Nina Phạm mệt mỏi, yếu ớt và phải uống thuốc nhiều. Là người đầu tiên nhiễm virus Ebola trên đất Mỹ, cô đã được xe cấp cứu đưa đến Viện Y tế Quốc gia, một trong những cơ sở y tế uy tín nhất nước Mỹ. Cô Phạm không biết bác sỹ của mình là ai. Dù sao thì cô cũng khó nhận ra được người nào với bộ đồ bảo hộ che kín cơ thể.
Thật trùng hợp, người lạ mặt trong bộ đồ hazmat (đồ bảo hộ) đã đích thân chăm sóc cho cô Phạm sáu năm trước, giờ là bác sỹ nổi tiếng và được cả nước biết tên, Anthony Fauci .
Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm và là người đứng đầu cơ quan đối phó với đại dịch của Hoa Kỳ. Ảnh: Zuma Press |
Cô nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi chỉ nhớ ông ấy là một người điềm tĩnh và chu đáo. Thực tế thì ông ấy đã cho tôi sức mạnh và sự tự tin vào bản thân để đánh bại bệnh tật".
Sự nổi tiếng khiến nhiều người ganh ghét
Năm 2020 là năm mà hàng triệu người Mỹ đã quen thuộc với cách bác sĩ Fauci ân cần chăm sóc người bệnh. Nó bắt đầu bằng việc các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm nghe báo cáo về một loại coronavirus mới, bí ẩn đang lây lan ở Vũ Hán, Trung Quốc. Và nó kết thúc bằng những hình ảnh ghi lại quá trình bác sỹ Fauci tiêm chủng, để chứng minh hiệu quả của một loại vaccine được phát triển với tốc độ thần kỳ.
Bác sỹ Fauci được ưu tiên tiêm chủng một phần là vì, công việc chủ yếu của ông trong năm nay vẫn là một bác sỹ, mặc dù ông cũng là một nhà nghiên cứu nổi tiếng cả nước.
Vào hôm 25/12, Fauci đã bước sang tuổi 80. Và khi được hỏi lý do cho việc tiêm chủng, vị bác sỹ trả lời rằng, ông muốn công chúng cảm thấy "tin tưởng hoàn toàn" vào vaccine. Đồng thời, ông cũng cần tiêm chủng để thực hiện công việc của mình, là một bác sỹ chăm sóc tại Trung tâm Lâm sàng NIH.
Bác sỹ Fauci đã có kinh nghiệm trong hơn bốn thập kỷ giúp đưa nước Mỹ vượt qua căn bệnh AIDS, khủng bố sinh học, Ebola, cúm lợn và các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm có thể là khủng hoảng sức khỏe. Do đó, nhiều người dân đã đặt niềm tin vào ông. Tuy nhiên, một số người khác lại phẫn nộ với sự nổi tiếng của ông và không đồng tình với thông điệp mà ông đưa ra.
Các khuyến nghị mà bác sỹ Fauci đưa ra để phòng dịch thậm chí bị tổng thống Trump ngớ lơ. Ảnh: Reuters |
Vị bác sỹ luôn khuyên mọi người rằng, hãy đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay và tránh đám đông. Những điều này giống như một câu thần chú mà ông luôn lặp lại mỗi khi trả lời phỏng vấn.
Bác sỹ Fauci cũng liên tục viện dẫn các bằng chứng khoa học và không ngần ngại nói rằng, còn nhiều điều chúng ta chưa hiểu về loại virus này. Ông đã cố gắng cảnh báo mọi người nghiêm túc với căn bệnh và phải cảnh giác nhưng thông điệp mà ông đưa ra dường như bị ngó lơ.
Không chỉ vậy, ông cũng thường bị Tổng thống Donald Trump gạt sang một bên và bị những người ủng hộ nhiệt thành nhất của Tổng thống phỉ báng đến mức phải yêu cầu sự bảo vệ từ phía cảnh sát.
Làm y học lâm sàng song song với nghiên cứu
Trong một phiên điều trần Quốc hội gay gắt vào tháng 5, tiến sỹ Fauci đã nói với Thượng nghị sỹ Rand Paul rằng: “Tôi chưa bao giờ tự cho mình là người có tiếng nói cuối cùng và duy nhất trong chuyện này. Tôi là một nhà khoa học, một bác sỹ và một quan chức y tế công cộng. Tôi đưa ra lời khuyên theo những bằng chứng khoa học tốt nhất”.
Mọi người thường bỏ qua việc Fauci cũng là một bác sỹ, ông không chỉ là một nhà nghiên cứu.
Tiến sĩ Fauci trong trang phục bảo hộ khi hỗ trợ điều trị cho một bệnh nhân Ebola vào năm 2014. Ảnh: NIAID |
“Fauci luôn nói với tôi rằng, điều quan trọng nhất đối với ông ấy là chăm sóc bệnh nhân. Anh ấy nghĩ rằng, đặc ân giúp đỡ mọi người khi họ ốm đau là điều đáng làm nhất và anh ấy sẽ không bao giờ từ bỏ”, John Gallin, giám đốc lâu năm của Trung tâm Lâm sàng NIH, cho biết khi được hỏi về tiến sỹ Fauci.
Đại dịch đã vắt kiệt tiến sỹ Fauci đến nỗi ông đã phải thay đổi chu kỳ làm việc bình thường của mình kể từ tháng 3. Nhưng trong hầu hết chín tháng qua, ông đã dành thời gian để gặp bệnh nhân trong bệnh viện. Một số người trong số họ gặp vấn đề nghiêm trọng với căn bệnh và ông đang cố gắng chiến đấu với chúng bên ngoài bệnh viện.
