• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia nhận định Trung Quốc đang cố tạo ra tập quán quốc tế mới có lợi cho yêu sách về Biển Đông

Chuyên gia nhấn mạnh đây không phải lần đầu Mỹ đưa ra luận điểm của mình và nhiều khả...

Trao đổi với Zing, ông Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông, giảng viên Luật Quốc tế tại TP.HCM cho rằng Báo cáo 150 - nghiên cứu bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh do Mỹ đưa ra cho thấy Việt Nam đang ở phía chính nghĩa.

“Sự thật của luật pháp quốc tế cũng như sự thật lịch sử đứng về phía Việt Nam và các quốc gia khác”, ông Việt nói. “Cho dù Trung Quốc có sức mạnh cũng không thể lấp liếm được điều đó”.

          Đội tàu cá Trung Quốc neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu trong cụm Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Đội tàu cá Trung Quốc neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu trong cụm Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Ông Việt nhắc lại sự kiện năm 2016, thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết nhận định cái gọi là “đường 9 đoạn” và “quyền lịch sử” của Bắc Kinh không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.

“Sau phiên tòa đó, Hội Luật Quốc tế Trung Quốc (CSIL) xuất bản ấn phẩm hơn 120 trang, đăng trên tạp chí chuyên ngành bằng tiếng Anh”, ông Việt nói. “Trung Quốc coi đó là một văn bản chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài”.

Ấn phẩm đã nhắc lại yêu sách về “quyền lịch sử”. “Họ khẳng định trong một số án lệ quốc tế có nhắc đến ‘quyền lịch sử’ để cho rằng khái niệm này sẽ được chấp nhận trở thành một tập quán pháp lý quốc tế”, ông Việt nói. 

Tuy nhiên, trong Báo cáo 150 vừa công bố, Mỹ đã chỉ ra rằng số lượng trường hợp như vậy rất ít và không thể được chấp nhận, theo ông Việt.

“Nghiên cứu của Mỹ cũng trích quan điểm của Việt Nam phản đối vấn đề đó. Như vậy, cái gọi là ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc không thể được chấp nhận như một tập quán quốc tế”, nhà nghiên cứu Biển Đông nói. “Vì vậy, Báo cáo 150, cùng phán quyết năm 2016, đã bác bỏ ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc trong đường lưỡi bò”.

"Ngoài ra, “Hội Luật Quốc tế Trung Quốc cho rằng tất cả nhóm thực thể, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, là thực thể đơn nhất và thống nhất”, ông Việt nói. “Thế nhưng điều này không hợp lý”.

“Có rất nhiều thực thể lúc chìm lúc nổi hoặc luân chuyển dưới mực nước biển. Theo luật quốc tế, chúng không thể là đối tượng để yêu sách chủ quyền trên đó được”, ông Việt nhận định.

"Như vậy, Báo cáo 150 “không mới nhưng đã được cập nhật trên mọi mặt để cho thấy bức tranh chi tiết hơn, cụ thể hơn về pháp lý quốc tế, cho chúng ta thấy những sai trái của Trung Quốc”, theo ông Việt.

Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) cho rằng Báo cáo 150 là bản cập nhật “hữu ích” vì đã đề cập tới phán quyết năm 2016.

Ông Việt lưu ý rằng đây không phải lần đầu Mỹ đưa ra luận điểm của mình nhưng Báo cáo 150 rõ ràng cho thấy thái độ của các quốc gia. Nếu quốc gia mạnh như Mỹ lên tiếng, các quốc gia khác cũng sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn. 

“Thậm chí các nhà ngoại giao của Bắc Kinh còn gửi thư yêu cầu phía Indonesia ngừng khai thác dầu khí trên khu vực biển Bắc Natuna, dù Jakarta khẳng định không có tranh chấp gì với Trung Quốc”, ông Việt nhắc cho biết.

“Vậy nên, một số chuyên gia cho rằng nghiên cứu này có thể sẽ khuyến khích những quốc gia Đông Nam Á có hành động mạnh mẽ hơn tại Biển Đông để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như luật pháp quốc tế nói chung”, ông Việt nói.

“Và có lẽ, phía Mỹ muốn nhắc nhở rằng lập trường của họ đối với yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là không thay đổi và trong tương lai, Mỹ sẽ tiếp tục nhắc đến vấn đề này”, ông Việt nói. “Tôi nghĩ đây là thông điệp quan trọng Mỹ muốn gửi đến Trung Quốc và toàn thể cộng đồng quốc tế”.

Ông Murray Hiebert, một chuyên gia khác thuộc CSIS, cũng cho rằng Báo cáo 150 có thể tăng cường vị thế của những nước ASEAN đang cảm thấy lo ngại trước yêu sách của Bắc Kinh.

“Washington có thể muốn xuất bản nghiên cứu mới để nhắc nhở Trung Quốc và cộng đồng quốc tế về các nguyên tắc của UNCLOS, cũng như về kết quả của phán quyết Tòa Trọng tài mà Trung Quốc bỏ ngoài tai từ năm 2016 tới giờ”, ông Hiebert trả lời Zing.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật