• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cập nhật COVID 19 ngày 21/4: Ca tử vong tại Tây Ban Nha tăng trở lại

Cập nhật tình hình dịch bệnh COVID 19 ngày 21/4 tại Việt Nam và các nước trên thế giới. Hãy...
20h08

Ca tử vong vì COVID-19 tại Tây Ban Nha tăng trở lại

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 430 người chết vì COVID-19, tăng nhẹ so với hôm qua, nâng số ca tử vong toàn quốc lên 21.282. 

Theo giới chức Tây Ban Nha, số liệu hôm nay tăng nhẹ do có chút chậm trễ trong việc tiếp nhận số liệu từ các địa phương vào cuối tuần qua. Nước này hôm qua ghi nhận 399 ca tử vong mới, mức tăng thấp nhất trong 4 tuần. 

Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng báo cáo thêm 3.968 ca nhiễm COVID-19, nâng số ca nhiễm tại nước này lên 204.178, trong đó 82.518 trường hợp đã bình phục. Tây Ban Nha hiện vẫn là vùng dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

  Người dân xách đồ mua từ tiệm tạp hóa tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, hôm 20/4. Ảnh: AFP.

Người dân xách đồ mua từ tiệm tạp hóa tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, hôm 20/4. Ảnh: AFP.

Tình trạng nhân viên y tế nhiễm nCoV tại Tây Ban Nha đặc biệt nghiêm trọng do thiếu đồ bảo hộ lúc đại dịch mới bùng phát. 31.788 trường hợp nhiễm nCoV là nhân viên y tế, chiếm hơn 15% tổng số ca nhiễm ở nước này. 

Giới chức Tây Ban Nha tin rằng đại dịch đã đạt đỉnh vào ngày 2/4, thời điểm 950 người chết vì nCoV được ghi nhận trong vòng 24 giờ, gần ba tuần sau khi chính phủ áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt với gần 47 triệu dân.

Lệnh phong tỏa tại Tây Ban Nha sẽ kéo dài đến ngày 9/5. Trước đó vào ngày 27/4, một số quy định đã được nới lỏng, cho phép trẻ em ra ngoài trong khoảng thời gian nhất định. Lễ hội bò tót nổi tiếng nhất Tây Ban Nha tại thị trấn Pamplona, sự kiện thường niên từ ngày 6 đến 14/7, năm nay đã bị hủy.  (theo VnExpress)

18h34

Hàn Quốc truy tố 10 người vi phạm quy định tự cách ly

Cơ quan công tố Hàn Quốc ngày 21/4 cho biết đã truy tố 10 người vi phạm quy định tự cách ly.

Ngoài ra, cơ quan công tố và cảnh sát cũng đang điều tra hai người đàn ông đang bị tạm giam với các cáo buộc vi phạm tương tự. Cơ quan công tố khẳng định sẽ điều tra và có thể bắt giữ bất cứ ai cố tình vi phạm quy định tự cách ly và tái diễn nhiều lần.

Hàn Quốc đã thông qua các quy định cách ly nghiêm ngặt hơn, như tự cách ly bắt buộc đối với tất cả những người vừa nhập cảnh, nhằm chống dịch tốt hơn. Những người vi phạm quy định có thể phải chịu phạt lên tới 1 năm tù giam hoặc phạt tới 10 triệu won (8.127 USD).

18h09

Đã 5,5 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới

Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 lúc 18h00 ngày 21/4 cho biết, hôm nay Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 nào. Như vậy đã 5,5 ngày trôi qua, Việt Nam không có ca nhiễm mới nào.

Hiện, Việt Nam có 268 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%, 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%. Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 75.799, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 268; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.368; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 60.163.

17h26

Gần 53.000 người nhiễm COVID-19 tại Nga

Nga ghi nhận hơn 5.600 ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm lên gần 53.000, trong đó 456 người đã chết.

