Theo nghiên cứu mới được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 17/9, mức độ ngăn nguy cơ nhập viện của vaccine Pfizer giảm đáng kể từ 120 ngày sau khi tiêm đầy đủ.
Cụ thể trong thời gian từ hai tuần đến 4 tháng sau khi tiêm liều hai, mức hiệu quả ngăn nhập viện của vaccine Pfizer là 91% nhưng sau 120 ngày, mức hiệu quả này còn 77%.
Các quan chức y tế Mỹ đang lên kế hoạch triển khai tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường trong bối cảnh số ca nhiễm tăng do biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh. Thời gian qua, biến chủng Delta làm tăng số ca nhập viện và tử vong. Số ca nhiễm đột phá, nghĩa là nhiễm bệnh sau khi tiêm đủ liệu trình vaccine, cũng tăng song những ca này thường ít tiến triển nặng.
Tiến sĩ Peter Marks, một trong các quan chức hàng đầu của FDA thừa nhận có nhiều ý kiến khác nhau về tính cần thiết của mũi tăng cường và đề nghị những người tham gia tranh luận xem xét tình hình dịch tại Mỹ hiện nay.
Pfizer, hãng sản xuất vaccine Covid-19 mang tên Comirnaty, đã nộp dữ liệu phân tích kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối với 300 người tham gia cho thấy hiệu quả của vaccine hai tháng một lần giảm 6% sau khi tiêm mũi thứ hai và mũi tăng cường sẽ tăng khả năng miễn dịch.
Ủy ban tư vấn về vaccine và các sản phẩm sinh học liên quan của FDA đang xem xét dữ liệu từ Israel. Một báo cáo cho biết trong số 1,1 triệu người trên 60 tuổi tiêm đủ liệu trình trước đó 5 tháng, những người được tiêm mũi tăng cường ít có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc trở nặng hơn nhóm không được tiêm nhắc lại.
Bộ Y tế Israel cho biết khả năng miễn dịch ở các nhóm tuổi tới tháng 7 đều giảm, đặc biệt là nhóm từ 60 tuổi trở lên được tiêm vaccine hồi tháng 1.