Mưa lớn liên tục xảy ra ở miền Nam Trung Quốc đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng trên sông Trường Giang, mực nước của đập Tam Hiệp ngày càng dâng cao làm dấy lên lo ngại về khả năng vỡ đập.
Đập Tam Hiệp xả lũ. |
Trước những tin đồn này, chuyên gia thủy văn học và tài nguyên nước kiêm Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc Vương Hạo cho biết đập Tam Hiệp không hề phát sinh vấn đề gì, "càng ngâm nước sẽ càng chắc chắn hơn trong 100 năm".
"Thứ nhất, bản thân con đập được thiết kế dựa trên khả năng ngăn chặn siêu lũ "nghìn năm có một". Có bằng chứng thủy văn để rút ra kinh nghiệm từ trận lụt lớn nhất trong lịch sử sông Trường Giang xảy ra vào năm 1870, với lưu lượng đỉnh lũ đạt 105.000 m3/giây.
Do tiêu chuẩn an toàn của đập Tam Hiệp được thiết kế để chống lại trận lũ "nghìn năm có một cộng thêm 10%" nên ngay cả khi dưới sức công phá của lưu lượng đỉnh lũ lên tới 124.300 m3/giây (một trận lũ lớn như vậy chưa từng xảy ra ở khu vực Tam Hiệp trong lịch sử), con đập vẫn an toàn.
Thứ hai, đập Tam Hiệp là đập trọng lực bê tông, là loại đập có kết cấu chắc chắn nhất, không chỉ không sợ ngâm nước trong thời gian dài, mà sức nén của nó sẽ ngày càng vững chắc hơn trong vòng 100 năm. Kết quả đo lường thực tế cũng cho thấy, đập Tam Hiệp đã tích nước 17 năm, sức nén hiện tại của đập Tam Hiệp đã tăng từ 25 MPa được thiết kế ban đầu lên 43 MPa, vượt xa tiêu chuẩn thiết kế. Đập trọng lực bê tông không sợ lũ lụt, lại có 23 cửa xả đáy và 22 cửa xả bề mặt, khả năng xả lũ siêu lớn nên con đập càng không sợ siêu đại hồng thủy tập kích", ông Vương Hạo nói.
Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Tam Hiệp Triệu Thự Quang cho hay, theo kết quả thí nghiệm có thể thấy kết cấu bế tông của đập sẽ không phát sinh vấn đề gì trong 500 năm nữa. Trước đó, chính ông Triệu đã khẳng định sự biến dạng của đập Tam Hiệp là nằm trong phạm vi thiết kế cho phép. Theo ông, đập Tam Hiệp có một hệ thống giám sát an toàn hoàn chỉnh, được triển khai đồng thời với dự án chính, với hơn 12.000 điểm giám sát. Nếu có bất thường dù nhỏ, chúng sẽ lập tức cảnh báo.
Ông Triệu nhấn mạnh: "Trên thực tế, biến dạng đàn hồi là một hiện tượng mà tất cả các cấu trúc chắc chắn sẽ có sau khi chịu tác động lực, cầu đường, nhà cao tầng, bao gồm sàn bê tông dưới chân chúng ta. Biến dạng đàn hồi không phải là điều đáng sợ, điều quan trọng là xem nó có nằm trong phạm vi thiết kế cho phép hay không".
Phó tổng thư ký Hiệp hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc Trương Bác Đình khẳng định, về câu hỏi đập Tam Hiệp có chịu được sức công phá của bom nguyên tử hay không đã là chủ đề liên quan đến vấn đề quốc phòng từ năm 1958. Thời điểm đó, do hoàn cảnh quốc tế, xét đến việc quan trọng hàng đầu là đập Tam Hiệp trở thành mục tiêu tấn công chiến tranh nên trong 30 năm từ 1959-1988, các bộ phận kỹ thuật và quân sự Trung Quốc đã tiến hành một số lượng lớn các thí nghiệm về nổ hóa chất, nổ hạt nhân và sự cố vỡ đập toàn tuyến ở độ cao 1.000m và 400m.
Qua thí nghiệm đã xác định Tam Hiệp thuộc loại hình đập trọng lực bê tông có khả năng "chống bom nhất và sẽ không bị vỡ". Nếu bom nguyên tử trực tiếp phá đập, sẽ chỉ tạo ra một vết nứt như khe cửa lớn không thể đóng lại, còn không phát sinh vỡ đập.
Mặc dù vậy, chuyên gia Trung Quốc Vương Hạo cũng cho rằng hồ chứa Tam Hiệp chỉ có thể đảm bảo sự an toàn kiểm soát lũ đối với dòng chảy chính ở vùng trung lưu và hạ lưu sông Trường Giang, còn không thể giải quyết được vấn đề lũ lụt do phụ lưu sông Trường Giang gây ra.
Tình trạng ngập úng nghiêm trọng đã cho thấy vấn đề tụt hậu trong kiến trúc xây dựng ở địa phương, đặc biệt là hệ thống thoát nước. Ông Vương nói vì vấn đề này không được đảm bảo mới là mối lo, không thể đổ lỗi cho đập Tam Hiệp. Vì việc xả lũ của hồ chứa Tam Hiệp được thực hiện dưới mức an toàn của dòng chính trung lưu và hạ lưu Trường Giang không làm ảnh hưởng đến việc thoát nước và cũng không thể khiến các khu vực này ngập úng.