Trung tâm xử lý Khủng hoảng COVID-19 thuộc Cơ quan Giám sát Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Nhân quyền Liên bang Nga (Rospotrebnadzor) hôm nay thông báo ghi nhận 5.642 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm lên 52.763.

Trong số hơn 5.600 ca nhiễm mới có 2.567 ca không triệu chứng, tương đương khoảng 45,5%. Rospotrebnadzor báo cáo thêm 51 ca tử vong, tổng số người chết vì nCoV tại Nga đến nay là 456.

  Nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ tại một bệnh viện ở thủ đô Moskva, Nga ngày 20/4. Ảnh: TASS.

Nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ tại một bệnh viện ở thủ đô Moskva, Nga ngày 20/4. Ảnh: TASS.

Thủ đô Moskva là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19 với 29.433 ca nhiễm, tăng 3.093 ca trong 24 giờ, trong đó thêm 29 người chết, nâng tổng số người tử vong lên 233. Giới chức y tế Moskva cho biết các bệnh nhân chết vì COVID-19 này đều có bệnh lý nền hoặc bị biến chứng nặng.

Rospotrebnadzor cho biết hơn Nga đã thực hiện hơn 2,1 triệu lượt xét nghiệm và đang theo dõi khoảng 139.000 người. Nga xét nghiệm mở rộng những người tiếp xúc với người nhiễm nCoV lẫn bệnh nhân nhiễm virus gây hội chứng hô hấp cấp tính khác nên số ca nhiễm tăng mạnh, thậm chí đạt mức kỷ lục hôm 19/4, Giám đốc Cơ quan Y sinh Liên bang Veronika Skvortsova cho biết.

Trung tâm Nghiên cứu Virus và Công nghệ Sinh học Quốc gia (Vector) đã thành lập nhóm tình nguyện viên ở độ tuổi 18-80 để thử nghiệm vaccine chống COVID-19. Tổng giám đốc trung tâm Rinat Maksyutov nói vaccine đã được thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm tiền lâm sàng trên người sẽ được triển khai ngày 1/5-22/6. (theo VnE)

16h23

Số ca nhiễm COVID-19 ở Indonesia vượt quá 7.000 người

Theo Reuters, Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, ông Achmad Yurianto ngày 21/4 cho biết Indonesia đã ghi nhận thêm 375 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên thành 7.135 người.

Theo ông Yurianto, Indonesia cũng ghi nhận 26 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong do mắc bệnh COVID-19 trên cả nước lên thành 616 người. Cho đến nay, có hơn 46.700 bệnh nhân đã được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và 842 người đã được chữa khỏi bệnh ở Indonesia.

15h18

WHO không giấu giếm Mỹ trong cách đối phó với dịch COVID-19

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/4 cho biết tổ chức này không có gì phải "giấu giếm Mỹ ngay từ đầu" trong phản ứng với dịch COVID-19 khi các chuyên gia Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch này.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Tedros cho hay khoảng 15 nhân viên của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã  tới hỗ trợ WHO kể từ tháng 1, với 2 quan chức Mỹ được chỉ định làm việc dài hạn - một dấu hiệu của sự minh bạch của cơ quan này, đồng thời khẳng định "tất cả các nước ngay lập tức đều nhận được thông tin".

Gọi đại dịch COVID-19 là "kẻ thù số 1 của cộng đồng", người đứng đầu WHO nhấn mạnh: "Chúng tôi đã cảnh báo ngay từ khi bắt đầu, đây là một con quỷ mà tất cả mọi người nên chiến đấu".

Ông Tedros đưa ra những phát biểu trên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/3 ra lệnh ngừng đóng góp tài chính cho WHO, cáo buộc cơ quan này đã làm rối cách đối phó với COVID-19 ngay từ đầu, mặc dù cơ quan chuyên trách sức khỏe toàn cầu này đã điều phối những nỗ lực quốc tế chống lại đại dịch.

