Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 1.430.348 ca mắc bệnh và 85.197 ca tử vong. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 1.813 trường hợp tử vong.
Tiếp đó là Tây Ban Nha với 271.095 ca mắc bệnh và 27.104 ca tử vong; Nga với 242.271 ca mắc bệnh và 2.212 ca tử vong; Anh 229.705 ca mắc bệnh và 33.186 ca tử vong; Italy với 222.104 ca mắc bệnh và 31.106 ca tử vong.
Tại châu Âu, Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes khẳng định nước này sẽ tiến hành giai đoạn thứ hai dỡ bỏ các hạn chế chống đại dịch COVID-19 vào ngày 18/5 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được cải thiện.
Theo đó, bắt đầu từ ngày này, các cơ sở giáo dục, ngoại trừ các trường tiểu học, sẽ mở cửa trở lại. Các bảo tàng, và địa điểm văn hóa và lịch sử cũng sẽ nối lại hoạt động, với việc bán vé được thực hiện qua mạng và tránh tập trung số lượng người đông cùng lúc trong các tòa nhà.
Ngoài ra, các cửa hàng làm tóc và cửa hiệu thẩm mỹ sẽ được phép mở lại với điều kiện nhân viên và khách hàng bắt buộc phải mang khẩu trang. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thụy Điển tiếp tục khuyến nghị người dân tránh đi ra nước ngoài cho đến ngày 15/7.
Thủ tướng nước này Stefan Lofven cũng cảnh báo người dân không thực hiện các chuyến đi dài xuyên đất nước và yêu cầu việc di chuyển nội địa chỉ nên giới hạn trong vòng một hoặc hai giờ bằng ô tô.
Những khuyến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh số ca tử vong vì COVID-19 tại Thụy Điển đã lên tới gần 3.500 người với 147 người tử vong 24 giờ qua, trong khi tổng số ca mắc bệnh là 27.909 người.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Mexico thông báo số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 40.186 người, trong đó có 4.220 ca tử vong, tăng tương ứng 1.862 ca bệnh và 294 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Hiện, Mexico đang trong giai đoạn đỉnh dịch, với số ca bệnh và tử vong tăng mạnh từng ngày. Tuy nhiên, cơ quan chức năng tin tưởng sẽ kiểm soát dịch trong vòng 2 tuần tới để đưa đất nước quay trở lại trạng thái bình thường mới.
Với mục tiêu vừa chống dịch và đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ Mexico đã công bố kế hoạch từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế từ ngày 18/5 tới dựa trên tình hình kiểm soát dịch tại mỗi địa phương.
Còn tại Chile, Chính phủ đã ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực thủ đô Santiago sau khi số mắc COVID-19 bất ngờ tăng tới 60% trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 34.381 người.
Theo thống kê chính thức, số ca mắc mới được ghi nhận ở Chile trong 24 giờ qua là 2.660 người, trong khi số ca tử vong là 12 người. Đến thời điểm hiện tại, Chile mới chỉ áp dụng quy định giãn cách xã hội linh loạt và có chọn lọc. Tuy nhiên, việc số ca nhiễm mới liên tục tăng cao trong 10 ngày qua đã khiến chính phủ phải đưa ra những biện pháp mạnh hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại một số nước ở khu vực Trung Mỹ như Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador trong 24 giờ qua đã lên đến 13.914 ca, trong đó có 427 ca tử vong.
Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Ai Cập có thêm 338 ca nhiễm mới và 12 ca tử vong trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ thêm 1.639 ca nhiễm mới và 58 ca tử vong. Iraq ghi nhận 119 ca nhiễm mới - mức tăng kỷ lục kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở nước này trong khi Qatar có 1.390 ca nhiễm mới.
Tại châu Á-Thái Bình Dương, Chính phủ New Zealand đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia khi số người mắc COVID-19 có chiều hướng giảm. Quyết định trên được đưa ra trước khi New Zealand tiến hành những hạn chế ở Báo động Cấp độ 2, nới lỏng so với đợt phong tỏa đất nước kéo dài một tháng ở Báo động Cấp độ 4, bắt đầu từ cuối tháng Ba vừa qua.
Theo những quy định hạn chế được nới lỏng, các địa điểm bao gồm nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vực vui chơi, phòng tập có thể mở cửa trở lại từ ngày 14/5, các trường học nối lại hoạt động vào ngày 18/5 và quán bar từ ngày 21/5.