Bèn nói về điều gì đây, ngoài Covid-19? Cả một tháng Hai này, đâu đâu cũng chỉ thấy nhắc tới nó, cơn đại dịch có thể nói là kinh hoàng nhất với người Việt suốt mấy thập niên qua. Sau những năm tháng chiến chinh, có lẽ chưa bao giờ người Việt đối diện một cơn khủng hoảng xã hội sâu và rộng đến vậy. HIV, SARs, MERs, Ebola… những đại dịch đó cũng kinh khủng chẳng kém Covid-19 nhưng với những người Việt, nó dường như ở mãi đâu xa lắm. Còn Covid-19 thì lại thật gần, gần đến mức hoảng sợ. Bởi thế, giữa một nỗi hoảng sợ tập thể ấy, anh Bèn biết nói về điều gì khác, ngoài nó?
Covid-19 hay Corona, ắt hẳn vẫn còn có người đang băn khoăn gọi thế nào mới đúng. Thực ra, Covid-19 và Corona đều là khái niệm đúng cả nhưng nó chỉ những sự vật, hiện tượng khác nhau. Giống như sự khác nhau giữa HIV và AIDS vậy, Corona là tên của nhóm virus gây ra nhiễm trùng đường hô hấp, còn Covid-19 là tên của dịch bệnh có nguyên do từ một biến thể của nhóm virus Corona ấy mà biến thể đó được phát hiện năm 2019 và có tên Neo Corona: Tân Corona hay nôm na là Corona chủng mới.
Dưới kính hiển vi, virus Corona như một quả cầu nhỏ với những chiếc mũ miện bên ngoài. |
Và tại sao cái nhóm virus ấy lại có cái tên là Corona, như là tên một loại bia và chính vì sự trùng hợp ấy mà cái nhãn hiệu bia kia đã bị mang ra châm chọc suốt cả một mùa dịch? Dưới kính hiển vi, cái con virus kia như một quả cầu nhỏ với những chiếc mũ miện bên ngoài. Chính những chiếc mũ miện, hình như còn sáng lên dưới lớp thấu kính, đã khiến nó được gắn cái tên mỹ miều là Corona, trong tiếng latin có nghĩa là vương miện.
Quái dị thật, anh Bèn không thể hiểu nổi loài người. Tại sao những thứ chết người vẫn luôn được gắn những cái tên mỹ miều đến thế? Nào là những cơn bão, nào là Thái Bình Dương, đại dương bất trắc bậc nhất. Càng mỹ miều phải chăng càng nhiều cạm bẫy? Như chiếc hộp Pandora vậy, sức hấp dẫn và lôi cuốn của nó đã khiến người đàn bà mở nó ra, để rồi từ đó bay ra đầy tai ương và dịch bệnh.
Nói về cái vương miện, anh Bèn dũng cảm đặt tên cho tháng Hai của năm hai không hai không này là tháng của những chiếc vương miện bị chối từ. Ở đời, ai chẳng thích chiếc vương miện, không chỉ bởi vì sức hấp dẫn từ vẻ đẹp và sự quý giá của nó, mà còn là cả giá trị và quyền lực. Từ cổ chí kim, con người ta luôn bị hoa mắt bởi những chiếc vương miện như thế.
Đã không biết bao nhiêu cuộc nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn cũng chỉ vì một chiếc vương miện nho nhỏ đội trên đầu. Chẳng mấy ai có đủ dũng khí chối từ được chiếc vương miện, hoặc sức mạnh cuốn hút của một gia đình sở hữu vương miện. Ấy vậy mà những ngày tháng đầu năm 2020 này lại chứng kiến những chối từ vương miện quyết liệt đến tận cùng.
Khi Neo Corona còn chưa là nỗi ám ảnh, ở nước Anh, hai vợ chồng hoàng tử Harry, công tước xứ Sussex đã đột ngột ra quyết định rút lui khỏi vị thế thành viên cấp cao của vương thất. Họ muốn được làm việc để được độc lập về tài chính. Họ muốn sống cuộc đời của chính mình chứ không bị bó buộc bởi một tấm vương miện nào.
Hai vợ chồng hoàng tử Harry, công tước xứ Sussex đã đột ngột ra quyết định rút lui khỏi vị thế thành viên cấp cao của vương thất. |
Và đáp trả lại quyết định đơn phương của họ, nữ hoàng Anh cũng cứng rắn vô cùng. Bà không cần nhiều thời gian để ra một quyết định đại ý rằng nếu họ muốn vậy thì Hoàng gia cũng chiều, nhưng họ sẽ không còn nhận được bất kể một quyền lợi nào của Hoàng gia, từ bổng lộc đến tước hiệu. Họ cũng không được dùng cái tôn xưng “Hoàng gia” (Royal) trong các hoạt động của mình, kể cả là từ thiện.
