• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến lược bỏ Âu sang Á khiến Nga lộ ngay "gót chân Achilles": Tin vui từ Bắc Kinh càng làm Moscow "đau đầu"

Theo The Moscow Times, sức ép thương mại kỷ lục với Trung Quốc đã tạo ra "cơn đau đầu" về cơ...

 "Gót chân Achilles"

Hoạt động kinh doanh của RTSB-RUS, một công ty hậu cần vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt xuyên Nga, đã bùng nổ trong 18 tháng qua. 

Giám đốc điều hành Alexander Baskakov nói với The Moscow Times cho biết, trong bối cảnh các đối thủ phương Tây rút lui và thương mại với Trung Quốc gia tăng, khối lượng vận chuyển hàng hóa của hãng đã tăng gần gấp 4 lần chỉ trong năm 2022.

Xung đột Ukraine và hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến Nga bị loại khỏi các thị trường thương mại châu Âu quan trọng trước đây, khiến Moscow buộc phải thay thế chuỗi cung ứng bị mất bằng các lựa chọn ở châu Á.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, trong năm 2022, thương mại của Nga với Trung Quốc đã tăng 30%, lên mức kỷ lục 191 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều cao hơn gấp đôi mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa lưu chuyển giữa hai nước tăng nhanh đang gây áp lực lên mạng lưới cơ sở hạ tầng và hậu cần của Nga, vốn đang gặp khó khăn trước sức ép nhu cầu tăng cao. 

Mặc dù chính sách "xoay trục sang châu Á" của Nga đã nằm trong chương trình nghị sự của Điện Kremlin trong hơn một thập kỷ nhưng quốc gia này vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết những tác động thực tế của việc thúc đẩy thương mại. 

Trong thập kỷ qua, các dự án quy mô lớn như đường ống Nord Stream 2 hay cầu Crimea đã được triển khai, trong khi các dự án đầu tư khu vực như nâng cấp các cửa khẩu đường sắt biên giới hoặc hiện đại hóa cảng hàng hóa ở Vladivostok lại bị đình trệ.

Các công ty hậu cần Nga cho biết, những dự án ít gây chú ý này lại chính là những nút thắt nổi cộm hiện nay.

"Trang thiết bị đang thiếu trầm trọng, thiếu container vận chuyển… không đủ chỗ tại các kho lưu trữ… thiếu thiết bị tại các kho tiếp nhận ở Nga… và nhiều kho lưu trữ ở biên giới không được chuẩn bị cho lượng hàng hóa tiếp nhận", ông Alexei Zahudalin, người đứng đầu bộ phận hậu cần SLK, một công ty hậu cần có trụ sở tại Nga, chia sẻ.

Những chồng container chen chúc trong khuôn viên Cảng Thương mại Vladivostok. Ảnh: TASS
Những chồng container chen chúc trong khuôn viên Cảng Thương mại Vladivostok. Ảnh: TASS

 Xoay trục châu Á

Báo Nga cho rằng, một phần của vấn đề chính là sự thay đổi trong hình thức thương mại giữa Nga và Trung Quốc.

Trước đây, Nga đã nhập khẩu phần lớn máy móc, dược phẩm và phụ tùng ô tô từ châu Âu, còn hiện nay Nga đang tìm kiếm các sản phẩm tương tự cùng với hàng tiêu dùng, điện thoại thông minh và thiết bị nông nghiệp từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng các container kín dùng để vận chuyển những hàng hóa đó bằng đường biển và đường sắt. 

Theo một cuộc khảo sát các công ty hậu cần của Viện Nghiên cứu Độc quyền Tự nhiên (Nga), lý do hàng đầu khiến tăng trưởng thương mại giữa Nga và châu Á thiếu sức bật là do hạn chế trong mạng lưới đường sắt của Nga.

"Công suất đường sắt hiện đang là điểm nghẽn đối với xuất khẩu, điều đáng tiếc là không đáp ứng được nhu cầu của tất cả các nhà xuất khẩu", ông Baskakov nói.

Đầu năm nay, Công ty Đường sắt Nga cho biết, mỗi tháng có khoảng 1.600 chuyến tàu container muốn đi qua biên giới giữa Nga và Trung Quốc tại Zabaikalsk, một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất giữa hai nước, gấp 5 lần công suất tối đa của tuyến đường này.

Theo báo cáo của SeaLogic, nhà cung cấp thông tin cho ngành vận tải Nga, số lượng container được vận chuyển bằng đường biển qua vùng Viễn Đông của Nga đã tăng gấp ba lần từ tháng 1-11/2022 nhưng tốc độ tăng trưởng đã bị đình trệ do các cơ sở chế biến đã đạt công suất.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Nga vẫn luôn kỳ vọng Điện Kremlin sẽ đầu tư cải thiện hệ thống hậu cần bởi nếu Nga "hy vọng vào một tương lai tươi sáng thì cơ sở hạ tầng cần phải được phát triển".

Vân Phương

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật