Các quan chức Fed tuần trước đã phát tín hiệu rằng họ có thể tăng lãi suất sớm nhất là vào năm 2023. Thời điểm này sớm hơn khá nhiều so với các bình luận trước đó vào tháng Ba, rằng ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến không có bất kỳ đợt tăng lãi suất nào cho đến ít nhất là năm 2024, theo CNBC.
Lãi suất cao hơn của Mỹ sẽ thu hút các nhà đầu tư từ nước ngoài và các ngân hàng trung ương ở các quốc gia khác có thể phải tăng lãi suất của chính họ để phòng thủ. Việc tăng lãi suất có thể giúp các quốc gia ngăn chặn quá nhiều vốn rời khỏi nền kinh tế, nhưng việc tăng lãi suất quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.
Do đó, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương Steve Cochrane thuộc Moody's Analytics nhấn mạnh các quốc gia châu Á phải kiểm soát được đại dịch COVID-19.
“Các quốc gia châu Á phải kiểm soát COVID-19 để một khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, các nền kinh tế tại đây sẽ ổn định và có thể điều hướng quá trình chuyển đổi." Nhà kinh tế trưởng Steve Cochrane phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Moody's Analytics nhận định.
Các chuyên gia dự đoán rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản mỗi quý một lần bắt đầu từ năm 2023.
Nhiều nền kinh tế ở châu Á bao gồm cả Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia trong những tháng gần đây đã chứng kiến một sự gia tăng mới trong các ca nhiễm COVID-19 - điều này buộc các nhà chức trách phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn.
Chuyên gia Cochrane nhận định một số quốc gia châu Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đang tăng cường tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Diễn biến đó khá tích cực và cần được duy trì ổn định trong tương lai.
Tuy nhiên, các quốc gia khác bao gồm Thái Lan, Indonesia và Philippines vẫn chưa kiểm soát hiệu quả đại dịch và chưa có các chương trình tiêm chủng đủ mạnh.
Các quốc gia châu Á phải kiểm soát Covid để một khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất, các nền kinh tế ở đây sẽ ổn định và có thể quản lý quá trình chuyển đổi.
Steve Cochrane - Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Moody's Analytics
Làn sóng nhiễm COVID-19 mới xuất hiện khi tiến độ tiêm chủng ở khu vực này chậm hơn ở Mỹ và châu Âu.
Trong một báo cáo mới công bố vào tháng này, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng sản lượng kinh tế ở 2/3 các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương sẽ dưới mức trước đại dịch cho đến năm 2022.
Các yếu tố tiềm năng kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở những quốc gia đó bao gồm sự tái bùng phát dịch COVID-19 kéo dài và sự sụp đổ của ngành du lịch trên toàn cầu.