Phát biểu tại Riga trong chuyến thăm Latvia, bà von der Leyen nhấn mạnh thế giới hiện đang phải chạy đua với thời gian để chống lại biến thể mới, kêu gọi cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để các nhà khoa học có thời gian hiểu rõ về biến thể Omicron, theo TTXVN.
Chủ tịch EC von der Leyen nhấn mạnh: "Các nhà khoa học và nhà sản xuất cần từ hai đến ba tuần để có một bức tranh đầy đủ về lượng đột biến của biến thể Omicron này".
Bà nêu rõ, việc tìm hiểu về Omicron cần có thêm thời gian, đồng thời kêu gọi mọi người đi tiêm phòng, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Theo Chủ tịch EC, bản hợp đồng mà EC ký với BioNTech/Pfizer mùa Hè vừa qua cung cấp 1,8 tỷ liều vaccine bao gồm một điều khoản trong trường hợp xuất hiện biến thể mới có thể vô hiệu vaccine.
Theo điều khoản này, nếu xuất hiện biến thể có thể "qua mặt" vaccine, BioNTech/Pfizer có thể điều chỉnh lại vaccine trong vòng 100 ngày. Biến thể COVID-19 mới có tên Omicron với khả năng đột biến mạnh, đang lan rộng toàn cầu, khiến nhiều nước đóng cửa biên giới, áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt, đồng thời làm gia tăng thêm những quan ngại trong cuộc chiến chống đại dịch vốn kéo dài gần 2 năm qua.
Trong khi đó, nhà sản xuất vaccine Moderna cho biết các chuyên gia của hãng này đã bắt tay vào nghiên cứu vaccine chống biến thể Omicron từ dịp Lễ Tạ ơn vừa qua (ngày 25/11). Theo lãnh đạo Moderna, Paul Burton, hàng trăm nhân viên của công ty đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu điều chỉnh vaccine ngay thông tin đầu tiên về đột biến này được công bố.
Theo ông Burton, sẽ phải mất vài tuần để có kiến thức đáng tin cậy về mức độ biến thể mới có thể vô hiệu tác dụng của các loại vaccine hiện tại và liệu có cần phải bào chế vaccine mới hay không.
Ông cũng cho biết, trong trường hợp cần thiết, vaccine mới có thể được sản xuất trên quy mô lớn vào đầu năm 2022. Giống như sản phẩm BioNTech/Pfizer, vaccine Moderna là một số vaccine công nghệ mRNA có khả năng thích ứng tương đối tốt với các biến thể mới.
Anh kêu gọi họp khẩn Bộ trưởng Y tế G7 thảo luận về dịch COVID-19
Cũng trong ngày 28/11, Vương quốc Anh, nước chủ tịch luân phiên nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) kêu gọi triệu tập cuộc họp khẩn cấp của nhóm để thảo luận về cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 sau khi một số quốc gia châu Âu công bố các ca mắc biến thể mới có tên Omicron.
Bộ Y tế Anh cho biết dưới sự chủ trì của Vương quốc Anh, một cuộc họp khẩn các Bộ trưởng Y tế G7 sẽ được triệu tập vào ngày 29/11 để thảo luận những diễn biễn của biến thể Omicron.
Anh là một trong số các quốc gia châu Âu đã công bố phát hiện các ca mắc biến thể mới, cùng với Đức, Italy và Hà Lan. Hầu hết các nước châu Âu đã ngừng các chuyến bay đến từ các quốc gia miền Nam châu Phi, nơi biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi ngày 28/11 kêu gọi các quốc gia tuân theo khoa học, thay vì áp đặt các lệnh cấm bay để kiểm soát biến thể mới. Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti, biến thể Omicron hiện đã được phát hiện ở một số khu vực trên thế giới, lệnh cấm đi lại nhắm riêng vào châu Phi làm suy giảm sự đoàn kết toàn cầu.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 28/11 đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm bay và những thiệt hại kinh tế mà lệnh cấm này gây ra đối với các quốc gia bị ảnh hưởng.
Ngày 26/11, WHO tuyên bố biến thể mới phát hiện là biến thể "đáng lo ngại". Hiện các nhà khoa học đang đánh giá mức độ nguy hiểm của biến thể này.