Ông Trump cũng một mực cho rằng WHO không chia sẻ thông tin theo cách thức "kịp thời và minh bạch" kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

14h47

Thế giới vượt mốc 170.000 người chết

Tính đến 14h30 ngày 21/4 (giờ Việt Nam), theo thống kê của trang worldometers, số người chết vì COVID-19 trên toàn thế giới hiện đã vượt mốc 170.000, trong khi số ca nhiễm hiện cũng gần 2,5 triệu người, hiện đang ở 2.483.181 ca.

Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới với 792.938 ca nhiễm và 42.518 ca tử vong. Tây Ban Nha xếp thứ 2 với hơn 200.000 ca nhiễm và hơn 24.000 ca tử vong. Thứ 3 là Italy với hơn 181.000 ca nhiễm và hơn 24.000 ca tử vong.

  Một người đàn ông lớn tuổi nhìn lên bầu trời khi một Kỹ thuật viên y tế khẩn cấp (EMT) đưa ông trở lại trung tâm điều dưỡng Cobble Hill trong đợt dịch COVID-19 đang diễn ra ở Brooklyn, New York, ngày 17/4. Ảnh: REUTERS

Một người đàn ông lớn tuổi nhìn lên bầu trời khi một Kỹ thuật viên y tế khẩn cấp (EMT) đưa ông trở lại trung tâm điều dưỡng Cobble Hill trong đợt dịch COVID-19 đang diễn ra ở Brooklyn, New York, ngày 17/4. Ảnh: REUTERS

Số ca nhiễm mới và tử vong có dấu hiệu giảm trong 24 giờ qua. Điều này khiến các nước như Mỹ, Italy, Đan Mạch nới lỏng dần các biện pháp hạn chế xã hội.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 21/4 thông báo vào trước cuối tuần này, quốc gia Nam Âu này sẽ công bố kế hoạch dỡ bỏ từng bước lệnh phong tỏa được áp đặt trước đó để đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/5 tới.

Trên trang Facebook cá nhân, ông Conte nói: "Tôi ước tôi có thể nói: hãy dỡ bỏ mọi thứ. Ngay lập tức. Chúng ta bắt đầu (dỡ bỏ) từ sáng mai... Tuy nhiên, một quyết định như vậy sẽ là tắc trách, khiến cho đường cong diễn biến dịch bệnh đi lên theo hướng không thể kiểm soát và hủy hoại mọi nỗ lực mà chúng ta đã triển khai đến nay. Chúng ta cần phải hành động trên cơ sở kế hoạch tái mở cửa quốc gia".

Cùng ngày, kênh truyền hình TV2 dẫn thông báo của Bộ Y tế Đan Mạch cho biết nước này sẽ tăng tối đa số người được phép tụ tập tại các địa điểm công cộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 từ 10 lên 500 người, bắt đầu từ ngày 10/5 và có hiệu lực tới ngày 1/9 tới.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/4 cảnh báo rằng bất kỳ quyết định dỡ bỏ tình trạng phong tỏa vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, phải thực hiện dần dần và nếu những hạn chế được dỡ bỏ quá sớm sẽ dẫn tới làn sóng tái bùng phát dịch bệnh.

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, ông Takeshi Kasai nhận định những biện pháp phong tỏa đang chứng minh hiệu quả và người dân phải sẵn sàng thích nghi một lối sống mới để xã hội tiếp tục hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát.

Theo ông Kasai, cho đến khi tìm ra vaccine phòng ngừa COVID-19, quá trình thích ứng với đại dịch sẽ phải trở thành một tình trạng bình thường mới.

Cũng tại cuộc họp báo, đề cập đến nguồn gốc gây dịch bệnh COVID-19, WHO tuyên bố chưa thể xác minh được nguồn gốc chính xác của virus SARS-CoV-2 vào thời điểm này. Ông Takeshi Kasai nhấn mạnh rằng cho đến nay chưa thể đưa ra những kết luận cuối cùng, nhưng có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật.

14h18

Hơn 120 gia đình trong khu vực Phủ Tổng thống Ấn Độ phải tự cách ly

Một quan chức cấp cao ngày 21/4 cho biết, 125 gia đình đã phải tự cách ly trong khu vực Dinh Tổng thống Ấn Độ, nơi đặt tòa nhà Phủ Tổng thống (Rashtrapati Bhavan), sau khi một người trong khu vực này có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo The Hindu, quan chức trên khẳng định tòa nhà Rashtrapati Bhavan, nơi ở của Tổng thống Ram Nath Kovind và gia đình ông không bị ảnh hưởng. Tất cả các nhân viên tự cách ly ở nhà đều được yêu cầu không đi ra ngoài và sẽ được chính quyền cung cấp thực phẩm.      

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đã ghi nhận 18.600 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 21/4, trong đó có 590 người tử vong. Tại vùng lãnh thổ thủ đô Delhi, số người nhiễm bệnh cũng đã tăng lên 2.081 người với 47 ca tử vong.

Để ngăn ngừa virus lây lan, Delhi hôm 19/4 tiếp tục đưa thêm 5 khu vực nữa vào diện các điểm nóng COVID-19, nâng tổng số các điểm nóng lên 84.

13h53

WHO: Chưa thể xác minh nguồn gốc của virus SARS-CoV-2

Theo Reuters, ngày 21/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố chưa thể xác minh được nguồn gốc chính xác của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây đại dịch COVID-19 vào thời điểm này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO Takeshi Kasai nhấn mạnh rằng cho đến nay, chưa thể đưa ra những kết luận cuối cùng, nhưng có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật.

Hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính phủ của ông đang tìm cách xác minh liệu virus SARS-CoV-2 có phải được phát tán từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, hay không.

12h31

5.000 người Mỹ kiện Trung Quốc vì COVID-19

Khoảng 5.000 người Mỹ nhiễm hoặc có thân nhân chết vì Covid-19 ký vào đơn kiện do công ty luật Berman khởi xướng, đòi Trung Quốc bồi thường nhiều tỷ USD.

Đơn kiện tập thể này do Tập đoàn Luật Berman có trụ sở tại thành phố Miami, bang Florida của Mỹ, khởi xướng, cho rằng chính phủ Trung Quốc phải bồi thường vì đã biết về Covid-19 nhưng không kịp thời thông báo cho phần còn lại của thế giới.

Theo thông báo hôm 20/4 của công ty Berman, vụ kiện "tìm kiếm khoản bồi thường hàng tỷ USD cho những người chịu tổn hại cá nhân, tử vong không đáng có, thiệt hại tài sản và các thiệt hại khác do Trung Quốc không ngăn chặn Covid-19 dù họ có khả năng ngăn chặn dịch bệnh ở giai đoạn đầu".

Berman cho biết họ "mong muốn đấu tranh cho quyền của người dân và doanh nghiệp trên khắp Florida và những nơi khác của đất nước, những người đã bị nhiễm virus, phải chăm sóc người thân, đối mặt thảm họa tài chính, cách biệt cộng đồng và bị cách ly".

"Vụ kiện của chúng tôi đề cập đến những người bị tổn hại thân thể do phơi nhiễm virus cũng như hoạt động thương mại của Trung Quốc ở các khu chợ tươi sống", phát ngôn viên Tập đoàn Luật Berman nói, thêm rằng tính đến cuối tháng 3, hơn 5.000 người Mỹ đã ký vào đơn kiện.

Một đơn kiện khác cũng được nộp tại thành phố Las Vegas, bang Nevada, Mỹ, yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại hàng tỷ USD cho 5 doanh nghiệp địa phương. Theo đơn kiện, chính phủ Trung Quốc nên chia sẻ thêm thông tin về nCoV, nhưng họ đã đe dọa các bác sĩ, nhà khoa học, nhà báo, luật sư và khiến Covid-19 lây lan.