Và có vẻ như ngày rời Hoàng gia của vợ chồng Harry và Meghan không còn xa. Nhiều khả năng, nó sẽ rơi vào ngày 9/3, ngày của một tháng mới, tháng mà không còn ai mong mỏi còn dính dáng gì đến Corona. Thật đáng nể, Harry là người đứng thứ tự thứ sáu trong danh sách kế thừa ngai vàng của Liên hiệp Vương quốc Anh.
Vẫn biết, từ thứ sáu cho tới cái ngai vàng là một quãng đường quá xa, thậm chí có thể là quãng đường không thể nào đi trọn, nhưng dám chối từ một đời sống của một vương tôn để được làm thường dân cùng với vợ mình, đó mới là quyết định của một soái ca đích thực.
Thế rồi chẳng bao lâu sau cái ngày vương tôn Harry quyết rời xa bổng lộc triều đình, Corona bùng lên từ Vũ Hán, nơi mà anh Bèn phải nhớ tới câu “Hạc vàng đi mất từ xưa/ Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay”. Vũ Hán, cái nơi Thôi Hiệu đề thơ, nơi có tòa tháp được mệnh danh là một trong “tứ đại danh lầu”, nơi nằm ở ngã ba sông Dương Tử và Hán Giang, nơi còn đầy những dấu tích trong trí nhớ của những ai yêu cổ văn Trung Hoa… bỗng trở thành một đô thị hoang phế.
Thành phố sầm uất Vũ Hán đã trở nên vắng lặng từ khi đại dịch bùng phát. |
Từ chỗ phồn hoa ấy, chiếc vương miện của tử thần đã bắt đầu lan ra và tạo ra nỗi kinh hoàng cho cả một dải Đông Á cũng như nỗi lo ngại rất lớn với toàn cầu. Ban đầu, người ta cho rằng chiếc vương miện ấy vốn tồn tại trong loài dơi. Anh Bèn giật mình khi nghĩ đến loài dơi. Người Trung Quốc gọi con dơi bằng một từ có âm khá tương đồng với chữ “phúc”. Thế nên, nhà ở của người Hoa nhiều nơi hay chạm trổ một con dơi lộn ngược ở ngay trước cổng với hàm ý dơi lộn ngược là “phúc đáo”, có nghĩa là phúc sẽ tới.
Cái vương miện là phúc, ngàn năm nay ai cũng nghĩ nó là phúc. Nhưng bây giờ, phúc lại là họa, cái vương miện bỗng hóa thành nỗi họa. Có lẽ nào, đại dịch này chính là một mạc khải của đấng siêu nhiên sáng thế muốn gửi gắm đến loài người rằng: “Các người cứ chạy mãi đi, chạy theo tham vọng vừng dương nhưng rồi vừng dương luôn lặn xuống. Và như một đường đua vòng tròn, vừng dương lại đuổi ngay sau lưng các ngươi. Vừng dương thì vẫn vậy thôi nhưng các ngươi thì sẽ già hơn, hơi thở sẽ ngắn lại và càng ngày các ngươi càng xích lại gần cõi chết hơn”.
Cái gửi gắm ấy là anh Bèn chợt được phóng chiếu lại từ một câu hát cũ, trong một bài hát có tên “Thời gian” (Time - Pink Floyd) vốn dĩ ám ảnh anh Bèn từ tuổi nhỏ. Nhưng vừng dương luôn là hình ảnh của vương miện bởi loài người lấy cảm hứng của vừng dương mà tạo ra những chiếc vương miện nhằm thỏa mãn ám ảnh hào quang danh vọng, tước vị và quyền lực. Những thứ đó cũng là họa chứ không chỉ là phúc đơn thuần. Trong họa có phúc, trong phúc có họa. Không có họa sao tồn tại phúc và ngược lại. Hóa ra, họa hay phúc gì cũng một nghĩa như nhau…
Và từ một đô thị sầm uất, Vũ Hán thành một hoang phế địa không ai muốn tới, không ai muốn ở lại. Dường như “Hán Dương sông tạnh cây bày” là điều Thôi Hiệu viết cho ngày hôm nay thì phải? Con người bắt đầu trang bị đủ thứ “giáp trụ” để xa lánh cái vương miện mang đầy họa kia. Nhưng kinh khủng nhất có lẽ là hoàn cảnh lênh đênh chịu cách ly của siêu du thuyền năm sao sang trọng có tên Diamond Princess. 3700 du khách trên con tàu siêu sang ấy bỗng nhiên trở thành những kẻ bị xa lánh.
Tính cho đến ngày 20/02 đã có tới 621 người nhiễm Covid-19 trong số 3700 hành khách và đã có 2 người tử vong. Princess, nghĩa là công nương, công chúa là người được quyền đội vương miện. Và có 621 người đã phải “đội vương miện mão gai” (tính đến 20/02) trên con tàu mang tên “công nương kim cương” kia như thể một định mệnh. Và ai là những người có thể bước chân lên những siêu du thuyền kiểu này? Chỉ có người có tiền. Khẳng định lại, chỉ những người có tiền.
Con tàu Diamond Princess trở thành ổ dịch khi cập cảng Nhật Bản. |
Lần đầu tiên anh Bèn thấy một tập thể người có tiền bị xa lánh đến thế dù các chính phủ đã nỗ lực hết mình để giải cứu họ. Có tiền nhiều để làm gì? Cái câu hỏi của một “qua qua loa loa” nào đó từng gây bão mạng xã hội năm 2019 ở Việt Nam nay đã được trả lời. Và anh Bèn liên tưởng đến quá khứ mà rùng mình. Trong lịch sử loài người, đã biết bao lần trải qua bệnh dịch. Có lẽ nào, cũng từng có những con tàu bị xa lánh vì dịch bệnh và từ đó, huyền thoại về các con tàu ma lênh đênh giữa đại dương đã bắt đầu?
Và trong lúc đang nghĩ về tạo hóa, về một đấng sáng thế nào đó, về những đợt dịch bệnh trong lịch sử loài người, anh Bèn nghĩ về tiến hóa. Đã bao lần dịch bệnh, tại sao vẫn có những con người sống sót được, ngay cả ở thời y học còn sơ sài, cổ lỗ sỹ vô cùng?
Phải chăng, đã và vẫn tồn tại một sự chọn lọc của tự nhiên để thanh lọc loài người qua những cơn đại dịch? Loài người ngày một đông đúc hơn, và trái đất phải oằn mình gánh gồng loài người mỏi mệt hơn. Chính vì thế, như một cơ thể sống, trái đất phải phản ứng lại bằng cách để các dịch bệnh nảy sinh? Và cả các loài virus nữa. Chúng có ở trong một cuộc chiến dai dẳng với loài người không khi rõ ràng chúng đang tiến hóa để mạnh hơn mỗi khi chúng đã bị con người khắc chế.
Neo Corona là một tiến hóa của chủng Corona và điều đó chứng minh cho sự tiến hóa của loài virus trong cuộc chiến tay đôi với loài người. Hay đó là ý của một đấng siêu nhiên sáng thế nào, chứ không phải của tiến hóa đơn thuần? Tất cả đều là bí ẩn, bí ẩn vượt xa tầm hiểu biết của con người và luôn ở lãnh địa của huyền học.
Từ khi bùng phát, đại dịch Covid-19 đã tước đi hàng ngàn sinh mạng trên khắp thế giới. |
Rồi tháng Hai cũng sẽ qua đi. Rồi thời gian cũng sẽ xóa dần nỗi sợ. Rồi Neo Corona cũng sẽ chỉ là một cái vương miện rỉ sét mà loài người không còn sợ nữa. Nhưng anh Bèn vẫn phải nghĩ rằng chúng ta hãy tạ ơn vì mình đã sống sót qua một đại dịch như thế, không phải chỉ vì chúng ta cách ly quá tốt trước các nguồn bệnh. Cũng không phải vì chúng ta có các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
Đôi khi, chỉ vì chúng ta ít ra chưa đủ xấu số để bị chọn lựa trong cuộc chơi khắc nghiệt mà chúng ta không hiểu nổi này. Những người nằm xuống chưa chắc đã là những con người xấu hơn chúng ta, thiếu ưu việt hơn chúng ta trong cuộc chọn lựa khắc nghiệt. Đơn cử như người bác sỹ đầu tiên dũng cảm công bố về Covid-19 ở Vũ Hán chẳng hạn. Chẳng qua, nhiều khi chỉ vì họ bị buộc phải ở tuyến đầu trong cuộc chiến sinh tồn chung của loài người nên họ phải nằm xuống cho những người khác còn sống sót mà thôi. Và sau cuộc chiến ấy là gì? Anh Bèn sợ rằng rồi chúng ta sẽ sớm quay lại với ảo ảnh huyễn hoặc của “vương miện” mà thôi. Ở đời, mấy ai né được bả vinh hoa và quyền lực?