Thập niên đầu của thế kỷ 21, thế giới phát triển thần tốc với những phát minh công nghệ và kết nối viễn thông, đem đến một thế giới phẳng kỳ diệu. Nhưng khi bước sang năm mới, 2020 lại đánh dấu thời kỳ đen tối cho tham vọng phát triển của loài người, đánh thức những giới hạn của thế giới phẳng tưởng chừng không biên giới.
Nhìn lại hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21, thế giới từng có những bước đi dài với sự phát triển thần tốc nhờ vào các phát minh công nghệ và kết nối kỳ diệu của mạng viễn thông. Con người đã tạo nên những cỗ máy tính ngày càng thông minh cũng như một cái tên nổi bật: Internet và Web.
Viễn thông và công nghệ cho phép chúng ta kết nối, đem đến một thế giới phẳng kỳ diệu. |
Nhà báo Thomas L. Friedman, người đã ba lần đoạt giải thưởng Pulitzer vì những cống hiến của ông với tư cách nhà báo viết về chuyên mục đối ngoại, từng có cuốn sách nổi tiếng “Thế giới phẳng” tóm lược lịch sử thế kỷ 21, phát hành vào 2005. Thế giới phẳng là nơi được tạo nên bởi 2 yếu tố chính: Khoa học & Công nghệ (mạng Internet, viễn thông, các ứng dụng và phần mềm quản lý công việc); Con người (kết nối với nhau bất kể vị trí địa lý, giới tính, quan điểm chính trị; yếu tố duy nhất tạo nên sự kết nối là sự đồng điệu về cung - cầu và sự hỗ trợ của công nghệ).
Theo đó, nền kinh tế thế giới phát triển về quy mô, đồng thời các nước cũng phụ thuộc vào nhau hơn khi chuỗi cung ứng phát triển về chuyên sâu. Ấn Độ từng nổi tiếng với thị trường nhân công chất lượng cao cho Mỹ khi các công ty của nước này đẩy những công việc mang tính chất văn phòng cho bên thứ 3 ở Ấn Độ xử lý, với giá thành rẻ. Trung Quốc cũng trở thành xưởng gia công lớn nhất thế giới, cung cấp các sản phẩm thô và linh kiện cho những công ty nổi tiếng ở các nước khác.
Những bức tường dần được hạ xuống, hàng vạn chiếc cầu được kết nối giữa nước này với nước khác để kích thích hợp tác, hấp dẫn đầu tư. Các thể chế hợp tác song phương và đa phương được kích cầu để mang đến một thế giới “nối vòng tay lớn”. Dĩ nhiên, trong tiến trình phẳng hoá thế giới luôn có những chướng ngại vật như xung đột song phương, mâu thuẫn và tranh giành lợi ích giữa các nước. Thế nhưng, hạn chế đó chỉ dừng lại ở mức độ cục bộ hoặc khu vực, cho đến khi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) xuất hiện và lột tả một thế giới trần trụi, truyền thống với đầy giới hạn.
Covid-19 tạm xoá sổ những cây cầu nối thế giới phẳng
Thế giới phẳng bị san phẳng bởi dịch bệnh.
Tính tới ngày 11/4, thống kê của hãng tin AFP cho thấy ít nhất 100.859 người trong số hơn 1,6 triệu người bệnh tại 193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã chết vì Covid-19. 210 quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm bệnh.
Đại dịch Covid-19 tạm xóa sổ những cây cầu kết nối thế giới phẳng. |
Khi tình hình dịch bệnh trên thế giới trở nên phức tạp và chính quyền các quốc gia nhìn nhận nghiêm túc hơn về sự nguy hiểm của loại virus mới, đại đa số các nước đều có phản ứng là đóng cửa biên giới và tìm cách giải quyết vấn đề phù hợp nhất với tình hình cụ thể cũng như các đặc điểm thể chế, văn hoá của nước mình. Tuy nhiên, nó đồng nghĩa với sự thật các nước đều co mình lại và tìm cách tự cứu lấy mình, thay vì nỗ lực tìm giải pháp đa phương.
Các tổ chức kết nối toàn cầu, nổi bật nhất trong vấn đề y tế là Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lại thiếu những hành động quyết liệt và mang tính quyết định nhằm đối phó hiệu quả với dịch bệnh. Mặc dù WHO đã tích cực về mặt hoạt động thông tin truyền thông nhưng nhiều khuyến cáo của tổ chức này lại mâu thuẫn với nhau. Tuyên bố của WHO về tình hình dịch bệnh cũng mang tính “đã rồi”. Và trong thời gian gần đây, WHO lại được các nước phương Tây cho là đã “thiên vị Trung Quốc”. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sau đó bác bỏ cáo buộc và đồng thời thể hiện mong muốn hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, những gì WHO đã làm chưa tạo nên điểm sáng và phát huy vai trò đa phương của mình trong cuộc chiến với dịch bệnh toàn cầu.
Những kết nối vật lý của thế giới hầu hết đều bị gián đoạn. Các chuyến bay được cắt giảm và sân ga - nơi điểm đầu của kết nối - dần lặng vắng với những nỗi lo sợ của con người nếu phải đến đây. Nền kinh tế thế giới nói chung và hoạt động thường nhật của xã hội loài người đều chậm đi một nhịp. Trừ những sản phẩm thiết yếu và dụng cụ y tế, hầu hết các nhà máy đều ngừng sản xuất vì không có nhu cầu. Các nhà xưởng được chuyển sang phục vụ cuộc chiến chống dịch bằng cách sản xuất khẩu trang và máy thở. Du lịch và dịch vụ có lẽ là ngành kinh tế dễ bị tổn thương nhất trong thời gian ảm đạm này.
Covid-19 và hồi chuông cảnh báo những giá trị
Covid-19 không chỉ gây nên những gián đoạn hữu hình cho sự kết nối đa tầng và nền kinh tế của thế giới phẳng, mà còn cho thấy một mặt tối của loài người mà thế giới phẳng trước đó tưởng chừng đã vẽ nên một bức tranh đẹp. Ấy chính là nạn phân biệt chủng tộc. Đầu tháng 4, hai cô gái gốc Việt tại Úc bị một kẻ kỳ thị chủng tộc lăng mạ vì cho rằng họ là “nguồn gốc của virus Covid-19”. Cộng đồng gốc Phi ở Mỹ là những người dễ bị tổn thương nhất trong cuộc chiến với dịch bệnh. Nhiều người gốc châu Á ở các nước phương Tây bị tấn công trong thời gian gần đây. Chính đồng bào cũng kỳ thị lẫn nhau khi người Hàn dùng máy kéo phản đối đưa 720 công dân về nước từ Vũ Hán, người sơ tán từ Trung Quốc bị ném đá tại Ukraine. Phân biệt chủng tộc đã lún sâu hơn trở thành sự xuống dốc của tình người.
Đại dịch Covid-19 đã dấy lên hồi chuông cảnh báo những giá trị. |
Thế giới phẳng từng cố gắng xây dựng nên một nền “văn hoá” bình đẳng và tươi đẹp cho mọi quốc gia. Ở đó, mọi người dù màu da, quốc tịch, tôn giáo và quan điểm chính trị như thế nào vẫn được tôn trọng. Và đó là một nền văn hoá đa phương lý tưởng, đáng trân trọng và cần được phát triển. Nhưng cho đến khi Covid-19 xuất hiện, nền văn hoá ấy đã nhìn thấy những rào cản từ một thế giới phức tạp.
Trong một mối quan hệ khác giữa con người với các loài vật khác và thế giới tự nhiên, Covid-19 bỗng cho con người thấy một sự thật: con người vốn dễ tổn thương và nhỏ bé trước hành tinh này. Trước năm 2020, các quốc gia tăng cường hợp tác để chống biến đổi khí hậu thông qua nhiều cơ chế, thể chế và sử dụng nhiều biện pháp khác nhau. Tuy nhiên, Trái Đất vẫn ấm lên từng ngày, lượng khí nhà kính vẫn gia tăng và mẹ Trái Đất âm thầm chịu đựng trong nỗi đau của các loài động vật khác. Nhưng chỉ trong 1 tháng trở lại đây, dịch bệnh khiến con người phải nấp sau những mái nhà và hạn chế tiếp xúc xã hội, tự nhiên bỗng tươi đẹp hơn bất ngờ. Những kênh đào tại Venice, Italia trong xanh hơn. Chất lượng không khí ở các đô thị cải thiện rõ rệt. Người dân miền Bắc Ấn Độ lần đầu nhìn thấy dãy Himalaya sau hơn 30 năm mù mịt trong khói bụi đô thị. Ngay tại Việt Nam, những đàn cá heo cũng trở lại vịnh Nha Trang sau khi các hoạt động du lịch vắng bóng.
Có lẽ virus là “kháng sinh” của mẹ Trái Đất, giúp làm giảm những nỗi đau và căn bệnh mà tự nhiên phải gánh chịu trong thời gian qua. Mẹ Trái Đất không thể chờ đợi các giải pháp không có kết quả từ con người. Và loài người cũng sẽ nhận ra một sự thật rằng: chúng ta là một phần của tự nhiên và đang sống phụ thuộc vào Trái Đất.
Không thể phủ nhận rằng trong sự ảm đạm của một thập kỷ mới vẫn có những ánh sáng của tình người và hy vọng về “cầu vồng sau cơn mưa”. Sự hợp tác song phương giữa nhiều nước với nỗ lực trong sáng nhằm đối phó dịch bệnh cũng như những sự cảm thông, giúp đỡ và tình cảm dành cho nhau khi khó khăn, hoạn nạn sẽ giúp con người vượt qua những ngày khắc nghiệt. Thế giới phẳng của hiện tại không hoàn hảo, trật tự thế giới đa phương sẽ có những biến chuyển đi cùng sự thay đổi của tư duy và nhận thức từ con người. Và mong rằng khi cuộc chiến này kết thúc, con người có thể xây dựng nên một thế giới phẳng tốt đẹp hơn với những giá trị đích thực của tình người và dành sự trân trọng, biết ơn cũng như hành động thực tế cho Trái Đất này.