• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

COVID-19 mang tư duy ‘mãi không chịu trưởng thành’ đè nặng kinh tế Nhật Bản

Kinh tế Nhật Bản có thể suy giảm đến 6,8% trong năm nay nếu như chính quyền Thủ tướng Shinzo...

Tạp chí Forbes cho rằng, nếu hỏi người dân Tokyo tại sao sự phát triển của Nhật Bản kể từ những năm 1980 đến nay lại thất bại, họ sẽ đổ lỗi cho một trong hai điều: chiến tranh thương mại hoặc COVID-19. Một số người còn cảm thấy là do cả hai điều trên.

“Nhưng hãy trung thực về nguyên nhân thực sự. Đừng như Peter Pan (nhân vậy hoạt hình của Disney, một cậu bé luôn mãi không chịu trưởng thành - PV)”, Forbes nhận định.

Kinh tế Nhật Bản không thể “bay” lên

Forbes chỉ mặt, không ai khác ngoài Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda đã từng đổ lỗi cho chiến tranh thương mại vào năm 2015 khi ông giải trình về sự đi lùi của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á.

Kuroda lập luận rằng: “Tôi tin rằng nhiều người trong số các bạn đã quen thuộc với câu chuyện về Peter Pan, trong đó có câu nói, 'ngay khi bạn nghi ngờ liệu mình có thể bay hay không, bạn sẽ vĩnh viễn không thể làm được điều đó’”.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda từng dùng truyện cổ tích Disney để phân tích kinh tế Nhật Bản. Ảnh: TechGraph
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda từng dùng truyện cổ tích Disney để phân tích kinh tế Nhật Bản. Ảnh: TechGraph

5 năm trôi qua, kế hoạch vực dậy nền kinh tế xứ sở Mặt trời mọc cũng không thể “bay” lên được. Chắc chắn, màn đánh thuế của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc là một tác nhân nhưng theo Forbes, đó chỉ là phụ. Tương tự, hiện nay cú sốc COVID-19 chắc chắn đang làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của Nhật Bản, nhưng không chỉ có nước này chịu tổn thương mà toàn cầu nói chung cũng đang nếm mùi. 

Cả tiền lương và lạm phát đều không tăng lên rõ rệt trong 5 năm từ năm 2013 đến năm 2018, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thực thi nhiều chính sách tiền tệ khác nhau. Trong quý IV/2019, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản đã giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2018, do tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào đầu tháng 10. Đây là quý thứ hai liên tiếp, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản sụt giảm.

Nhiều chuyên gia đồng tình rằng, kinh tế nước này đã rơi vào tình trạng “suy thoái kỹ thuật”. Đáng nói, tình trạng này còn diễn ra trước khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản nghe nói đến COVID-19.

Forbes bỡn cợt: “Hóa ra, việc khiến 126 triệu người ngưng hoài nghi cần đòi hỏi nhiều thứ hơn chỉ là một câu nói. Việc này càng đòi hỏi nhiều hơn đối với một nền kinh tế đang già hóa và không có sức cạnh tranh”.

Trong khi đó, Bloomberg dẫn báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) cho thấy, nền kinh tế nước này sẽ chẳng thể khôi phục lại những gì đã mất cho đến tận tháng 4/2024.

Cụ thể, báo cáo dự đoán nền kinh tế Nhật Bản sẽ suy giảm 6,8% trong năm tài khóa tính đến tháng 3/2021 và có sự hồi phục rất chậm sau đó. Con số suy giảm 6,8% của JCER cao hơn so với mức dự báo 4,7% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Ngoài ra, JCER cũng cho biết tổng GDP của Nhật Bản năm 2035 sẽ thấp hơn 2,3% so với dự đoán trước đó. Từ nay đến năm 2035, nền kinh tế này sẽ mất khoảng 2.100 tỷ USD do các tác động tiêu cực từ COVID-19.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cần được trao quyền nhiều hơn

Nhận thức về sự đi lùi đáng báo động cuối cùng đã chạm đến Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Tuần trước, ông Haruhiko Kuroda, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức Thống đốc vào năm 2013, đã bắt đầu nói chuyện một cách thực tế về sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế nước Nhật sắp tới.

Cũng quan trọng không kém, ông đã lật lại kịch bản mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã trình Thủ tướng Shinzo Abe. Trọng tâm là nước này tiến tới đạt mục tiêu lạm phát 2%. Trong nỗ lực giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng 4 và tháng 5.

Thủ tướng Abe Shinzo cũng vừa quyết định tăng gói kích thích kinh tế lên mức kỷ lục 2.200 tỷ USD. Điều này giúp mở rộng nguồn cung tài chính, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, giảm thuế và các phúc lợi xã hội, đồng thời cung cấp một số khoản cho vay với lãi suất 0% dành cho các công ty tư nhân.

Tuy nhiên, Forbes cũng lưu ý rằng, ông Abe đã từng cam kết nới lỏng thị trường lao động, khuyến khích đổi mới, cắt giảm quan liêu, trao quyền cho phụ nữ, nâng cao năng suất và quốc tế hóa quản trị doanh nghiệp. Vì dịch bệnh mà Thủ tướng Nhật Bản đã chậm chân những việc trên trong khi Forbes cho rằng, đó mới là biện pháp lâu dài với nước Nhật.

Thủ tướng Shinzo Abe muốn phát hành trái phiếu chính phủ để huy động nguồn tài chính cho gói kích thích kinh tế. Ảnh: Getty
Thủ tướng Shinzo Abe muốn phát hành trái phiếu chính phủ để huy động nguồn tài chính cho gói kích thích kinh tế. Ảnh: Getty

Ngoài ra, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ để huy động đủ nguồn tài chính cho gói kích thích kinh tế cũng bị giới tài chính không tán đồng. Nhiều chuyên gia cảnh báo, chính sách này có thể khiến gánh nặng nợ gia tăng, trong bối cảnh tỷ lệ nợ công trên GDP của nước này đã vượt mức 200%.

Forbes cho rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nên điều chỉnh lại việc mua trái phiếu chính phủ để giúp các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng trong khu vực, tăng trưởng tín dụng. Thay vào đó, Ngân hàng có thể yêu cầu các nhà lập pháp trao quyền cho họ trong việc mua nợ từ các công ty cam kết không sa thải công nhân hoặc mua cổ phiếu từ các công ty sẵn sàng tăng lương cho lao động.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng nên làm việc với Bộ Tài chính để tìm ra cách thu được nhiều tiền mặt hơn từ tay người tiêu dùng. “Các chi tiết cụ thể về chi tiêu công 2.200 tỷ USD của ông Abe đang không rõ ràng và tập trung chỉ vào các tập đoàn khổng lồ”, Forbes phê phán.

“Để thay đổi kịch bản và khiến các nhà đầu tư, doanh nhân và các hộ gia đình Nhật Bản thán phục, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phải điều chỉnh lại chính sách của mình và sáng tạo hơn”, Forbes đưa ra lời khuyên.

TẤT ĐẠT

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật