Một số nhà sản xuất đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chip xử lý, sự gián đoạn trong vấn đề vận chuyển và các tác động kéo dài khác của việc ngừng hoạt động đi lại và thương mại trên toàn cầu để đối phó với đại dịch COVID-19.
Ở vùng đông bắc nước này, các nhà máy đã phải ngừng hoạt động để tránh vượt quá giới hạn tiêu thụ điện do Bắc Kinh áp đặt. Các chuyên gia kinh tế và nhóm môi trường cho biết các nhà sản xuất đã sử dụng hết hạn ngạch tiêu thụ điện của năm nay nhanh hơn kế hoạch, do nhu cầu xuất khẩu tăng trở lại vì đại dịch COVID-19.
Theo Nikkei, các nhà sản xuất đang cảnh báo rằng sự gián đoạn hơn nữa đối với nguồn cung cấp năng lượng ở Trung Quốc sẽ tạo ra sự tàn phá trong chuỗi cung ứng công nghệ vào thời điểm mà ngành công nghiệp đang chuẩn bị cho mùa sản xuất cao điểm, bao gồm cả những chiếc iPhone mới nhất.
Một số công ty bao gồm các nhà cung cấp chính của Apple đã cho biết họ phải tạm dừng hoặc giảm hoạt động tại các cơ sở ở tỉnh Giang Tô, trung tâm công nghệ công nghiệp của Trung Quốc, sau khi chính quyền địa phương hạn chế cung cấp điện cho mục đích công nghiệp vào cuối tháng.
Các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc cảnh báo rằng các biện pháp cứng rắn nhằm giảm tiêu thụ điện sẽ khiến cho sản lượng kinh tế tại nhiều khu vực sản xuất rất quan trọng của Trung Quốc như Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông suy giảm.
3 tỉnh này đóng góp khoảng 30% GDP của Trung Quốc. Sản xuất khó khăn, chắc chắn giá cả hàng hóa bán ra sẽ bị đội lên.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của đất nước, đã đưa ra cảnh báo vào giữa tháng 8 khi nêu tên nhiều tỉnh - bao gồm một số trung tâm công nghiệp quan trọng như Giang Tô, Quảng Đông và Hồ Bắc - sử dụng quá nhiều năng lượng và không đáp ứng được lời kêu gọi của đất nước "kiểm soát việc sử dụng năng lượng và phát thải carbon" trong nửa đầu năm nay.
Các biện pháp này đã ảnh hưởng đến hàng loạt nhà cung cấp chính cho Apple, Tesla, Microsoft, HP và Dell, cũng như làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại các nhà cung cấp thử nghiệm và đóng gói chip hàng đầu thế giới cho Qualcomm, Nvidia và Intel.
Giờ đây, các công ty từ nhà sản xuất chip và linh kiện đến nhà lắp ráp đang cảnh báo rằng sự gián đoạn năng lượng hơn nữa vào tháng tới sẽ tạo ra tác động mạnh trong toàn bộ chuỗi cung ứng, vì từ tháng 9 đến tháng 11 theo truyền thống là khoảng thời gian bận rộn nhất đối với các nhà sản xuất công nghệ sản xuất thiết bị điện tử cho kỳ nghỉ lễ.
Việc bỏ lỡ cơ hội sản xuất này không chỉ gây rủi ro cho tính liên tục của chuỗi cung ứng mà còn có thể dẫn đến doanh số bán thiết bị điện tử.
Giám đốc điều hành của một nhà cung cấp iPhone nói với Nikkei Asia "Chúng tôi hiện đang xem xét lượng hàng tồn kho cho tất cả các linh kiện và bộ phận chúng tôi có trong kho. Tình hình vẫn có thể kiểm soát được vào thời điểm hiện tại, nhưng chúng tôi lo ngại khủng hoảng sẽ xảy ra lần nữa. Sẽ là một sự gián đoạn lớn nếu chúng tôi hết hàng trong tháng tới."
Sự gián đoạn sản xuất cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm nguồn cung vốn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp ô tô và điện tử.
ASE Technology Holding - nhà cung cấp dịch vụ đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính cho Apple, Qualcomm, Nvidia và MediaTek - nói với Nikkei Asia rằng họ đã tuân thủ các chính sách tiết kiệm năng lượng của chính phủ nhưng đã sắp xếp các lô hàng trước thời hạn để giảm thiểu tác động đến khách hàng của mình.
King Yuan Electronics xác nhận với Nikkei Asia rằng có thể có sự chậm trễ trong việc cung cấp dịch vụ vì nhà cung cấp dịch vụ kiểm tra chip hàng đầu cần hoạt động trong điều kiện tiêu thụ năng lượng thấp hơn.
Trong năm nay, tình trạng tắc nghẽn tại nhiều cảng biến của Trung Quốc đã “gây khó” cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Một phần của cảng Ninh Ba, một trong những khu cảng đông đúc nhất Trung Quốc, đã phải ngừng hoạt động trong nhiều tuần vào thấng trước sau khi có đợt bùng dịch COVID-19, còn cảng Diêm Điền tại thành phố Thâm Quyến phải đóng cửa trong tháng 5.
Tình trạng thiếu năng lượng sẽ gây ra nhiều sức ép lên kinh tế Trung Quốc ở thời điểm mà kinh tế nước này vốn đã khó khăn bởi nhiều yếu tố như các biện pháp kiểm soát virus ngặt nghèo và siết chặt quản lý trên thị trường bất động sản.
Nhiều tổ chức quốc tế như Nomura Holdings, China International Capital Corp và Morgan Stanley đã cảnh báo hoặc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bởi lo ngại về tình trạng thiếu điện.