“Thỉnh thoảng, thường là khi tôi lái xe về nhà một mình hoặc khi tôi đang chạy bộ với vợ, tôi tự nói với bản thân rằng, ước gì mình được trở lại phòng cấp cứu để chăm sóc bệnh nhân. Đó là sứ mệnh của cuộc đời tôi”, tiến sỹ Fauci chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn đầu năm nay.
Fauci luôn cân bằng giữa việc nghiên cứu và khám lâm sàng. Ông cũng coi đây là đặc điểm xác định sự nghiệp của mình. Từ khi còn làm việc tại Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, thậm chí trước khi còn là giám đốc, bác sĩ Fauci đã tin rằng, điều trị một bệnh nhân có thể giúp điều trị cho nhiều bệnh nhân. Đó là một bài học đã được khắc sâu từ khi ông mới vào nghề.
“Chúng tôi đã có thể làm điều mà mọi người nói rằng không thể làm, đó là làm y học lâm sàng song song với nghiên cứu", ông nói với một sử gia NIH về công trình có ảnh hưởng đầu tiên của mình.
Triết lý này đã khiến bác sỹ Fauci trở thành một nhà y học xuất chúng. Vì thông thường, bạn có thể là một bác sỹ lâm sàng hoặc một nhà khoa học, nhưng không thể đảm nhiệm cả hai.
Tiến sỹ Fauci không đồng ý điều này và ông quyết tâm theo đuổi cả hai. Do đó, khi đã trở thành giám đốc của NIAID, ông vẫn tiếp tục công việc khám lâm sàng. Và trong những ngày điên cuồng của đại dịch, ông vẫn lên kế hoạch cho chu kỳ làm việc của mình, với việc đến thăm các bệnh nhân vào mỗi thứ Tư và thứ Sáu.
Những người hàng xóm của Fauci gần Đại học Mỹ ở DC đã đặt tấm biển với dòng chữ "Cảm ơn Tiến sĩ Fauci!" trước cửa nhà của họ, như biển báo này trên đường Foxhall Road NW. Ảnh: The Washington Post |
Steven Sharfstein, chủ tịch danh dự của Hệ thống Y tế Sheppard Pratt của Maryland, nói rằng: “Để có Tony Fauci làm bác sỹ cho bạn, bạn đã may mắn”.
Bác sỹ Sharfstein, đồng nghiệp của bác sĩ Fauci vào đầu những năm 1980, kể rằng, ông đã nhìn thấy bác sỹ khóc trước cái chết của một bệnh nhân AIDS trẻ tuổi mà họ đã điều trị. Các đồng nghiệp của ông nói rằng, tiến sỹ Fauci luôn coi con người không phải là dữ liệu. Tiến sỹ Sharfstein nói: “Con người không chỉ là những con số trong một nghiên cứu".
Vị tiến sỹ lớn tuổi nhưng không "già"
Một trong số rất nhiều bệnh nhân của bác sỹ Fauci là Nina Pham. Cô là một y tá ở Dallas, Texas. Vào tháng 10/2014, cô chăm sóc một người đàn ông đã chết vì nhiễm Ebola. Hai ngày sau, cô sốt cao và bác sỹ Fauci đã đề nghị đưa cô đến NIH.
Cô Phạm bị cách ly trong Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đặc biệt của bệnh viện, một cơ sở kiểm soát sinh học được xây dựng sau vụ tấn công ngày 11/9. Là giám đốc của bệnh viện, bác sỹ Fauci không phải tự mình chăm sóc cho bệnh nhân Ebola. Nhưng ông hoàn toàn tự nguyện làm điều này.
“Tôi không thích việc yêu cầu nhân viên tự đặt mình vào nguy cơ bị nhiễm bệnh, nếu tôi không tự nguyện làm việc đó trước”, ông nói.
Trước khi những người khác ở độ tuổi của ông phải được dạy cách sử dụng Zoom, ông đã học FaceTime để có thể giao tiếp thường xuyên với mọi người. Ông cũng thường gửi email cho các bệnh nhân từ những năm 1970. Và cho đến năm 2020, hộp thư của vị bác sỹ vẫn ngập tràn các email được gửi đến.
Tiến sĩ Anthony Fauci ôm Nina Pham, người đầu tiên nhiễm virus Ebola ở Mỹ, khi cô xuất viện năm 2014. Ảnh: Getty |
Nhưng điều Nina Phạm yên tâm nhất là, không lâu sau khi cô nhập viện, tiến sỹ Fauci đã gửi thông điệp đến thế giới rằng: Ông dự đoán Nina Phạm sẽ là một người sống sót sau Ebola.
Và đúng như vậy, tám ngày sau khi nhập viện, cô Phạm bước ra ngoài với cái ôm của bác sỹ Fauci. "Tôi đã đặt trọn niềm tin của cuộc đời mình vào ông ấy", cô Phạm nói.
Tuy nhiên, ngay cả khi Nina Phạm được xuất viện, cô vẫn không được làm việc cùng các đồng nghiệp. Hiện cô là cố vấn lâm sàng cho một công ty môi giới bảo hiểm.
Vài tháng sau khi bị dịch Ebola, một báo cáo về cô Phạm đã xuất hiện trong Biên niên sử về Y học Nội khoa. Tiến sỹ Fauci là một trong những tác giả của cuốn sách này.
Nhóm của ông đã thu thập dữ liệu về trường hợp của Nina Phạm để biến một ca nhập viện thảm khốc thành kiến thức khoa học. Họ đã cứu sống cô và sẽ tiếp tục học cách cứu nhiều người hơn nữa. "Về cơ bản, đó là công việc của chúng tôi", tiến sỹ Fauci nói.