Tuy nhiên, mức tăng trưởng của nhà sản xuất khoai tây chiên nổi tiếng này rất chậm và đều đều, gần như không có đột biến.
"Chúng tôi bước đi từng bước một, nhỏ và chậm rãi. Hoàn toàn không muốn tiến nhanh như bao người", CEO Dylan Lissette nói. "Chúng tôi nhất quán với chiến lược phát triển đó". Tuy nhiên, cách tiếp cận thị trường như thế của Utz trong những năm gần đây đã không còn phù hợp, đặc biệt là dưới thời của Lissette.
Kể từ khi Lissette đảm nhận vị trí CEO Utz vào năm 2013, doanh số bán hàng của thương hiệu này đã tăng gần gấp đôi lên 1 tỉ USD. Phần lớn tăng trưởng đó lại đến từ 10 thương hiệu khác mà Lissette đã mua lại, bao gồm cả thương hiệu sản xuất khoai tây chiên kettle-cooked nổi tiếng như Dirty và Zapp.
Ngày nay, mỗi năm Utz sản xuất khoảng 300 pound đồ ăn nhẹ, từ viên pho mát, bánh quy đến khoai tây chiên,... đủ để đưa nó trở thành công ty sản xuất đồ ăn nhẹ lớn thứ tư tại Mỹ.
Và bây giờ, có lẽ sẽ là bước tiến lớn nhất của Utz trong gần 100 năm qua: Tuần tới, doanh nghiệp này niêm sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán, thông qua việc mua lại hoặc sáp nhập với một công ty đã niêm yết khác (Back Door Listing - Tạm dịch: Niêm yết cửa sau).
Mặc dù biết rằng, các nhà đầu tư sẽ nắm giữ cố phần nhiều hơn khi Utz lên sàn, nhưng vị CEO Lissette cho biết, đây là một động thái phòng thủ, trước thực tế nhiều doanh nghiệp nhỏ đã bị các ông lớn hơn trong ngành "nuốt chửng".
"Nếu không thực hiện IPO, một ngày nào đó, chúng tôi cũng sẽ bị bán cho một ai đó", Lissette nói qua điện thoại khi đang ngồi trong phòng làm việc tại nhà của anh ấy ở Hanover, Pennsylvania.
"Chúng tôi đang nắm giữ tương lai của chính mình, và hi vọng nó sẽ tồn tại thêm 100 năm nữa, cũng như cán mốc tỉ đô la tiếp theo", Lissette nói thêm.
Từ gia đình trị tới công ty IPO trên sàn chứng khoán
Được sở hữu gần như hoàn toàn bởi gia đình người sáng lập cho đến thời điểm này, những người thừa kế Utz đang bán khoảng 10% cổ phần của họ và sáp nhập với công ty đã niêm yết có tên là Collier Creek Holdings, để tiến hành IPO.
Tài sản của gia đình sở hữu Utz ước tính trị giá khoảng 1 tỉ USD, tương đương với 50% quyền sở hữu công ty sau sáp nhập, theo Forbes.
Lissette là con rể trong gia đình sở hữu Utz. Cha mẹ anh li hôn khi anh còn nhỏ. Mẹ anh đã đưa anh và các anh chị anh đến Venezuela khi người bạn trai mới của bà nghiên cứu về loài ong sát thủ ở đó.
Sau đó, họ chuyển đến Cape Cod, anh làm trợ lí cho cố Thượng nghị sĩ Ted Kennedy trong khoảng thời gian học tại trường nội trú dòng tên ở Mississippi. Năm cuối, anh và người anh em song sinh đăng kí vào Đại học George Washington.
Đó là nơi anh gặp Stacie Rice, cháu gái của William và Salie Utz - những người sáng lập Utz, với những mẻ khoai tây chiên đầu tiên được làm trong căn bếp nhỏ của họ ở Pennsylvania vào năm 1921.
Chân dung CEO Utz Dylan Lissette. Ảnh: Forbes. |
Stacie Rice cảm nắng một sinh viên luật Đại học George Washington đang làm pha chế tại một hộp đêm ở ngoài khuôn viên trường. Cô lại gần và hỏi anh có còn độc thân không. Anh ta nói không, nhưng nói thêm rằng anh ấy có một người em song sinh, cũng đang làm pha chế tại đó và đặc biệt là còn độc thân.
Sau đó, Stacie và Lissette đã gặp gỡ nhau thường xuyên hơn. Họ kết hôn vào năm 1994 và một năm sau, Lissette bắt đầu điều hành các cửa hàng đại lí và dịch vụ đặt hàng qua email.
"Khi bạn lớn lên trong nghèo đói, bạn sẽ có động lực", Lissette nói. "Tôi chưa bao giờ là đối tượng thừa kế tiềm năng của Utz. Việc là người ngoài cuộc đã cho tôi rất nhiều lợi thế".
Một trong những việc đầu tiên anh hỏi bố vợ khi đi làm, là "Máy tính ở đâu? Con sẽ sử dụng máy tính để gửi email cho khách hàng". Lissette nhớ lại và cho biết khi ấy không một ai làm ở Utz có laptop. Chỉ vài tháng sau, toàn bộ văn phòng đã được trang bị máy tính xách tay.
"Chúng tôi đã đi một chặng đường dài", Lissette hồi tưởng.
Lissette làm việc thông qua các bộ phận bán hàng và tiếp thị. Anh nhanh chóng khẳng định được bản thân trong công việc. Mặc dù Stacie và anh trai cô là Matt lớn lên trong môi trường kinh doanh của gia đình, nhưng Lissette mới là người duy nhất quan tâm đến việc tiếp quản cơ nghiệp vào một ngày nào đó.
