• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc chiến chống COVID-19 chưa có hồi kết

Trong khi Trung Quốc đang dần xoay chuyển tình thế thì phần còn lại của thế giới vẫn đang...

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong nhận định mới nhất đã cho rằng châu Âu hiện là "trung tâm" của đại dịch COVID-19 toàn cầu và cảnh báo không thể biết khi nào dịch bệnh sẽ bùng phát. Thế giới vẫn đang đối mặt với một cuộc chiến cam go và chưa có hồi kết.

Một cuộc chiến cam go

Trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra, đến nay Trung Quốc đại lục vẫn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong luôn cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trong liên tiếp nhiều ngày gần đây, số ca nhiễm mới và tử vong tại nước này đã và đang giảm mạnh, cho thấy dịch bệnh từng bước được khống chế tương đối thành công.

Nếu so sánh với thời kỳ đỉnh điểm của dịch COVID-19, khi mỗi ngày Trung Quốc đại lục thông báo hàng nghìn người nhiễm bệnh và vài trăm người tử vong do virus SARS-CoV-2, thì con số 31 người nhiễm và 22 người tử vong ngày 10/3 có thể coi là "kỳ tích" trong khâu kiểm soát dịch bệnh tại nước này.

Ngày 12/3, Trung Quốc tuyên bố nước này đã vượt qua cao điểm của dịch với số ca nhiễm mới ngày càng ít. Ngày 13/3, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc được ghi nhận chỉ còn ở mức một con số. Đây là những con số phản ánh nỗ lực lớn của Trung Quốc trong cuộc chiến đấu với COVID-19.

  Bảo tàng Thượng Hải đã mở cửa trở lại, nhưng số lượng khách truy cập hàng ngày đã được giới hạn ở mức 2.000. Ảnh: Tân Hoa Xã

Bảo tàng Thượng Hải đã mở cửa trở lại, nhưng số lượng khách truy cập hàng ngày đã được giới hạn ở mức 2.000. Ảnh: Tân Hoa Xã

Những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận và đánh giá cao khi cho rằng "trước một loại virus chưa từng được biết đến trước đây, Trung Quốc đã triển khai những biện pháp ngăn chặn… có lẽ là nhanh chóng và tích cực nhất trong lịch sử".

Bên cạnh Trung Quốc thì Hàn Quốc - nước phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 20/1 và khiến chính phủ phải nâng mức cảnh báo lên mức “đỏ”, mức cao nhất vào ngày 23/2 - cũng đang ghi nhận tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống COVID-19.

Sáng 14/3, nước này đã ghi nhận 107 ca nhiễm mới trong khi đã có 204 bệnh nhân hồi phục và được xuất viện. Đây là ngày thứ hai Hàn Quốc ghi nhận số người hồi phục cao hơn số ca nhiễm mới, thắp lên hy vọng rằng nước này đang dần kiểm soát được COVID-19, ngăn nó tiếp tục lây lan trong cộng đồng.

Thế nhưng, trong khi một số nước ghi nhận sự chuyển biến tích cực thì ở châu Âu, những nước như Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha đang trở thành “tâm dịch” với số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày càng tăng nhanh chóng.

Đặc biệt là Italy, theo Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm và rối loạn miễn dịch thế giới (Waidid) ngày 13-3 cho biết, tỷ lệ tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này hiện ở mức cao nhất thế giới và gấp 12 lần các quốc gia khác.

Số liệu mới nhất ngày 14/3 cho thấy chỉ trong 24 giờ, Italy đã ghi nhận thêm 250 ca tử vong và hơn 2.500 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên gần 18 nghìn người, số ca tử vong gần 1.300 người.

Có thể thấy nếu như 3 tuần trước, Italy vẫn bình thản trước COVID-19 khi chỉ có 3 ca nhiễm, nhiều người khi đó đã nghĩ chuyện phong tỏa đất nước là điều không bao giờ xảy ra. Nhưng giờ đây, với số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng chóng mặt, đất nước này đang phải đối mặt với sự quá tải của hệ thống y tế.

Italy khốn đốn vì dịch COVID-19 hoành hành.
Italy khốn đốn vì dịch COVID-19 hoành hành.

Tại những vùng tâm dịch như Lombardy hay Veneto, các bệnh viện đều rơi vào tình trạng kín chỗ hoặc thiếu trang thiết bị y tế, các y, bác sỹ cũng không được nghỉ ngơi suốt nhiều tuần. Theo các chuyên gia, ở Italy, đầu tư cho y tế công cộng chỉ chiếm 6,8% GDP của nước này, thấp hơn nhiều nước trong Liên minh châu Âu như Pháp và Đức.

Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống y tế Italy không kịp trở tay khi đối mặt với một dịch bệnh khó lường như COVID-19.

Ngoài Italy thì Pháp, Đức, Tây Ban Nha cũng là những “điểm nóng” về dịch COVID-19 ở châu Âu với số ca nhiễm và tử vong ở mỗi nước đều đã ở mức gần hoặc vượt 4 nghìn trường hợp. Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí còn cảnh báo một sự thật phũ phàng rằng 70% người Đức có thể nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mỹ cũng là nước bị dịch COVID-19 tấn công gây thiệt hại nghiêm trọng với hơn 2 nghìn trường hợp nhiễm bệnh, 43 ca tử vong, lây lan ra 42 bang và thủ đô Washington của Mỹ. Dịch bệnh nghiêm trọng đã khiến Tổng thống Trump ngày 13/3 phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, sử dụng một khoản tiền trị giá 50 tỷ USD cho các bang và địa phương nhằm chống lại COVID-19.

Tại Trung Đông, Iran vẫn đang là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất khi đã có 514 người tử vong và 11.364 người nhiễm COVID-19. Nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn thiết bị và dụng cụ y tế nghiêm trọng để đối phó với dịch COVID-19 do các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến nước này đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Còn tại Việt Nam, nếu như cách đây 1 tuần, người dân cả nước khấp khởi mừng thầm trước phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng: “Một tuần không có ca nhiễm mới, chúng ta sẽ tuyên bố hết dịch”.

Mọi hoạt động kinh tế, xã hội khi đó đã rục rịch trở lại guồng quay, nhưng rồi sau đó người đứng đầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã phải ngậm ngùi tuyên bố: “Chúng ta bắt đầu lại từ đầu”. Bệnh nhân thứ 17 đã đánh dấu việc Hà Nội lần đầu tiên có ca nhiễm COVID-19 (vào tối 6-3).

Ngay lập tức trong vòng 48 tiếng sau đó, các cán bộ, chiến sỹ gần như không được ngủ, nghỉ để nhanh chóng xác định hơn 700 người tiếp xúc F1 và F2 với các trường hợp dương tính với COVID-19 trên địa bàn thành phố. Nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng phải tạm ngừng đón khách; học sinh, sinh viên tiếp tục kỳ nghỉ dài nhất lịch sử; chứng khoán nhiều phiên nhuốm sắc đỏ; nhiều cửa hàng treo biển nghỉ bán, sang nhượng; nhiều khu phố được rào chắn cách ly.

Các khu cách ly tập trung lại càng có thêm nhiều người hơn nữa, đồng nghĩa với việc các y, bác sỹ, cán bộ, chiến sỹ lại tiếp tục hành trình chung sống với đồ bảo hộ thay vì được ăn bữa cơm bên gia đình. Kể từ khi ca nhiễm thứ 17 được công bố, sau một tuần, tổng số ca nhiễm của Việt Nam tính đến chiều ngày 14/3 đã là 53 ca. Một cuộc chiến cam go mới với dịch bệnh COVID-19 lại bắt đầu với chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Việt Nam ghi nhận ca nhiễm thứ 53 tính đến chiều 14/3. Ảnh: Thanh niên.
Việt Nam ghi nhận ca nhiễm thứ 53 tính đến chiều 14/3. Ảnh: Thanh niên.

Chưa có hồi kết 

Trước sự diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, rất nhiều quốc gia từ tất cả các châu lục đều khẩn trương áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhìn chung, biện pháp của các nước đều là hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, đóng cửa trường học, tăng cường làm việc từ xa, cấm các hoạt động tập trung đông người…

Tuy nhiên, dường như những nỗ lực trên được xem là chưa đủ. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo ngày 13/3 đã phải tiếp tục cảnh báo số người nhiễm bệnh và các ca tử vong mỗi ngày ở châu Âu nhiều hơn tất cả phần còn lại của thế giới ngoại trừ Trung Quốc, và châu Âu hiện đã là “trung tâm” mới của đại dịch toàn cầu COVID-19. Số ca tử vong vì COVID-19 hiện đã vượt quá 5.000 người. 

Vì vậy, ông Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia phải tìm kiếm, cách ly, kiểm tra và xử lý mọi trường hợp, để phá vỡ chuỗi lây truyền bệnh. Mỗi trường hợp được tìm thấy và điều trị sẽ hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Ông cho rằng, bất kỳ quốc gia nào có suy nghĩ “dịch bệnh sẽ không xảy ra với chúng tôi” là đang phạm phải sai lầm “chết người”.

Trước đó vào tối 11/3, WHO cũng đã chính thức tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do virus SARS-CoV-2 gây ra là đại dịch toàn cầu. Việc WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu sau 3 tháng kể từ khi căn bệnh ban đầu được gọi là viêm phổi lạ này bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, phản ánh rằng khả năng lây lan virus trên diện rộng về mặt địa lý khiến WHO lo ngại.

Với tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, WHO mong muốn tất cả các nước trên thế giới cần có hành động khẩn cấp và quyết liệt để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan của virus.  Đối với căn bệnh COVID-19 lần này, WHO cũng đã cân nhắc khá thận trọng trước khi tuyên bố đại dịch, bởi trong quá khứ đã có những tranh cãi về việc tuyên bố đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009 gây ra tình trạng hoảng loạn không cần thiết, khiến các cơ sở cấp cứu quá tải và khiến nhiều nước phải bội chi để mua thuốc kháng virus.

Chính vì vậy, khi tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, Tổng giám đốc WHO cũng đã nhấn mạnh rằng mục đích chính của việc công bố đại dịch là nhằm nâng cao ý thức, chứ không phải để dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên toàn cầu. Theo ông, việc tuyên bố COVID-19 là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO đối với mối đe dọa của virus SARS-CoV-2, không làm thay đổi những gì tổ chức đang làm và điều này đồng nghĩa các quốc gia cần phải hành động ngay.

Lịch sử cho thấy ở mỗi giai đoạn dịch bệnh, các nước có thể chọn cách "khoanh tay đứng nhìn", đóng cửa biên giới với vùng dịch hay gửi hỗ trợ, và triển khai các phương án dự phòng tình huống dịch lan tới nước mình.

  Hành khách đeo mặt nạ đi qua nhà ga tại sân bay Frankfurt ở Đức. Ảnh: AP

Hành khách đeo mặt nạ đi qua nhà ga tại sân bay Frankfurt ở Đức. Ảnh: AP

Tuy nhiên, khi dịch bệnh trở thành đại dịch, các nước cần hành động khẩn cấp và quyết liệt hơn, như chuẩn bị cho các bệnh viện tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân, khuyến khích người dân thay đổi hành vi, tránh gặp gỡ, tụ tập đông người, nâng cao tinh thần tự cách ly... Bên cạnh đó, các nước có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau để chống dịch, và Trung Quốc đang là một điển hình.

Để đạt được thành công lớn trong kiểm soát dịch COVID-19 như hiện nay, nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện quyết liệt rất nhiều biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, như: công tác giám sát, báo cáo và cập nhật tình hình dịch bệnh; tăng cường kiểm soát đi lại và cách ly; công tác điều trị bệnh với nguyên tắc "4 tập trung" gồm tập trung các bệnh nhân, tập trung các chuyên gia y tế, tập trung các nguồn lực và tập trung điều trị trong các cơ sở y tế đặc biệt; công tác điều tra dịch tễ và quản lý tiếp xúc gần được thực hiện khẩn trương đối với mọi trường hợp nghi ngờ và được xác nhận dương tính với virus; giải pháp hạn chế tụ họp đông người, kiểm dịch nghiêm ngặt ở nơi công cộng; và cũng không thể không nhắc đến biện pháp huy động sức mạnh của cộng đồng.

Trên bình diện quốc tế, việc chia sẻ thông tin, hợp tác quốc tế và liên khu vực cũng là một biện pháp quan trọng giúp kiểm soát dịch bệnh. Đến nay, Trung Quốc còn tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Italy, Iran, Hàn Quốc chống COVID-19.

Cũng trong cuộc chiến chống COVID-19, ngoài Trung Quốc thì Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế và chuyên gia y tế đánh giá cao về các biện pháp mạnh mẽ, triệt để, toàn diện, chủ động để chặn sự lây lan virus trong cộng đồng, bao gồm cả minh bạch thông tin, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phòng chống dịch.

Nỗ lực của Việt Nam đã được WHO ghi nhận và đánh giá cao. Liên hợp quốc còn sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.

Và trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định "Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh COVID-19".

Lời khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Nếu tất cả chúng ta cùng đồng lòng, toàn dân Việt Nam đều đồng lòng, toàn dân chống dịch, thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng, như dân tộc Việt Nam ta đã từng nhiều lần chiến thắng” chắc chắn cũng sẽ trở thành hiện thực. Vì vậy trong lúc này, điều cần nhất ở mỗi người dân chúng ta là ý thức chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Dữ liệu đang được cập nhật.

(Nguồn: TTXVN)


Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật