• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính quyền Biden sẽ đối phó với Trung Quốc như thế nào về vấn đề thương mại và công nghệ?

Thương mại và công nghệ đối với Trung Quốc là 2 trong nhiều vấn đề mà chính quyền Biden sẽ...

Theo Al Jazeera, việc kiểm soát đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp nước Mỹ và thuyết phục một Quốc hội có thể bị chia rẽ trong việc thông qua dự luật kích thích kinh tế, có lẽ sẽ là vấn đề khiến tân Tổng thống Mỹ phải trằn trọc thâu đêm trong những tháng làm việc đầu tiên.

Đặc biệt, sau khi (nếu) Joe Biden đắc cử Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã trở thành tâm điểm trong những chủ đề bàn luận. Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn chưa chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử và để lại cho Biden một "di sản" về chính sách đối ngoại sâu sắc, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống, những lời hùng biện của chính quyền Trump chống lại Trung Quốc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong một bài phát biểu hôm 10/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mô tả Trung Quốc là “mối đe dọa số một thế giới đối với tự do ngày nay”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) và tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, có lịch sử làm việc cùng nhau, nhưng mối quan hệ Mỹ-Trung hiện đã rạn nứt nhiều hơn so với khi Biden là phó tổng thống dưới thời Barack Obama. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) và tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, có lịch sử làm việc cùng nhau, nhưng mối quan hệ Mỹ-Trung hiện đã rạn nứt nhiều hơn so với khi Biden là phó tổng thống dưới thời Barack Obama. Ảnh: Reuters

Do đó, một khi ông Biden giải quyết vấn đề Trung Quốc, ông sẽ phải tiếp cận trên nhiều mặt: thương mại, công nghệ, nhân quyền và an ninh khu vực. Việc chúng chồng chéo lên nhau sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ của tân Tổng thống Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng, ông Biden khó có thể đi quá xa khỏi các mục tiêu chiến lược chính mà TT Trump đã đề ra: Đảm bảo Trung Quốc không có khả năng làm suy yếu sức mạnh kinh tế, địa chính trị và quân sự chủ chốt của Mỹ. Nhưng về cơ bản, chiến thuật của ông Biden sẽ khác so với chiến thuật của người tiền nhiệm.

Vincent Zhu, một nhà phân tích tại Rhodium Group, cơn quan tập trung nghiên cứu sự phát triển kinh tế vĩ mô của Trung Quốc nói với Al Jazeera: “Sẽ không có sự thay đổi định hướng lớn nào đối với Trung Quốc, nhưng sẽ có nhiều điều chỉnh kỹ thuật trong cách tiếp cận".

Và cách tiếp cận của Biden đối với Trung Quốc có thể sẽ khác với người tiền nhiệm của Trump hay Barack Obama.

“Biden có nhiều cố vấn từng làm việc với Obama, nhưng họ có cái nhìn khác về Trung Quốc”. Shen Dingli, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, nói với Al Jazeera: “Họ cũng không muốn lặp lại cách tiếp cận của Obama. Họ muốn trở nên cứng rắn".

Về thương mại

Khi nói đến việc tái cân bằng thâm hụt thương mại 345 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc vào cuối năm ngoái, Biden dự kiến ​​sẽ cố gắng làm việc với các đồng minh truyền thống của Mỹ, thay vì chống lại họ như Trump đã làm. Tổng thống đương nhiệm đã áp đặt thuế quan thương mại đối với Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác được coi là đồng minh của Mỹ, ngoài Trung Quốc.

Và việc Trung Quốc cam kết thúc đẩy mua các dịch vụ và hàng hóa của Mỹ, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm do Mỹ sản xuất và năng lượng, vốn đang bị chậm tiến độ. Theo thỏa thuận, sức mua tăng lên khoảng 200 tỷ USD so với mức năm 2017. Trump đã khởi xướng cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc bắt đầu từ năm 2018. Bất chấp thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” được ký kết vào tháng 1, thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 370 tỷ USD vẫn được giữ nguyên.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc là vấn đề then chốt trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden. Ảnh: Reuters
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc là vấn đề then chốt trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden. Ảnh: Reuters

Zhu nói: “Liệu Biden có xóa bỏ các mức thuế hiện hành hay không, đó là một ẩn số lớn. Tôi nghĩ rằng chúng ta không có bất kỳ bằng chứng nào để nói vào thời điểm này, mặc dù những gì chúng tôi biết là Biden rất ít quan tâm đến việc gia tăng hoặc leo thang cuộc chiến thương mại".

Trong khi đó, các đồng minh như EU có ý kiến ​​chống lại các hoạt động thương mại của Trung Quốc và cách xử lý tài sản trí tuệ của các công ty của họ. Biden đã nói rằng ông sẽ tận dụng những bất đồng đó để xây dựng một liên minh chống lại Trung Quốc.

"Trung Quốc đang chơi trò chơi lâu dài, mở rộng phạm vi toàn cầu và đầu tư vào các công nghệ của tương lai. Nhưng Trump đang cáo buộc các đồng minh thân cận nhất, từ Canada đến EU, là đe dọa An ninh Quốc gia để áp đặt thuế quan có hại và vô nghĩa", Biden nói trong một bài phát biểu năm ngoái.

Ông nói thêm: “Bằng cách cắt đứt nước Mỹ khỏi tầm ảnh hưởng kinh tế của các đối tác, ông ấy đã phủ nhận khả năng của nước Mỹ trong việc đối mặt với mối đe dọa kinh tế thực sự".

Về công nghệ

Một lĩnh vực khác đang nổi lên trong cuộc chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung là công nghệ.

Năm ngoái, chính quyền Trump đã đưa Huawei của Trung Quốc, nhà sản xuất thiết bị lớn nhất thế giới cho mạng điện thoại di động 5G thế hệ mới nhất, vào cái gọi là "Danh sách thực thể".

Trump đã cáo buộc hãng này giúp Bắc Kinh theo dõi "nhất cử nhất động" của Mỹ. Tuy nhiên, Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này. Đồng thời, động thái của Trump cũng làm hạn chế các công ty Mỹ làm ăn với Huawei.

Bên cạnh đó, Trump cũng đang cố gắng buộc ByteDance, chủ sở hữu người Trung Quốc của ứng dụng chia sẻ video cực kỳ phổ biến TikTok, bán các hoạt động của nền tảng này cho các công ty Mỹ. Chính quyền Trump cáo buộc họ thu thập dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ cho Bắc Kinh, điều mà TikTok cũng đã kiên quyết phủ nhận.

Những động thái như vậy thúc đẩy Bắc Kinh trở nên tự túc hơn cho khát vọng công nghệ của mình. Vì Trung Quốc đang muốn trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, máy tính và robot. Tuy nhiên, những lĩnh vực này phụ thuộc rất nhiều vào các nhà sản xuất chip của Mỹ và các công nghệ cơ bản khác.

Những nỗ lực của Trump nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei đang buộc Trung Quốc sản xuất công nghệ của riêng mình. Ảnh: Reuters
Những nỗ lực của Trump nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei đang buộc Trung Quốc sản xuất công nghệ của riêng mình. Ảnh: Reuters

Do đó, trong kế hoạch 5 năm từ 2021-2025, Trung Quốc nhấn mạnh mô hình phát triển “lưu thông kép”, trong đó tập trung vào sản xuất, tiêu dùng và phân phối hàng hóa và dịch vụ trong nước. Trong khi đó, phiên bản mới nhất của kế hoạch phát triển “Made in China 2025” đã thu hút phản ứng dữ dội từ Mỹ và EU. Hiện nó được gọi là "Kế hoạch các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược", kêu gọi sự phát triển của các công ty công nghệ cao trong nước.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc coi đây không chỉ là ưu tiên kinh tế mà còn là mệnh lệnh an ninh quốc gia.

"Đó sẽ là một cuộc xung đột trực diện hoặc nguồn gốc của sự cạnh tranh khốc liệt với Mỹ", Zhu của Rhodium Group nói.

Cách Biden phản ứng trước siêu cường công nghệ của Trung Quốc sẽ là một phần quyết định trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Ứng dụng chia sẻ video TikTok do Trung Quốc sở hữu cực kỳ phổ biến ở Mỹ. Ảnh: Reuters
Ứng dụng chia sẻ video TikTok do Trung Quốc sở hữu cực kỳ phổ biến ở Mỹ. Ảnh: Reuters

Việc Biden có thể thuyết phục Quốc hội Mỹ cung cấp tiền để đối đầu với Trung Quốc trong cuộc chạy đua không gian công nghệ hay không, là điều mà các nhà phân tích và nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ.

Kevin Xu, người sáng lập bản tin công nghệ song ngữ Interconnected, cho biết: “Việc thúc đẩy khả năng cạnh tranh có thể bắt đầu bằng cách đơn giản là nắm lấy và hỗ trợ công khai các thế mạnh hiện tại của Mỹ như R&D nền tảng, thiết bị bán dẫn và sở hữu trí tuệ, công nghệ nguồn mở, công nghệ vũ trụ Nhà Trắng và Bộ Thương mại dưới thời chính quyền Obama"

“Khi nói đến chính sách công nghệ đối với Trung Quốc thì thúc đẩy khả năng cạnh tranh trong nước là một cuộc đua lên đỉnh chứ không phải đua xuống đáy”, Kevin Xu nói thêm.

An ninh khu vực và nhân quyền

Các câu hỏi về yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, sự xói mòn các quyền tự do dân chủ ở Hồng Kông, căng thẳng về tương lai của Đài Loan dân chủ là những vấn đề quan trọng cần giải quyết ngay. Ngoài ra, hàng loạt các vấn đề khác như tranh cãi ngoại giao đối với lãnh sự quán và nhà báo,...cũng là những thách thức mà tân Tổng thống Mỹ phải đối mặt.

Nhưng, cũng như các tranh chấp kinh tế và thương mại của Mỹ với Trung Quốc, Biden được cho là sẽ tập hợp các đồng minh của Mỹ cố gắng kiềm chế Bắc Kinh về những vấn đề này.

Các nhà phân tích nhận định, sự rạn nứt giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng trong những tháng gần đây có thể là cơ hội mở cửa của Biden.

Các cuộc giao tranh vào tháng 6 dọc theo biên giới tranh chấp Ấn Độ - Trung Quốc trên dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc không được tiết lộ thiệt mạng, làm leo thang căng thẳng và kích hoạt các cuộc triển khai lớn trên khu vực biên giới xa xôi, hoang vắng.

Các binh sĩ Ấn Độ đã chiến đấu một trận đẫm máu với quân đội Trung Quốc dọc biên giới các nước trên dãy Himalaya vào tháng 6. Ảnh: Reuters
Các binh sĩ Ấn Độ đã chiến đấu một trận đẫm máu với quân đội Trung Quốc dọc biên giới các nước trên dãy Himalaya vào tháng 6. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Trung Quốc đã giảm hoặc tạm dừng nhập khẩu các mặt hàng như rượu vang, lúa mạch, than đá, gỗ và tôm hùm từ Australia trong những tháng gần đây. Bắc Kinh không nói rõ động thái này là để trả đũa bất kỳ hành động nào của Úc, nhưng Canberra (thủ đô của nước Úc) đã khiến Trung Quốc tức giận về việc họ xử lý đại dịch COVID-19.

Các cường quốc khu vực khác như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ lâu đời với Trung Quốc.

“Chúng tôi hy vọng chính quyền Biden sẽ theo đuổi một chiến lược đa phương hơn đối với vấn đề lãnh thổ”. Nick Marro, trưởng bộ phận thương mại toàn cầu của Economist Intelligence Unit, cho biết trong một ghi chú gửi cho Al Jazeera: “Hiện tại, khu vực đang có xung đột mạnh mẽ là tranh chấp biên giới của Trung Quốc - Ấn Độ, cuộc chiến thương mại đang nổi lên với Australia và căng thẳng kinh tế - chính trị lâu dài với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan”.

NHẬT SANG

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật