Tờ CNBC dẫn nguồn từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết, nước này mở rộng các biện pháp hạn chế được công bố vào tháng 5 vừa qua để ngăn Huawei thu mua chất bán dẫn mà không có giấy phép đặc biệt.
Theo đó, biện pháp hạn chế mới bao gồm cả các chip của những công ty nước ngoài sử dụng công nghệ hoặc phần mềm do Mỹ phát triển hoặc sản xuất bằng phần mềm hoặc công nghệ của Mỹ.
Trong một tuyên bố hôm 17/8, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 38 chi nhánh của Huawei vào danh sách đen kinh tế của chính phủ Mỹ. Điều đó nâng tổng số lên 152 chi nhánh kể từ khi Huawei được thêm vào lần đầu tiên vào tháng 5/2019. Bộ trên nhấn mạnh các quy định hạn chế mới lập tức có hiệu lực nhằm ngăn Huawei dùng các công ty con ở nước ngoài để “né” các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross trả lời kênh Fox Business rằng những hạn chế đối với chip do Huawei thiết kế được áp đặt vào tháng 5 “khiến họ phải thực hiện một số biện pháp né tránh. Họ đã thông qua bên thứ ba, ” ông Ross nói. “Quy tắc mới nêu rõ rằng bất kỳ việc sử dụng phần mềm Mỹ hoặc thiết bị chế tạo nào của Mỹ đều bị cấm và cần phải có giấy phép”. Hiện Huawei chưa bình luận gì về thông tin trên.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết thay đổi quy tắc “sẽ ngăn Huawei lách luật của Mỹ thông qua sản xuất chip thay thế và cung cấp chip bán sẵn”. Ông nói thêm: “Huawei đã liên tục cố gắng né tránh” các hạn chế của Mỹ.
Ảnh: CNBC. |
Với quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, Washington đang thúc đẩy các chính phủ trên toàn thế giới loại bỏ Huawei, cho rằng họ sẽ giao dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc vì tội làm gián điệp. Huawei phủ nhận điều đó.
Giám đốc Huawei Anh Victor Zhang cho rằng tuyên bố này vô căn cứ. "Huawei là một công ty tư nhân, thuộc toàn quyền sở hữu của những người điều hành. Huawei độc lập với bất kỳ chính phủ nào, kể cả Trung Quốc", ông phát biểu trên BBC.
Theo Business Insider, Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Họ khẳng định đây chỉ là một chiêu bài của Mỹ nhằm giành lợi thế trong cuộc chiến thương mại với quốc gia đông dân nhất hành tinh.
"Các hành động mới, có hiệu lực ngay lập tức, sẽ ngăn chặn những nỗ lực của Huawei nhằm lách các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ," Bộ Thương mại Mỹ cho biết.
Huawei thông báo sẽ ngừng sản xuất chip Kirin từ tháng 9. Ảnh: CNBC. |
Tháng 5 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ ban hành các sắc lệnh buộc các công ty phần mềm và sản xuất thiết bị viễn thông phải xin giấy phép trước khi cung cấp sản phẩm cho Huawei.
Một quan chức Bộ Thương mại Mỹ đã phát biểu trên Reuters rằng “rõ ràng là chúng tôi nắm trong tay những thiết kế sắp ra mắt mà Huawei có thể đang tìm cách mua từ một nhà thiết kế bên thứ ba”.
Một quy tắc mới yêu cầu các công ty trong danh sách đen kinh tế phải có giấy phép khi công ty hoạt động “với tư cách là người mua, người nhận hàng trung gian, người nhận hàng cuối cùng hoặc người dùng cuối”.
Trong thông báo mới nhất, Bộ Thương mại Mỹ cũng xác nhận sẽ không kéo dài giấy phép tạm thời cho những công ty kinh doanh với Huawei. Các bên giờ sẽ phải đề xin giấy phép lại cho từng giao dịch đã được cấp phép trước đó.
Bộ Thương mại Mỹ đang áp dụng ủy quyền vĩnh viễn có giới hạn cho các thực thể của Huawei để cho phép “nghiên cứu bảo mật liên tục quan trọng để duy trì tính vẹn toàn cũng như độ tin cậy của các mạng và thiết bị hiện có”.
Các hạn chế hiện tại của Mỹ đã có tác động nặng nề đến Huawei và các nhà cung cấp của họ. Các hạn chế của tháng 5 sẽ không hoàn toàn có hiệu lực cho đến ngày 14/9.
Vào ngày 8/8, tạp chí tài chính Caixin đưa tin Huawei sẽ ngừng sản xuất chipset Kirin hàng đầu của mình vào tháng tới do áp lực của Mỹ đối với các nhà cung cấp.
Bộ phận bán dẫn HiSilicon của Huawei đã dựa vào phần mềm của các công ty Mỹ như Cadence Design Systems và Synopsys để thiết kế chip của mình và thuê ngoài sản xuất cho Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, công ty sử dụng thiết bị của các công ty Mỹ.
TSMC cho biết họ sẽ không giao tấm nền cho Huawei sau ngày 15/9.
Mới đây, Giám đốc điều hành (CEO) của Huawei Yu Chengdong cho biết, hoạt động sản xuất loại chip hiện đại nhất cho điện thoại thông minh là Kirin 9000 sẽ ngừng từ ngày 15/9 tới do các lệnh trừng phạt của Mỹ, điều sẽ gây ra “một thiệt hại lớn” cho Huawei. Huawei, nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông hàng đầu thế giới, đã trở thành “tâm điểm” trong mối quan hệ kém thuận lợi hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, nước cho rằng Huawei gây ra một mối quan ngại lớn về vấn đề an ninh mạng. |