ chính quyền của Thủ tướng Scholz.
Melnyk nói trên WeltTV: “Chúng tôi muốn người Đức nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình này và chúng tôi mong muốn nhận được sự giúp đỡ bao gồm vũ khí phòng thủ cũng như sự hỗ trợ về kinh tế”.
Đại sứ Melnyk cho biết thêm, các vũ khí này không nhất thiết phải được sử dụng trên thực địa nhưng nó có thể tạo thêm trọng lực trong các cuộc đàm phán với TT Putin.
"Chúng ta không tự sát, nhưng chúng ta phải biết rằng nếu viễn cảnh khủng khiếp này xảy ra, cái giá mà ông Putin và những binh sĩ của ông phải trả sẽ rất cao nên cuộc chiến này vẫn nên bị ngăn chặn", Đại sứ Melnyk nói.
Ngoài ra, Đại sứ Melnyk cũng cho biết Kyiv mong muốn Đức sắp xếp lộ trình để Ukraine có cơ hội gia nhập EU ngay lập tức. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng, việc xem xét kết nạp Ukraine vào NATO cũng nên được đặt trên bàn.
Điều gì đang xảy ra ở sườn phía Đông của châu Âu?
Canada, Estonia, Đan Mạch, Vương quốc Anh, Latvia, Lithuania và Australia đã cùng với Na Uy, Hà Lan và Mỹ kêu gọi công dân của họ rời khỏi Ukraine. Phái đoàn của Liên minh châu Âu tại Ukraine cũng khuyến cáo các nhân viên không thiết yếu nên rời khỏi nước này.
Trong khi đó, Ukraine cho biết Nga đã rút lại các hạn chế hàng hải xung quanh Biển Azov.
Nga cho biết Biển Azov đang có các cuộc tập trận hải quân và các tuyến đường hàng hải gần Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 sẽ bị gián đoạn do các cuộc tập trận này gây ra.
Các quan chức Ukraine đã chỉ trích các cuộc tập trận hải quân của Nga và cho rằng đây là một phần trong cuộc chiến hỗn hợp mà Nga dùng để chống lại Ukraine.
Ngoài ra, Nga cũng đang tiến hành các cuộc tập trận ở Belarus, quốc gia có biên giới với phía Bắc Ukraine.
Theo ông Oleksiy Melnyk, đồng Giám đốc quan hệ đối ngoại và các chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Razumkov của Ukraine, sự không chắc chắn về ý định của Putin là một phần trong kế hoạch của Điện Kremlin.
Ông nói rằng Tổng thống Nga Putin đang chơi "một trò chơi địa chính trị lớn" với NATO và Hoa Kỳ.
"Thật không may, Ukraine lại nằm trong tâm điểm của trò chơi đó", Melnyk nói.
Châu Âu đã điều chỉnh thế trận an ninh của châu lục như thế nào?
Quân đội Mỹ hôm thứ Sáu đã công bố kế hoạch tái bố trí một phi đội máy bay chiến đấu F-16 từ Đức tới Romania "để củng cố an ninh khu vực". Các máy bay này sẽ đóng tại căn cứ không quân Fetesti cách Biển Đen chưa đầy 100 km. Tại căn cứ này hiện đã có các máy bay chiến đấu của Ý.
Mỹ cũng đang gửi thêm 3.000 quân đến Ba Lan để hỗ trợ lực lượng NATO đang đóng tại đây.
Đức sẽ gửi 6 hệ thống pháo tiên tiến đến Lithuania vào thứ Hai để tăng cường sức mạnh cho NATO. Đầu tuần này, Đức thông báo họ đang tăng cường sự hiện diện ở quốc gia Baltic bằng cách gửi thêm 350 binh sĩ đến nước này.
Phần Lan, một quốc gia không phải thành viên NATO, cũng hợp tác chặt chẽ với liên minh này bằng cách ký một thỏa thuận mua 64 máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-35.
Điều gì đã xảy ra ở Ukraine?
Ukraine đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với kênh truyền hình Nash TV, một kênh mà Cố vấn an ninh quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cho biết nó thuộc sở hữu của gia đình chính trị gia Yevhen Murayev.
Tháng trước, Vương quốc Anh cho biết Murayev là một trong những người mà Moscow sẽ đưa lên làm tổng thống trong trường hợp một cuộc tấn công quân sự mới nhằm vào Ukraine xảy ra. Murayvev chế giễu tuyên bố của Anh là "ngu ngốc" và Điện Kremlin bác bỏ và cho đó là thông tin sai lệch.