Khi được trao quyền nhiều hơn vào năm 2009, anh đã thúc đẩy cải cách công ty, khi đó đang có doanh thu 400 triệu USD, để hợp nhất với công ty Snyder, thời điểm đó đang là một công ty chuyên sản xuất bánh quy trị giá 750 triệu USD, có trụ sở cùng thị trấn với Utz.
"Tôi là người đi tiên phong trong việc hợp nhất giữa hai công ty", Lissette nhớ lại.
Tuy nhiên, đến giai đoạn cuối cùng của thương vụ, nó bị Uỷ ban Thương mại Liên bang điều tra, và buộc Lissette - người khi đó sắp trở thành Giám đốc điều hành, phải từ bỏ. Sự việc đặt ra bài toán khó cho Lissette, buộc anh phải tìm mọi cách để mở rộng quy mô của Utz nếu muốn tồn tại.
Anh không nản lòng và bắt đầu tìm tới các doanh nghiệp nhỏ hơn, thích hợp hơn.
Ngay sau đó, Lissette đã mua lại các nhà máy trong khu vực, chẳng hạn một nhà máy ở Massachusetts - nhà máy độc lập cuối cùng còn sót lại trong một ngành công nghiệp phát triển như vũ bão của thời kì đó, với hơn một chục nhà sản xuất khoai tây chiên địa phương.
"Chúng tôi đã nhìn thấy sự cạnh tranh và nhận định rằng, nếu quy mô đủ lớn và mức độ phù hợp sẽ mang lại lợi nhuận trong ngành", Lissette hồi tưởng.
"Chúng tôi đã thực sự đi đầu, với suy nghĩ rằng một nền tảng rộng lớn hơn có ý nghĩa chiến lược hơn rất nhiều. Ngay trước cả khi Campbell's mua lại các thương hiệu Lance của Snyder, Hershey mua lại SkinnyPop hay ConAgra bắt đầu kinh doanh đồ ăn nhẹ bằng việc thâu tóm Angie's Boomchickapop", CEO Utz kể.
Mở rộng kinh doanh hay là chết?
Là một trong những thuơng hiệu đồ ăn nhẹ độc lập còn sót lại cuối cùng, Utz đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, một người hâm mộ cuồng nhiệt PotatoStix.
Trong năm 2015, Warren đã nói với Fortune, rằng ông đã từng cân nhắc đưa ra lời đề nghị mua lại với Utz, mặc dù nó không bao giờ trở thành hiện thực.
Chưa dừng lại, Lissette tiếp tục chiến dịch mua lại của mình, với việc thâu tóm thêm 3 công ty nữa với giá khoảng 150 triệu USD mỗi năm, trong vòng 4 năm tiếp theo. Khi doanh thu đạt hơn 1 tỉ USD, Utz đã mua lại một số thương hiệu snack của Bờ Tây gồm Hawaiian Snacks và Erin's từ ConAgra vào cuối năm ngoái.
Mỗi năm Utz sản xuất khoảng 300 pound đồ ăn nhẹ, từ viên pho mát, bánh quy đến khoai tây chiên,... đủ để đưa nó trở thành công ty sản xuất đồ ăn nhẹ lớn thứ tư tại Mỹ. Ảnh: Forbes. |
Việc hoàn tất thanh toán khoản nợ 400 triệu USD của Utz phát sinh từ các thương vụ mua lại, sẽ giúp công ty tập trung đầu tư hơn cho 14 cơ sở sản xuất trên toàn quốc. Lissette cho biết robot và dây chuyền tự động hoá đang được triển khai, đồng thời nguồn vốn cũng sẽ giúp Utz mở rộng các dòng sản phẩm phổ biến như phô mai viên của hãng.
Khi nói đến cơ hội, Lissette chỉ vào Walmart và cho rằng nó có thể phát triển dựa vào nhà bán lẻ khổng lồ này. Mặc dù hiện tại 10% doanh thu của Utz đến từ Walmart, nhưng Lissette nghĩ rằng con số đó còn có thể tốt hơn nữa.
"Chỉ cần doanh số của chúng tôi tăng gấp đôi so với thời điểm hiện tại khi hợp tác với Walmart, nó có thể mang về 120 triệu USD doanh thu mỗi năm", Lissette nói.
Lissette cho biết, anh hình dung Utz sẽ đi con đường tương tự như JM Smucker - một doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng vẫn thuộc sở hữu một phần của CEO thế hệ thứ 3 Mark Smucker, và gia đình của anh ta. Vốn hoá thị trường của JM Smucker hiện đạt gần 13 tỉ USD, tăng hơn 5 lần kể từ khi nó được niêm yết cổ phiếu vào năm 1959, với giá 20 USD/cổ phiếu.
Lissette hy vọng nguồn vốn mới từ IPO sẽ giúp Utz vượt xa các đối thủ cạnh tranh và ông dự đoán nó có thể trở thành gã khổng lồ Frito-Lay (Tập đoàn chuyên sản xuất và kinh doanh các loại bánh mặn, khoai tây chiên sát nhập vào Pepsico từ năm 1965) thứ hai trị giá 16 tỉ USD trong vòng 2 năm tới.
"Khi IPO, gia đình chúng tôi sẽ rút dần sự tham gia vào công việc kinh doanh của công ty", Lissette chia sẻ.
"Tuy nhiên, việc kinh doanh vẫn sẽ nằm dưới sự kiểm soát của gia đình. Chúng tôi tâm niệm rằng, hãy lo phát triển công ty thật tốt rồi việc kinh doanh sẽ mang lại trái ngọt xứng đáng cho gia đình mình".