Theo Global Citizen, một tổ chức có trụ sở tại New York (Mỹ), đại dịch COVID-19 đã đẩy lùi tiến trình bình đẳng giới nhiều thập niên, khiến phụ nữ và trẻ em gái ở tuổi vị thành niên ở nhiều khu vực trên thế giới đang ở trạng thái chênh vênh hơn bao giờ hết.
Global Citizen đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện những đầu tư cho các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và giáo dục trẻ em gái, với số quỹ cần thiết lên đến hơn 400 triệu USD.
Đại dịch COVID-19 khiến cho các bé gái phải đối mặt với nguy cơ cao hơn trở thành lao động trẻ em, chịu đựng bạo lực do phân biệt giới, bị tảo hôn và mang thai.
1/3 số trẻ em gái từ 10-18 tuổi ở các quốc gia nghèo nhất thế giới chưa bao giờ đi học. Ở các vùng nông thôn, 61% trẻ em gái cũng không được học đến bậc trung học cơ sở.
Phụ nữ và trẻ em gái thường là những người đầu tiên phải nhường phần ăn của mình cho các thành viên khác. Phụ nữ cũng thường bị thiếu hụt chất dinh dưỡng nhiều nhất. Việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sinh sản và tình dục cũng gặp trở ngại.
Tại hơn 115 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đã có thêm 1,4 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, do không được cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình vào năm 2020.
Điều đáng nói là nhiều quốc gia không coi hiếp dâm là tội phạm, và các vấn đề sức khỏe sinh sản là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản ở nhiều nước đang phát triển.
Tình trạng trẻ em gái vị thành niên mang thai đang xảy ra nhiều hơn ở những người nghèo và trong các cộng đồng khó khăn, nơi các gia đình thường ép con tảo hôn, khiến nhiều bé gái phải bỏ học. Khi bị ép tảo hôn, trẻ em gái thường bị “lép vế” trong quan hệ với người chồng, không được tiếp cận các biện pháp tránh thai, và chịu áp lực phải sinh con sớm.
Trẻ em gái mang thai sớm cũng có nhiều khả năng bị bạo lực trong hôn nhân hoặc quan hệ vợ chồng. Các biến chứng liên quan đến mang thai và sinh nở khi tuổi đời còn nhỏ, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi trên toàn cầu.
Ở những quốc gia cấm hoặc hạn chế việc phá thai, thanh thiếu niên thường sử dụng các phương pháp phá thai không an toàn, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của các em.
Nhìn chung, đại dịch đã kìm hãm sự phát triển của phụ nữ trên toàn cầu một cách nghiêm trọng, và làm cho tiến trình bình đẳng giới bị đi lùi nhiều thập niên. Trước đại dịch COVID-19, trung bình các em gái từ 10-14 tuổi phải làm nhiều việc không được trả công hơn 50% so với các em trai. Trong đại dịch, sự chênh lệch này lại càng gia tăng.