Tuy nhiên, Stephen L Carte, giáo sư luật tại Đại học Yale, cho biết với tư cách là một quốc gia, Trung Quốc sẽ không phải bồi thường trước những đơn kiện như vậy, dù với bất cứ cáo buộc nào.

Phản ứng về thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm qua rằng Washington đã không bồi thường cho ai sau đại dịch cúm H1N1 năm 2009, vốn được phát hiện đầu tiên ở Mỹ. 

10h32

Trump hạ dự báo ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ

Trump nói khoảng 50.000-60.000 người có thể chết trong đại dịch tại Mỹ, thấp hơn so với tuyên bố 100.000 ca tử vong trước đây. 

"Giờ chúng tôi hướng tới mốc 50.000, hoặc 60.000 người chết. Còn 100.000 là quá nhiều. Tôi luôn nói như thế. 100.000 người, mức thấp nhất của dự đoán ca tử vong trước đây, là quá nhiều", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo Covid-19 tại Nhà Trắng ngày 20/4.

Dự báo về số ca tử vong do COVID-19, Trump đưa ra lần này thấp hơn rất nhiều so với con số hồi cuối tháng 3, khi tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ, cảnh báo số người chết tại Mỹ có thể lên đến 100.000-200.000 trong số hàng triệu ca nhiễm. Trump hôm 29/3 cũng nói nếu giữ được số ca tử vong ở mức 100.000 hoặc thấp hơn là "rất tốt".

"Nếu chúng tôi không làm những gì đã làm, chúng ta có thể chứng kiến một triệu, hoặc hai triệu người chết, thậm chí là nhiều hơn", Trump nói trong họp báo hôm qua.

  Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 20/4. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 20/4. Ảnh: AFP.

Tuyên bố của Trump được đưa ra trong bối cảnh số người chết tại Mỹ hôm nay đã lên tới 41.872 trong tổng số 782.159 ca nhiễm, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.  

Trump gần đây khuyến khích các bang nới lỏng biện pháp hạn chế dịch lan rộng khi cảm thấy điều đó an toàn. Deborah Birx, điều phối viên phản ứng chống Covid-19 của Nhà Trắng, nói các thống đốc bang có thể tự quyết định việc mở cửa lại nền kinh tế dù không tuân theo hướng dẫn của chính phủ.

Bang Nam Carolina đã nới lỏng một số hạn chế, bang Georgia cho phép một số doanh nghiệp hoạt động trở lại trong tuần và bang Tennessee có thể mở cửa trở lại vào ngày 1/5. Thành phố Jacksonville, Florida mở cửa trở lại trước các địa phương khác do ghi nhận ca nhiễm mới dưới 20. Thống đốc bang Illinois và Louisiana cho biết có thể sớm mở cửa trở lại một phần.

Biểu tình chống phong tỏa xảy ra ở Mỹ những ngày qua khi dân chúng thấy chán nản khi phải ở nhà, cho rằng các biện pháp hạn chế vi phạm quyền tự do cá nhân và khiến họ mất việc. Trump bày tỏ ủng hộ những người biểu tình đòi mở cửa trở lại và gọi họ là "những người yêu nước". (theo VnE)

10h17

Tổng thống Trump ký lệnh đình chỉ nhập cảnh vào Mỹ

  Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ vào một phóng viên khi ông trả lời các câu hỏi trong cuộc họp báo về COVID-19 hàng ngày tại Nhà Trắng ngày 20/4. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ vào một phóng viên khi ông trả lời các câu hỏi trong cuộc họp báo về COVID-19 hàng ngày tại Nhà Trắng ngày 20/4. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vào sáng 21/4 (theo giờ Việt Nam), ông sẽ ký một lệnh hành chính để tạm thời đình chỉ mọi hoạt động nhập cảnh vào Hoa Kỳ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra. 

Theo Reuters, hôm nay ông Trump viết trang mạng cá nhân Twitter với nội dung "Trước sự tấn công của Kẻ thù Vô hình, cũng như sự cần thiết phải bảo vệ công việc của công dân Mỹ vĩ đại của chúng ta, tôi sẽ ký một Sắc lệnh hành chính để tạm thời đình chỉ nhập cư vào Hoa Kỳ".

Mỹ tiếp tục là tâm dịch với số ca tử vong đã lên tới hơn 42.000 người. Số ca mắc COVID-19 trên toàn nước Mỹ hiện gần 793.000 ca. Ngoài ra, tại Mỹ cũng có 71.003 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục, trong khi 13.566 bệnh nhân khác đang trong tình trạng nặng và nguy kịch, theo thống kê từ Reuters.

Nền kinh tế Mỹ đã bế tắc do đại dịch COVID-19 và hơn 22 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng vừa qua.

07h34

Việt Nam bước vào ngày thứ 5 liên tiếp không có ca mắc mới COVID-19

Bản tin 6h00 ngày 21/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy Việt Nam bước vào ngày thứ 5 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc nào.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong 268 trường hợp mắc bệnh, có 160 người nước ngoài chiếm 59,7%, 108 người lây nhiễm thứ phát chiếm 40,3%.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 75.799. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 268; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.368 và cách ly tại nhà; nơi lưu trú: 60.163.

00h25

Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đã nhận 1.100 đơn đăng ký nguyện vọng về nước

Hiện các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Canada đã nhận được hơn 1.100 đơn đăng ký nguyện vọng về nước. Đại sứ quán Việt Nam cảnh báo người dân không cung cấp thông tin cá nhân và thực hiện các giao dịch tài chính với tổ chức, cá nhân mượn danh nghĩa Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán để đứng ra thu xếp chuyến bay không phải do Chính phủ cấp phép.

Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Canada vừa có khuyến cáo khẩn về việc những ngày vừa qua, Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Canada nhận được nhiều phản ánh, thắc mắc của công dân về việc một số tổ chức, cá nhân đứng ra thu tiền đặt cọc để tổ chức các chuyến bay đưa công dân từ Canada về nước.

Trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân được đăng tải trên website chính thức của Đại sứ quán https://vietnamembassy.ca/: 613-882-6699; 343-777-8384; 343-777-4999, email: visa@vietnamembassy.ca (lãnh sự, bảo hộ công dân)số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự là: +84.981.84.84.84, số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp công dân Việt Nam + 844 62 844844

Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể về các đối tượng ưu tiên khi thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước: ưu tiên trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau đã đăng ký với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. 

Hiện nay, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Canada đã nhận được hơn 1.100 đơn đăng ký nguyện vọng về nước và đã chuyển các cơ quan trong nước xem xét, xử lý. Đến nay, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Canada chưa nhận được thông tin chính thức của các cơ quan chức năng trong nước liên quan đến hình thức tổ chức chuyến bay, việc bán vé máy bay cũng như thời điểm có chuyến bay từ Canada về Việt Nam.

Công dân, học sinh và sinh viên Việt Nam cần thường xuyên cập nhật thông tin chính thức trên trang thông tin điện tử của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Canada và nhanh chóng liên hệ, đăng ký với các Cơ quan đại diện để được bảo hộ công dân trong tình huống khẩn cấp.

Đối với một số ít trường hợp công dân Việt Nam không có giấy tờ tùy thân hoặc có giấy tờ cư trú hợp pháp tại Canada sắp hết hạn, đề nghị khẩn trương liên hệ với các Cơ quan đại diện Việt Nam và các cơ quan chức năng của Canada để được thẩm tra nhân thân và tiến hành các thủ tục cấp mới/gia hạn giấy tờ, phù hợp với các quy định luật pháp của Việt Nam và sở tại.

CHẤN HƯNG (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật