Nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G20) sẽ nhóm họp tại hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng của Indonesia vào thứ Ba (ngày 15 tháng 11) với chủ đề đầy hy vọng "cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn".
Ông Putin sẽ không có mặt, ông Biden sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng mới của Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni lần đầu tiên kể từ khi những người này nhậm chức.
Những vấn đề về sức khỏe, năng lượng bền vững và chuyển đổi kỹ thuật số có thể bị lu mờ do lo ngại về nền kinh tế toàn cầu đang lan rộng và căng thẳng địa chính trị tập trung vào cuộc chiến ở Ukraina, theo các chuyên gia.
Cuộc xung đột kéo dài gần 9 tháng đã làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu và các vấn đề về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và ngũ cốc, sẽ là những vấn đề được quan tâm nhất.
Mỹ và các đồng minh ở châu Âu và châu Á ngày càng có xu hướng lo ngại một Trung Quốc đang có ý chí bá quyền và điều này khiến các nền kinh tế trong nhóm G-20 mới nổi như Ấn Độ, Brazil và chủ nhà Indonesia phải đị dây trong các mối quan hệ.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã cố gắng thu hẹp những rạn nứt trong G-20 về cuộc chiến ở Ukraina. Ông Widodo, còn được gọi là Jokowi, đã trở thành nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên kể từ sau cuộc chiến ở Ukraina đến thăm cả hai nước.
Ông đã mời Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraina, không phải là thành viên G-20, tham gia hội nghị thượng đỉnh và ông Zelenskyy dự kiến sẽ tham gia, có thể là trực tuyến.
Bhima Yudhistira, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật tại thủ đô Jakarta của Indonesia, cho biết: "Một trong những ưu tiên của ông Jokowi là giảm bớt căng thẳng chiến tranh và rủi ro địa chính trị".
Hội nghị thượng đỉnh G-20 năm ngoái tại Rome là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của các thành viên kể từ sau đại dịch. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc không tham dự.
Sự kiện năm nay diễn ra sau Hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc tại Ai Cập và Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Campuchia, nơi ông Biden và một số nhà lãnh đạo G-20 khác đang tham dự và cuộc họp Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Thái Lan ngay sau đó.
Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ làm việc với các quốc gia Đông Nam Á và nói rằng "chúng ta sẽ xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn mà tất cả chúng ta đều muốn thấy" trong một khu vực mà Trung Quốc đang nỗ lực để tăng cường ảnh hưởng của mình.
Một câu hỏi cụ thể được đặt ra tại Hội nghị thượng đỉnh Bali là liệu Nga có đồng ý gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen của Liên hợp quốc hay không?
Thỏa thuận được ký kết vào tháng 7 cho phép nước xuất ngũ cốc lớn thế giớ là Ukraina nối lại xuất khẩu từ các cảng đã bị phong tỏa nhiều tháng vì chiến tranh. Nga đã rút khỏi thỏa thuận một thời gian ngắn vào cuối tháng trước sau khi hạm đội Biển Đen của họ bị tấn công và nối lại lại vài ngày sau đ1o.
Bộ trưởng Ngoại giao UkraineaDmytro Kuleba hôm thứ Bảy đã kêu gọi gây thêm áp lực lên Nga để gia hạn thỏa thuận, đồng thời nói rằng Moscow phải "ngừng chơi bỏ đói thế giới".
Khi các nhà lãnh đạo đối mặt với xung đột và căng thẳng địa chính trị, thì thê giới đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế.
Hậu quả của cuộc chiến ở Ukraina được cảm nhận từ những ngôi làng xa xôi nhất của châu Á và châu Phi cho đến những ngành công nghiệp hiện đại nhất. Nó đã làm gia tăng sự gián đoạn đối với nguồn cung cấp năng lượng, vận chuyển và an ninh lương thực, đẩy giá cả lên cao hơn và làm phức tạp thêm nỗ lực ổn định nền kinh tế thế giới sau những biến động của đại dịch.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đang thúc giục G-20 hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.
"Ưu tiên của tôi ở Bali sẽ là lên tiếng cho các quốc gia ở Nam bán cầu, những quốc gia đã bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19 và tình trạng khẩn cấp về khí hậu, và hiện đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng về lương thực, năng lượng và tài chính, và nó càng trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc chiến ở Ukraina.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu chỉ tăng khoảng 2,7% vào năm 2023, trong khi ước tính của các nhà kinh tế khu vực tư nhân là 1,5%, giảm so với khoảng 3% trong năm nay, mức tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu những năm 1980.
Trung Quốc vẫn nằm ngoai các dự báo tăng trưởng do nước này đang vật lộn với chính sách "zero Covid", điều đã kiềm hãm đà tăng trưởng.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tăng trưởng 3,9% trong quý gần nhất. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng nó đang chậm lại dưới áp lực của các biện pháp kiểm soát đại dịch, chính sách hạn chế đối với các công ty công nghệ và sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản, động lực quan trọng trong tăng trưởng và việc làm của Trung Quốc.
Các nhà dự báo đã cắt giảm ước tính tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc xuống mức dưới hơn 3%. Con số này sẽ thấp hơn một nửa so với mức 8,1% của năm ngoái và là mức thấp thứ hai trong nhiều thập kỷ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh với tư cách người vừa được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ thứ ba tại Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Đây chỉ là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông kể từ đầu năm 2020, sau chuyến thăm Trung Á, nơi ông gặp Putin vào tháng 9.
Ông Biden và ông Tập sẽ tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm 2021 bên lề hội nghị vào thứ Hai.
Mỹ mâu thuẫn với Trung Quốc về một loạt vấn đề, bao gồm nhân quyền, công nghệ và tương lai của hòn đảo Đài Loan. Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh toàn cầu lớn nhất của mình và sự cạnh tranh đó chỉ có khả năng gia tăng khi Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong những năm tới.
Liên minh châu Âu cũng đang đánh giá lại mối quan hệ của mình với Trung Quốc khi họ tìm cách giảm sự phụ thuộc thương mại vào nước này.
Ông Biden cho biết ông có kế hoạch nói chuyện với ông Tập về các chủ đề bao gồm Đài Loan, chính sách thương mại và mối quan hệ của Bắc Kinh với Nga.
"Điều tôi muốn làm ... là vạch ra những lằn ranh đỏ", ông Biden nói vào tuần trước.
Nhiều nền kinh tế đang phát triển bị kẹt giữa việc chống lại lạm phát và cố gắng duy trì sự phục hồi từ đại dịch.
Nền kinh tế của nước chủ nhà Indonesia đã tăng trưởng 5,7% trong quý trước, một trong những tốc độ nhanh nhất trong số các quốc gia G-20.
Tuy nhiên, tăng trưởng giữa các nước xuất khẩu tài nguyên như Indonesia được dự báo sẽ hạ nhiệt khi giá dầu, than đá và các mặt hàng khác giảm xuống.
Vào thời điểm mà nhiều quốc gia đang phải vật lộn để đủ khả năng nhập khẩu dầu, khí đốt và thực phẩm trong khi vẫn phải trả nợ, áp lực đang gia tăng đối với những người dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.
Tại Bali, các cuộc đàm phán cũng dự kiến sẽ tập trung vào việc tìm cách thúc đẩy quá trình chuyển đổi khỏi than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác.
G-20 được thành lập vào năm 1999, ban đầu nó là một diễn đàn để giải quyết các thách thức kinh tế. và bao gồm Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu,…
Một số nhà quan sát của khối, như Josh Lipsky, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, đặt câu hỏi liệu G-20 có thể hoạt động tốt khi mà rạn nứt địa chính trị gia tăng hay không.
"Tôi hoài nghi rằng nó có thể tồn tại lâu dài ở định dạng hiện tại", ông nói trong một cuộc họp báo vào tuần trước.
Điều đó khiến mọi thứ trở nên đặc biệt khó khăn với chủ nhà Indonesia.
"Đây không phải là G-20 mà họ đăng cai", ông Lipsky nói. "Điều cuối cùng họ muốn là ở giữa cuộc chiến địa chính trị này, cuộc chiến này ở châu Âu".
(AP)