Gần 2 triệu ca nhiễm, hơn 120.000 người tử vong vì COVID-19
Tính đến 20h ngày 14/4 (giờ Việt Nam), theo thống kê của trang worldometers, COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ với 1.938.863 ca nhiễm COVID-19, 120.871 người tử vong và 459.427 ca bình phục.
Trong đó, Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất với 587.173 ca nhiễm, 23.644 ca tử vong. Số ca nhiễm và tử vong lớn khiến nhiều bệnh viện ở Mỹ, đặc biệt tâm dịch New York, trong tình trạng thiếu thiết bị, vật tư y tế và nhà xác quá tải.
Thi thể nạn nhân chết vì COVID-19 chất đống ở bệnh viện. |
Đứng thứ hai là Tây Ban Nha với 172.541 ca nhiễm và 18.056 người tử vong. Italy là nước đứng thứ ba với 159.516 ca nhiễm và 20.465 người tử vong. Italy là nước có số người tử vong chỉ xếp sau Mỹ. Pháp là quốc gia đứng thứ tư với 136.779 ca nhiễm và 14.967 người tử vong.
Xếp thứ năm tiếp tục là một quốc gia ở châu Âu, đó là Đức. Quốc gia này hiện ghi nhận 130.214 ca nhiễm và 3.203 ca tử vong. Anh xếp thứ sáu với 88.621 ca nhiễm và 11.329 ca tử vong.
Trung Quốc hiện xếp thứ bảy với 82.249 ca nhiễm và 3.341 ca tử vong. Trong 24h qua, Trung Quốc chỉ ghi nhận 89 ca nhiễm mới.
Tại Việt Nam, vào lúc 18h chiều nay 14/4, 1 ca nhiễm mới được ghi nhận, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 trên ca nước lên 266 ca. Hiện, 169 bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đã bình phục.
Thêm 1 ca nhiễm COVID-19 ở Thường Tín, Hà Nội
Chiều này 14/4, Việt Nam chỉ có 1 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 266 người.
Bệnh nhân 266 là nữ, 36 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội. Ngày 8-10/3, bệnh nhân đến chăm mẹ tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 12/3, bệnh nhân có biểu hiện ngứa họng.
Từ ngày 30/3 bệnh nhân cách ly tại nhà. Ngày 12/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào ngày 14/4.
Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Như vậy, hôm nay Việt Nam chỉ ghi nhận 1 ca nhiễm COVID-19 vào buổi chiều.
Bắc Ninh xác định 177 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân số 262
Liên quan đến bệnh nhân số 262 nhiễm COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh cho biết, tính đến chiều 14/4, ngành chức năng trong tỉnh đã lập danh sách xác định 177 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân (F1) và 525 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc với bệnh nhân (F2).
Cụ thể, trong số 177 trường hợp F1 có 90 người đang cách ly tại Bắc Ninh và 87 người được chuyển rà soát, cách ly tại các tỉnh, thành phố khác.
Bệnh nhân 262 là nhân viên của Samsung Việt Nam. |
Trong số 525 trường hợp F2 có 86 người đang cách ly tại Bắc Ninh, 439 người đang được rà soát và cách ly tại tỉnh, thành phố khác. Tất cả các trường hợp F1 và F2 đã được lấy mẫu xét nghiệm.
Trước đó, ngày 13/4, Bộ Y tế thông tin bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 262 đang làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Display Việt Nam là nam giới, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại xóm Chợ, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.
Qua điều tra dịch tễ, ngày 27/3, bệnh nhân số 262 có tiếp xúc với bệnh nhân số 254 ở thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội). Từ ngày 31/3 - 6/4, người này có triệu chứng ho khan, sốt và không điều trị gì. Hàng ngày, bệnh nhân đi làm bình thường và di chuyển bằng xe bus của Công ty. Tại nơi làm việc, người này thường xuyên đeo khẩu trang, được kiểm tra thân nhiệt.
Tại bộ phận bệnh nhân số 262 làm việc có 20 người làm việc trên máy tính, ăn trưa ở một khu vực riêng. Sau thời gian làm việc, bệnh nhân về nhà chỉ tiếp xúc với gia đình, không tiếp xúc với người ngoài.
Từ ngày 7/4, bệnh nhân nghỉ làm tại Công ty và cách ly tại nhà. Đến ngày 11/4, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Tỉnh Bắc Ninh đang phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Display triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Argentina phạt 1.236 USD nếu không đeo khẩu trang
Chính quyền thủ đô Buenos Aires của Argentina ngày 13/4 đã ra thông báo về quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt là trong khi sử dụng các phương tiện công cộng, tiếp công dân, bán thực phẩm và thuốc men, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thị trưởng Buenos Aires Horacio Rodriguez cho biết, biện pháp trên sẽ có hiệu lực kể từ 0h00 ngày 15/4 (theo giờ địa phương) và những người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000 pesos (154 USD) cho tới 80.000 pesos (1.236 USD). Các cửa hàng bán thực phẩm nếu không tuân thủ cũng sẽ bị đóng cửa.
Ông Rodriguez giải thích, quyết định được đưa ra sau khi nhận thấy, bình quân mỗi 3 bệnh nhân nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì có 2 người không có triệu chứng mắc bệnh và có thể sẽ là nguồn lây nhiễm cho những người tiếp xúc sau đó. Chính vì vậy, việc sử dụng khẩu trang sẽ giúp hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Sau khi chính quyền trung ương Argentina quyết định kéo dài tình trạng cách ly xã hội cho tới cuối tháng 4, một số lĩnh vực ở quốc gia Nam Mỹ này đã được nới lỏng một phần quy định, trong đó hệ thống giao thông công cộng sẽ được tăng thêm chuyến và các xưởng sửa chữa ô tô sẽ được mở cửa trở lại.
Theo thông báo cập nhật mới nhất, Argentina hiện ghi nhận 2.208 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2, tăng 66 trường hợp so với thống kê trước đó, và 95 người tử vong.
Nhật Bản công bố cơ cấu độ tuổi bệnh nhân nhiễm và tử vong
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 13/4, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã lần đầu tiên công bố cơ cấu độ tuổi bệnh nhân nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 tại nước này. Theo đó, tỷ lệ tử vong tăng ở nhóm bệnh nhân độ tuổi từ 80 đến 90 cao gấp 6 lần so với mức trung bình.
Số liệu báo cáo tính đến ngày 12/4 của Bộ trên cho thấy số ca tử vong do mắc COVID-19 ở Nhật Bản là 102 người, chiếm 1,43% tổng số bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong cao nhất là ở nhóm bệnh nhân độ tuổi 80 với 9,57%, ở nhóm độ tuổi 90 là 9,17%, tiếp đến là nhóm độ tuổi 70 với 5,7%.
Ở các nhóm độ tuổi thấp hơn tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn, trong đó ở độ tuổi 60 là 1,11%, độ tuổi 50 là 0,5% và độ tuổi 40 là 0,17%. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân COVID-19 đông nhất ở độ tuổi 50 với 1200 người, tiếp đến là độ tuổi từ 20 đến 40 với mức từ 1.128 đến 1.199 người.
Báo cáo cũng cho biết tại Nhật Bản chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tử vong ở độ tuổi 30 trở xuống, tuy nhiên, có từ 1-5 trường hợp các độ tuổi dưới 30 đang trong tình trạng bệnh nặng và phải điều trị tích cực.
Đại diện Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản nhấn mạnh tất cả các độ tuổi đều có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, theo đó khuyến cáo mọi người cần hạn chế đến nơi tập trung đông người, không gian kín và tiếp xúc gần.
Ấn Độ gia hạn phong tỏa thêm 21 ngày
Tại Ấn Độ, ngày 14/4, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố gia hạn phong tỏa cả nước thêm 21 ngày, đến ngày 3/5, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ấn Độ đến nay đã ghi nhận 10.453 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 358 ca tử vong.
Singapore có ca nhiễm đầu tiên là công dân Việt Nam
Singapore đã ghi nhận một công dân Việt Nam đầu tiên nhiễm COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm tại quốc đảo này đã lên tới gần 3.000 ca tính đến hết ngày 13/4.
Thông báo của Bộ Y tế Singapore cho biết, bệnh nhân (số 2540) quốc tịch Việt Nam mang thị thực lao động, 36 tuổi, nam giới, hiện đang được điều trị tại bệnh viện Khoo Teck Puat. Tính đến hết ngày 13/4, Singapore có tổng cộng 2.918 ca nhiễm, trong đó 586 ca đã hồi phục và xuất viện, 29 ca đang điều trị tích cực và 9 ca tử vong.
Bộ Y tế Singapore xác định tổng cộng tới nay có 28.333 trường hợp tiếp xúc gần và đã được cách ly, trong đó 16.750 đã hoàn tất thời hạn cách ly.
Singapore hiện có gần 3.000 ca nhiễm và 9 ca tử vong vì COVID-19. |
Trong một diễn biến liên quan, Tiến sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena ngày 14/4 cho biết, những nghiên cứu tại Mỹ, Trung Quốc, Italy cho thấy số người mắc COVID-19 không có biểu hiện bệnh và ít biểu hiện chiếm tỷ lệ nhiều hơn so với đánh giá ban đầu, từ 55-70% tổng số bệnh nhân.
Đáng chú ý, những người có thể lây nhiễm bệnh cho người khác trong vòng 4 tuần. Do đó, để có thể thực sự ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, thời gian thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại cần khoảng 6 tuần. Điều này có nghĩa Singapore có thể sẽ phải kéo thời gian cách ly xã hội thêm hai tuần sau ngày 4/5.
Cũng theo Tiến sĩ Leong, số ca nhiễm không phát bệnh ngày càng tăng sẽ giúp tạo ra sự miễn dịch cộng đồng, tất nhiên cần phải có số ca nhiễm đủ lớn. Với tốc độ hiện nay, cần phải mất 2 đến 3 năm mới có thể tạo ra được sự miễn dịch cộng đồng trước dịch bệnh COVID-19.
Trước tình trạng số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh, trong khi vẫn còn quá nhiều người vi phạm các biện pháp hạn chế đi lại, ngày 13/4, Trung tâm Dịch bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Singapore (NCID) cảnh báo số người tử vong tại Đảo quốc Sư Tử sẽ còn gia tăng nếu như người dân nước này vẫn cứ tiếp tục coi thường sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 và vi phạm các quy định của Chính phủ.
Pháp gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 4 tuần
Trong 2 tuần tới, Chính phủ nước này tích cực chuẩn bị các phương án để phục hồi dần hoạt động của đất nước kể từ sau ngày 11/5.
Ngày 13/4, nước Pháp ghi nhận thêm 335 ca tử vong trong hệ thống bệnh viện và 239 ca tử vong trong các trung tâm chăm sóc người cao tuổi liên quan dịch Covid-19. Như vậy, số ca tử vong vì Covid-19 kể từ đầu mùa tại Pháp đã là 14.967 ca. Hiện có 6.821 ca bệnh nặng, đang được hồi sức cấp cứu, con số này đang giảm nhẹ liên tiếp trong 5 ngày qua.
Kết thúc 4 tuần phong tỏa toàn quốc, tối ngày 13/4, phát biểu trên sóng truyền hình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận nước Pháp đã không chuẩn bị được tốt nhất khi dịch bệnh tràn đến, mặc dù đã có nỗ lực nhưng dịch bệnh chưa được kiểm soát. Chính vì vậy, Tổng thống Pháp thông báo tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 4 tuần nữa, với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Nước Pháp cần phải tiếp tục nỗ lực và tuân thủ các quy định. Các quy định càng được tuân thủ thì càng cứu được nhiều mạng sống hơn. Vì vậy, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất cần được tiếp tục tới ngày thứ Hai, 11/5 tới. Đây là cách ứng phó duy nhất có hiệu quả, là điều kiện để kiềm chế hơn nữa sự lây lan của virus, giải phóng các giường bệnh hồi sức, cấp cứu và cho phép đội ngũ chăm sóc y tế có thời gian hồi phục thể lực”.
Tổng thống Pháp cũng cho biết, sau thời điểm ngày 11/5, nước Pháp sẽ mở cửa dần trở lại các cơ sở giáo dục, trừ các trường đại học. Bên cạnh đó, các dịch vụ không thiết yếu như nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, rạp chiếu phim… sẽ tiếp tục phải đóng cửa. Các hoạt động văn hóa, xã hội, giải trí chưa thể được tổ chức trở lại trước thời điểm giữa tháng 7 tới.
Số ca tử vong vì Covid-19 kể từ đầu mùa tại Pháp đã là 14.967 ca. Ảnh: Getty |
Tổng thống Pháp cũng đề cập tới vấn đề xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với người dân. Trong thời gian tới, nước Pháp sẽ tăng cường khả năng xét nghiệm mỗi ngày, ưu tiên cho những người cao tuổi, đội ngũ nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất. Việc xét nghiệm sẽ được tiến hành ở tất cả các bệnh viện, phòng xét nghiệm công và tư. Mục tiêu là sau ngày 11/5, nước Pháp sẽ đạt khả năng xét nghiệm tất cả những người có triệu chứng của Covid-19.
Tổng thống Pháp cho biết: “Ngày 11/5 tới, nước Pháp sẽ có khả năng xét nghiệm tất cả những người có triệu chứng. Chúng tôi không xét nghiệm tất cả người dân vì điều đó không có ý nghĩa mà tất cả những người có triệu chứng sẽ được xét nghiệm. Những người nhiễm vi rút có thể sẽ được cách ly, được chăm sóc và được các bác sĩ theo dõi”.
Đối với vấn đề khẩu trang, kể từ ngày 11/5, chính phủ Pháp sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương trang bị cho mỗi người dân 1 khẩu trang có thể tái sử dụng. Đối với người dân làm nghề dễ bị lây nhiễm hoặc các nghề đặc thù như giao thông công cộng, việc mang khẩu trang sẽ là “có hệ thống”. Việc mang khẩu trang có bắt buộc hay không, không được Tổng thống Pháp đề cập tới.
Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp cũng công bố hàng loạt các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, đặc biệt các gia đình gặp khó khăn, các cơ sở kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, du lịch… những lĩnh vực bị tác động lâu dài bởi dịch bệnh.
Tổng thống Pháp cũng cho biết, Pháp sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới với các quốc gia không thuộc liên minh châu Âu (EU) cho đến khi có quyết định mới. Trong vòng 2 tuần tới, chính phủ Pháp sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn sau ngày 11/5, đặc biệt là kế hoạch tổ chức cuộc sống của người dân và hoạt động của đất nước./.
00h2600h32
Trump khẳng định thẩm quyền quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ
Ngày 13/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh, chỉ ông mới có quyền quyết định về khi nào cho phép mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ, thay vì các thống đốc bang.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: "Đó là quyết định của Tổng thống, và vì nhiều lý do tốt đẹp. Về điều đang được đề cập đến, Chính quyền và Tôi đang hợp tác chặt chẽ với các thống đốc, và việc này sẽ tiếp diễn. Một quyết định do tôi đưa ra, cùng với các Thống đốc và sự tham gia của những người khác, sẽ nhanh chóng được thực hiện!".
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 tính tới thời điểm này. |
Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra giữa lúc dịch bệnh COVID-19 vẫn lây lan nhanh tại Mỹ và đặc biệt là bang New York. Tổng số trường hợp tử vong riêng tại bang New York đã lên tới 10.056 trường hợp, tăng 671 ca trong 24 giờ qua. Số ca mắc bệnh COVID-19 đang điều trị trong các bệnh viện ở bang này hiện cũng lên tới 18.825 ca.
Còn trên toàn nước Mỹ, tính đến 0h30 ngày 14/4 (giờ Việt Nam), quốc gia này ghi nhận 561.875 ca nhiễm và 22.161 ca tử vong.
Số ca tử vong ở Italy vượt mốc 20.000 người
Phóng viên TTXVN dẫn số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết tính đến cuối ngày 13/4, nước này đã ghi nhận thêm 3.153 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 lên 159.516 trường hợp.
Như vậy, số ca bệnh mới được ghi nhận ở Italy nằm ở mức thấp nhất kể từ ngày 7/4. Trong khi đó, số bệnh nhân tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Italy trong 24 giờ qua đã tăng thêm 566 người, lên tổng cộng 20.465 trường hợp.
Tuy nhiên, số bệnh nhân hồi phục đã tăng thêm 1.224 ca, lên 35.435 người. Tổng số bệnh nhân phải điều trị tích cực là 3.260 trường hợp (giảm 83 ca). Ngoài ra, Italy hiện ghi nhận 28.023 ca nhập viện và 72.333 ca cách ly tại nơi ở.
Số ca tử vong tại bang New York vượt 10.000
Ngày 13/4, bang New York, Mỹ ghi nhận số ca tử vong trong 24 giờ qua giảm tới 87 ca, mức giảm nhiều nhất trong một tuần qua mặc dù đại dịch bùng phát mạnh tại tiểu bang đã lấy đi sinh mạng hơn 10.000 người tại đây.
Tại cuộc họp báo cập nhật tình hình đối phó đại dịch, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết số người tử vong của tiểu bang ngày 13/4 là 671 người. Số ca nhiễm bệnh hiện điều trị tại viện là 18.825 ca, tăng 118 ca nhưng mức tăng số ca nhập viện tính trung bình trong 3 ngày qua đã giảm mạnh. Số bệnh nhân mới nhập viện trong 24 giờ qua là 1.958 người, mức thấp nhất tính trong thời gian 2 tuần.
Tại buổi họp báo riêng trước đó, thị trưởng Bill de Blasio cho biết số ca nhiễm bệnh phải nhập viện ở riêng thành phố New York đã giảm 17% trong 24 giờ qua, từ 463 người xuống còn 383 người; số người phải điều trị tích cực cũng giảm nhẹ, từ 857 người xuống 835 người.
Liên quan đến việc khi nào hệ thống trường công tại New York sẽ được mở lại, thống đốc Cuomo và thị trưởng de Blasio vẫn không thể nhất trí với nhau. Ngày 13/4, Thị trưởng de Blasio vẫn khẳng định các trường công lập của thành phố New York sẽ đóng cửa đến hết năm học theo quyết định ông đưa ra hôm Thứ Bảy ngày 11/4 trong khi thống đốc Cuomo nhấn mạnh lại rằng ông bác bỏ quyết định đó.